Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Rà soát, đánh giá kỹ việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”

Sáng 17.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích

Tờ trình dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày. Theo đó, mục tiêu sửa luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn. Đồng thời, mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trên cơ sở bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện…

Rà soát, đánh giá kỹ việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” -0
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quy định này sẽ giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật cũng bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc; sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH…

Đánh giá kỹ tác động chính sách “trợ cấp hưu trí xã hội” với ngân sách Nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý cần có những đổi mới căn bản để xử lý các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn. Đồng thời, phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Rà soát, đánh giá kỹ việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” -2
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Về việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của quy định này đối với ngân sách Nhà nước, tác động của việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng như thế nào đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế hay không? Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật song đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ, đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục và đồng thuận cao. Nhấn mạnh BHXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, về cơ bản, dự án Luật đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng, đặc biệt là bám sát vào Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Về bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Theo Chủ tịch Quốc hội, số tiền trợ cấp hưu trí xã hội nên để Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể; còn tuổi thì quy định ngay trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, có thể tính đến lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ngay trong dự thảo Luật hay không?

Rà soát, đánh giá kỹ việc bổ sung “trợ cấp hưu trí xã hội” -1
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đối với việc sửa đổi Luật BHXH đã rõ nên tinh thần là phải quyết tâm cao, sớm khẩn trương trong xây dựng, hoàn thiện dự án Luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan phải tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý kết cấu dự thảo Luật mạch lạc hơn; rà soát để quy định đầy đủ hơn việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, quản lý thu quỹ BHXH, về trợ cấp hưu trí, về BHXH một lần, về xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội chủ động tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nắm bắt dư luận đối với dự án Luật để thẩm tra chính thức, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi dự luật được trình Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tham gia thẩm tra dự luật. 

Theo daibieunhandan

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top