Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

"Lợi ích nhóm" và vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Kỳ 2/3)

Cũng có quan điểm cho rằng, đánh giá lòng dân chao đảo là chưa khách quan, có thể chưa đủ sức thuyết phục đối với những người không đủ thông tin hoặc tiếp cận thông tin qua các báo cáo, qua các bài báo khuếch trương thành tích. Vậy trên thực tế lòng dân như thế nào? Bài viết đi tìm lời giải cho "bài toán" khó.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG:

Tham nhũng làm chao đảo lòng dân

Kỳ 2: VẤN ĐỀ LÒNG DÂN

Đây là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đang nắm giữ vị trí rường cột của nước nhà cần phải lưu tâm suy nghĩ cho hết nhẽ. Nếu lãnh đạo mà không nghĩ đến lòng dân là trái với bài học lớn của Đảng “dân là gốc”. Các vị lãnh đạo cần phải dành thời gian để suy ngẫm về vấn đề hệ trọng này. Nếu cứ mải mê theo việc “giữ ghế, tranh ghế”, dành nhiều thời gian vào việc “đánh bóng” trước công chúng, hoặc quan hệ tạo ảnh hưởng cá nhân bằng những kết nối mang tính phường, nhóm ở hậu trường, hoặc bị cuốn vào công việc hành chính, sự vụ của cơ quan... mà không nắm được thực tiễn đời sống, không nắm được tư tưởng, tâm lý, tình cảm của các thành phần xã hội hiện nay, liệu các vị còn xứng đáng là “đầy tớ” là “công bộc” của dân ? Có thể các vị không tham nhũng, nhưng sự quan liêu của các vị cũng là nguyên nhân gây ra oan trái bất bình trong nhân dân.

Người cán bộ không đủ thông tin để giải quyết các vấn đề thấu tình đạt lý cũng là người cán bộ tồi. Có nhiều người cho rằng, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay, ngoài một bộ phận không nhỏ suy thoái, tham nhũng thì còn có một bộ phận chủ quan, giáo điều. Chủ quan giáo điều thường máy móc làm theo chỉ đạo của trên, còn suy thoái tham nhũng thường nhũng nhiễu, lừa trên, dối dưới. Đội ngũ cán bộ có chính kiến, tâm huyết, năng động sáng tạo, có sáng kiến và tạo được hiệu quả cao trong công việc đôi khi bị "nhóm lợi ích" hạ bệ, cản trở. 

Có ba vấn đề chính cần được giải quyết. Một là, nhiều nghị quyết của Đảng với mục đích rất đúng, rất tốt nhưng chỉ thực hiện được một phần, hoặc thậm chí có nghị quyết dường như không thực hiện được; hai là luật pháp, chính sách bất cập, chồng chéo; ba là đạo đức công vụ của công chức, viên chức, doanh nhân...

Nhiều nghị quyết của Đảng thực hiện được một phần hoặc có nghị quyết chưa thực sự đi vào cuộc sống một phần do bệnh chủ quan giáo điều của cán bộ cấp chiến lược. Thí dụ các vấn đề chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; chống tự diễn biến, tự chuyển hoá; quy định những điều đảng viên không được làm; vấn đề tinh giản bộ máy; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... báo cáo của các cấp về kết quả thực hiện chưa phản ánh đúng thực tế, hiệu quả không cao.

Pháp luật, chính sách bất cập, chồng chéo rất rõ ở nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân chính là do nhóm lợi ích “tham nhũng chính sách”. Thí dụ trong lĩnh vực đất đai và liên quan đến đất đai có rất nhiều chuyện. Nhiều quy định được cho là đúng pháp luật, nhưng các quy định đó tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Trên thực tế khi thực hiện các điều luật này trong nhiều trường hợp đều có bóng dáng của “lợi ích nhóm”. Không ít dự án có số lượng rất đông người dân bị thu hồi đất, tiền bồi thường không đủ để họ tạo lập, chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh, lo toan cuộc sống về sau. Trong khi số ít cán bộ chỉ đạo, quản lý, thực hiện dự án...lại được “chia” những khoản tiền mà người khác không thể nào có được.

Nếu có cách để kiểm soát thống kê thực tế số lượng quan chức, doanh nhân và những thành phần ăn theo khác, thời nay ở nhà biệt thự, đi xe hạng sang, tiêu tiền hạng “VIP” (trừ những người sở hữu tài sản có nguồn gốc rõ ràng) thì thấy rất rõ bất công xã hội.

Từ câu chuyện tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, dẫn tới đạo đức công vụ của công chức nhiều nơi, nhiều cấp bị biến thái nghiêm trọng. Công chức “được” nằm trong các nhóm lợi ích thì “ăn cơm”, số khác cũng phải tìm cách kiếm “chút cháo”. Anh, chị làm được thì tôi làm được. Cứ thế đua nhau tìm cách đục khoét, sao nhãng nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cũng từ bất cập của thể chế pháp luật và đạo đức công vụ mà câu chuyện tham nhũng “vặt”, nạn bảo kê của quan chức đối với kinh doanh dịch vụ bất hợp pháp, hoặc chưa có quy định rõ ràng; sự thiên lệch, thiên vị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử ngày càng tăng. Trước đây những hiện tượng này là cá biệt, giờ đây là phổ biến. Xu hướng thương mại hoá báo chí cũng không thể ngăn chặn được. Hoạt động báo chí sai lệch tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cũng là hệ lụy của “lợi ích nhóm”.

Qua thông tin trên báo chí và truyền thông xã hội, có thể nói, “lợi ích nhóm” đang làm biến thái mục đích của chính sách, pháp luật, đạo đức công vụ, làm xô lệch đạo lý, công lý, pháp luật, làm vấy bẩn đời sống chính trị tinh thần, văn hoá, tâm linh xã hội. Có rất nhiều vụ việc xẩy ra, nhìn ở góc cạnh nào thì phần sai trái cũng nhiều hơn, vượt trội hơn phần đúng đắn tích cực. Thậm chí có những vụ việc sự can thiệp của chính quyền, của ngành tư pháp còn vi phạm Hiến pháp trong thực thi công vụ mà không được giải quyết xử lý thỏa đáng.

Tham nhũng làm chao đảo lòng dân, Ảnh minh họa

Sự bào mòn niềm tin và những biểu hiện sai lệch

Có thể dẫn ra hàng trăm vụ điển hình về sự oan trái, uất nghẹn của người dân khắp mọi miền đất nước có nguyên nhân từ nhóm lợi ích cùng đạo đức công vụ của công chức chính quyền.

Thiết nghĩ, trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay, do sự bất cập của thể chế pháp luật và sự nhiễu nhương trong thực thi công vụ của công chức, viên chức, những vi phạm pháp luật đều có lỗi tổng hợp của nhiều bên tham gia. Có nhiều vụ nghiêm trọng xẩy ra đều có nguyên nhân từ sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, thiếu trách nhiệm hoặc tham nhũng trong thực thi công vụ của cán bộ công chức...chứ không chỉ là lỗi riêng của người dân, doanh nghiệp... Vì vậy nếu chỉ nhắm vào người dân, doanh nghiệp... để lên án, chỉ trích vi phạm sẽ là phiến diện, một chiều, định kiến, thiếu góc nhìn biện chứng. Và do đó sẽ ảnh hưởng xấu, ngược chiều sự phát triển.

Còn chuyện suy thoái, biến chất của cán bộ công quyền thì không thể kể hết. Ngay trong thời điểm này, Đảng có nhiều quy định chặt chẽ về công tác cán bộ, nhưng có nhiều trường hợp cán bộ dính đến tham nhũng, có nhiều trường hợp báo chí đã lên án, có nhiều trường hợp bị thanh tra, kiểm tra vi phạm...nhưng vẫn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, vì sao?

Một là, hiểu và thực hiện phép biện chứng của Chủ nghĩa Mác chưa đầy đủ. Trên thực tế, nhiều cấp ủy Đảng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng khi đề ra chủ trương, tiến hành thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo không nhận thức đầy đủ mối liên hệ, tương tác, chuyển hóa và vận động, phát triển theo quy luật của các sự vật, hiện tượng... Nhiều cán bộ lãnh đạo lâm vào bệnh bảo thủ, chủ quan, giáo điều. Đây cũng là một loại bệnh làm hạn chế sự sáng tạo, tinh thần đổi mới, đồng nghĩa việc làm suy yếu đảng.

Hai là, vấn đề dân chủ trên thực tế ngày càng bị thui chột. Theo Chủ nghĩa Mác Lê Nin: Dân chủ trong xã hội có giai cấp là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc và là chủ thể của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Trong các thời kỳ khác nhau của xã hội có phân chia giai cấp, dân chủ bị biến dạng, bị chi phối bởi quan điểm lập trường, thái độ chính trị và lợi ích của giai cấp cầm quyền; dân chủ mất dần giá trị là quyền lực của nhân dân. Các giai cấp thống trị đã nhân danh cộng đồng, nhân danh lợi ích chung định ra thể chế pháp luật để thao túng mọi quyền hành, tước quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ trở thành hình thức, còn thực chất là “quan chủ”.

Đối chiếu quan điểm về dân chủ nêu trên với thực tiễn cách mạng nước ta, chúng ta dễ nhận thấy, nước ta không còn là xã hội phân chia giai cấp, nhưng thực thi dân chủ của người dân chưa thoát ra khỏi tàn dư của xã hội phân chia giai cấp. Nguyên nhân chính không phải do người dân thiếu năng lực thực hiện quyền dân chủ, mà chính là việc xây dựng thể chế pháp luật của nhà nước. Ngay luật bầu cử, một đạo luật bảo đảm quyền tự do ứng cử, bầu cử của công dân, nhưng khi thực hiện thì cũng chỉ là hình thức. Đảng lãnh đạo xã hội bằng cách đề ra cương lĩnh, đường lối, nghị quyết thì đúng. Nhưng chuyện Đảng cử cán bộ tham gia lãnh đạo chính quyền, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội... cũng cần phải xem lại và cần có quy định chi tiết, rõ ràng hơn.

Ở đây cần phải hiểu Đảng cầm quyền, nhưng quyền lực đó phải trên cơ sở ý chí của nhân dân. Chuyện bầu cử không chỉ là hình thức trong các kỳ bầu cử QH, HĐND các cấp. Mà bầu cử không thực chất dân chủ diễn ra rất phổ biến cả trong và ngoài Đảng. Hiện nay rất dễ dàng tìm địa chỉ có sự gò ép, gượng ép trong chỉ đạo bầu cử cấp ủy, bầu Ban chấp hành các hội, đoàn... Nhiều nơi, khi đại hội đảng bộ, chi bộ, đảng viên, đại biểu đảng viên được quán triệt là phải bầu cho những đồng chí đã được cấp ủy cấp trên thông qua, mặc dù có những người trong danh sách “quân đỏ” có vấn đề về phẩm chất, tín nhiệm thấp...

Bầu cử là thế, còn nguyên tắc tập trung dân chủ thì cũng có quá nhiều thí dụ để nói về nhận thức không đầy đủ và sự lạm dụng nguyên tắc trên thực tế.

Trong điều kiện hiện nay, một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, lợi ích nhóm phổ biến, mà vẫn cách làm như lâu nay, thì quyền dân chủ của nhân dân khó được bảo đảm trên thực tế. Rõ ràng, vấn đề dân chủ chúng ta có nơi đã xa rời, làm biến dạng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Ba là, câu chuyện về xây dựng pháp luật, chính sách, cũng có quá nhiều chuyện để nói, thực tế có nhiều vấn đề chúng ta đã xa rời cương lĩnh, đường lối của Đảng. Trở lại chuyện đất đai, khái niệm về sở hữu và quyền sử dụng không được giải quyết triệt để. Trong thực tế quyền sử dụng đất đã chi phối đến các quan hệ dân sự, kinh tế, làm lu mờ quyền sở hữu, tạo điều kiện cho những người nhiều tiền, nhóm lợi ích thao túng đất đai, gây ra bao hệ lụy xấu, phức tạp cho xã hội. Có những điều luật quy định về thu hồi đất để thực hiện dự án, cũng không được quy định chặt chẽ, dẫn đến khi thực hiện không vì cuộc sống người dân. Vì người dân, vì xây dựng đất nước chỉ là cái vỏ, còn cái ruột thực chất là vì nhóm lợi ích.

Thế mới xảy ra các chuyện động trời, đau lòng như ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác. Trên cả nước trong vài thập kỷ gần đây, có hàng ngàn vụ việc nổi cộm, gây biết bao nhiêu oan trái, bức xúc của nhân dân từ câu chuyện tranh quyền sử dụng đất, tham nhũng liên quan đến đất. Đây là một lĩnh vực gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Không chỉ là vấn đề đất đai, nhiều lĩnh vực khác, trong xây dựng pháp luật, chính sách cũng có biểu hiện mạnh ai, nấy làm. Luật, Nghị định liên quan đến Ngành nào thì do Bộ, Ngành đó soạn thảo đệ trình. Trong quá trình trình các dự án luật, dự thảo Nghị định, có nhiều “lộ trình” đều có sự vận động để có lợi cho Ngành mình. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự xung đột, chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật, chính sách ở nước ta.

Bốn là, không chỉ là việc sai lệch trong xây dựng pháp luật chính sách, mà trong thực hiện chính sách cũng sai lệch, xa rời các quy định. Thí dụ vấn đề cán bộ, công tác cán bộ. Đảng, Nhà nước đề ra, quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đào tạo, sử dụng cán bộ. Nhưng trên thực tế làm không đúng, hoặc chỉ hợp thức hoá để cho đúng quy định, nhất là khâu lựa chọn, tạo nguồn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Nguyễn Hòa Văn

Xem thêm: 

>>> "Lợi ích nhóm" và vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Kỳ 1/3):

Nền tảng tư tưởng của Đảng và lòng dân

>>> "Lợi ích nhóm" và vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Kỳ 2/3):

Vấn đề  lòng dân

>>> "Lợi ích nhóm" và vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Kỳ 3/3):

Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top