Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phát triển du lịch Hải Phòng trở thành động lực của khu vực và cả nước

17:14 31/05/2022 - Kinh tế
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho rằng, để phát triển và xây dựng các sản phẩm đặc thù, độc đáo, hấp dẫn và khác biệt cho du khách đến Hải Phòng cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa của các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng. Ảnh: TL

Từng bước thực hiện chiến lược quảng bá điểm đến

Phóng viên (PV): Từ đầu tháng 5 tới nay, cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ rần rần like (Thích), comment (Bình luận), share (Chia sẻ) bản đồ món ngon Hải Phòng- Lòng vòng ẩm thực” do Sở Du lịch Hải Phòng công bố;  rồi rủ nhau trải nghiệm, thưởng thức thành Trend- trào lưu  Foot tour bằng tàu hỏa về Hải Phòng... Có thể xem đây là một thành công rất 4.0 về quảng bá, xúc tiến du lịch Hải Phòng. Ngoài bản đồ ẩm thực, Sở có những kênh thông tin, quảng bá về du lịch nào nữa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền: Chương trình Food Tour Hải Phòng được Sở Du lịch phối hợp với Ga Hải Phòng triển khai từ tháng 7 năm 2019, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên bị gián đoạn từ tháng 3-2020. Thực hiện kế hoạch về khôi phục và phát triển du lịch sau dịch, thời gian gần đây, Foodtour tiếp tục được ưu tiên thực hiện như một trong nhiều nỗ lực nhằm khôi phục thị trường du lịch tại Hải Phòng. Bản đồ món ngon Hải Phòng là một trong những hình thức quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố và giúp du khách thuận tiện tra cứu và lựa chọn địa điểm trên hành trình du lịch.

Sở Du lịch cũng phối hợp với các bạn trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL’s) để quảng bá foodtour Hải Phòng; mở chuyên mục Review Foodtour trên website: dulichhaiphong.gov.vn; phối hợp với các cơ quan Báo, Đài của Trung ương và thành phố xây dựng các tin, phóng sự chuyên đề về foodtour Hải Phòng phát trên các kênh truyền hình có tỷ suất người xem cao và qua các sự kiện, hoạt động du lịch do thành phố tổ chức.

Foodtour Hải Phòng đã tạo được thành công bước đầu về thu hút khách du lịch nhất là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên… từng bước thực hiện chiến lược quảng bá điểm đến.

Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2022 trở lại, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân thành phố cảng cũng như du khách trong và ngoài nước khi đến với Hải Phòng. Ảnh: TL

Quảng bá, xúc tiến phù hợp với đặc thù “Đẹp - Độc - Đáng”

PV: Có những ý kiến nhận xét, so sánh cho rằng công tác quảng bá, xúc tiến của Du lịch Hải Phòng vẫn chưa sôi động, cởi mở...như các địa phương trọng điểm du lịch khác, và ngay với chính người “hàng xóm” Quảng Ninh và với chính nhịp độ phát triển của các ngành kinh tế- xã hội thành phố chúng ta?

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền: Như một kênh thông tin, Sở Du lịch luôn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp không chỉ về truyền thông mà còn các vấn đề về phát triển du lịch của thành phố. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Sở luôn xác định công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm du lịch là nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút khách du lịch đến với thành phố.

Tuy nhiên, với đặc thù của ngành du lịch: “Đẹp - Độc - Đáng” thì căn cứ vào tình hình thực tế, hạ tầng, sản phẩm du lịch và nguồn lực cho phép mà mỗi địa phương cần tìm hướng đi riêng và nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến cũng tuân thủ theo nguyên tắc này. Ví dụ như sản phẩm food tour hướng tới thị trường du khách tiềm năng là giới trẻ, học sinh, sinh viên,… Từ đó, Sở đã xây dựng phương án quảng bá trên các nền tảng số.

Về thực hiện chiến lược truyền thông của thành phố Hải Phòng về du lịch những năm gần đây đang có định hướng và phân công nhiệm vụ khá rõ ràng giữa các cấp, ngành để đạt hiệu quả, phù hợp với nhịp độ phát triển của thành phố.

Rực sáng Hải Phòng về ban đêm. Ảnh: Lưu Thành Đạt

 Du lịch thành phố đã có những dấu hiệu khởi sắc...

PV: Và thực tế du lịch Hải Phòng sau hai năm gần như “đóng băng” vì đại dịch COVID-19, hiện nay, đã khôi phục ra sao? Trong đó, Sở Du lịch với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn đã làm gì?

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền: Ngay sau khi Chính phủ thông báo về việc du lịch được phép hoạt động trở lại từ ngày 15/3/2022, Sở Du lịch đã phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức lại hoạt động để  bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn cho du khách; đồng thời thực hiện các chương trình hỗ trợ kích cầu du lịch để hoạt động du lịch trở lại đạt hiệu quả.

Sở chủ động xây dựng, phối hợp hàng loạt chương trình tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của thành phố trên các kênh truyền hình có tỷ lệ người xem cao và qua các sự kiện, hội chợ du lịch tổ chức trong nước và trên các nền tảng số của Sở Du lịch.

Phối hợp với các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 5 tỉnh/thành phố miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tại thành phố Hải Phòng. Phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức đoàn Famtrip khảo sát vịnh Lạn Hạ và Hội thảo: “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng bứt phá” tại quần đảo Cát Bà.

Tổ chức hoạt động trở lại và đẩy mạnh phát triển sản phẩm “Du lịch ẩm thực Hải Phòng (foodtour Hải Phòng)”. Tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch An Lão - Đồ Sơn - Hải Phòng; khảo sát, hướng dẫn cơ sở lưu trú du lịch loại hình Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay) trên địa bàn huyện Cát Hải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định để đón và phục vụ khách du lịch.

Tham dự Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam -VITM Hanoi 2022 tại thủ đô Hà Nội.

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022; phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải tổ chức thành công Liên hoan du lịch “Đồ Sơn - Sắc màu của biển” năm 2022 và Khai mạc du lịch “Cát Bà Xanh năm 2022”, đánh dấu sự trở lại ấn tượng của du lịch Đồ Sơn và Cát Bà sau hơn 2 năm tạm dừng do dịch bệnh Covid-19.

Sau hơn 2 năm ngừng hoạt động hoặc hoạt động gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện đang khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp, người lao động nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề dẫn đến thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở tất cả các lĩnh vực lữ hành, lưu trú và dịch vụ hỗ trợ du lịch. Sở đã tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ du lịch trong tình hình mới cho cán bộ, nhân viên, người lao động tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố và Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe ô tô taxi, xe 4 bánh gắn động cơ tham gia chở khách du lịch dự kiến tổ chức cuối tháng 5-2022.

Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay ngành du lịch thành phố đã có những dấu hiệu khởi sắc, từng bước phục hồi và phát triển. Tháng 4- 2022, Du lịch Hải Phòng đã đón và phục vụ được 587 nghìn lượt khách, tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế là 19,7 nghìn lượt, tăng 131,06% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu đạt 505 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021

Vịnh Lan Hạ - Hải Phòng. Ảnh: TL

Du lịch Hải Phòng đang có những thời cơ, thuận lợi to lớn

PV: Có thể thấy sự cạnh tranh và thách thức ngày càng lớn khi mà môi trường kinh doanh du lịch ngày càng thông thoáng, Du lịch Hải Phòng đang ở vị trí nào trên bản đồ phát triển du lịch Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền: Với vai trò, ý nghĩa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả về kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng; giai đoạn 2016 - 2019, du lịch Hải Phòng có bước phát triển đáng kể; tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân 15,3%/năm, khách du lịch tăng bình quân 15%/năm. Đến năm 2019 đã đón được 9,1 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt 7.850 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra cho năm 2020 (đón 8 triệu lượt khách).

Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc thông qua việc đầu tư và thu hút đầu tư hàng loạt các công trình, dự án lớn của các nhà đầu tư có tiềm năng trong lĩnh vực du lịch như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Geleximco. Các dự án phát triển du lịch hoàn thành, đưa vào khai thác đã góp phần thay đổi diện mạo của du lịch thành phố. Sản phẩm du lịch cũng được phát triển đa dạng, chất lượng và hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của du khách, các loại hình du lịch chơi golf, du thuyền trên vịnh Lan Hạ và trải nghiệm ẩm thực đường phố (food tour), du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần mở rộng không gian du lịch của thành phố.

Hải Phòng hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch với các lợi thế cả về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường không; giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong vùng và cả nước cũng như giao lưu quốc tế, có nhiều điều kiện để đón và phục vụ lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Sự phát triển của du lịch Hải Phòng vừa là động lực thúc đẩy, vừa tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển của cả khu vực động lực nói riêng cũng như của cả nước nói chung.

Mặt khác, Hải Phòng còn là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông thời gian qua được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại…

Thành phố có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên du lịch tự nhiên (rừng núi, biển đảo, hệ sinh thái vườn quốc gia…) và tài nguyên du lịch văn hóa (các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, ẩm thực,..). Hơn thế nữa, Hải Phòng là đô thị lớn với kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch MICE.

 Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020  xác định 07 khu vực động lực của du lịch Việt Nam, trong đó có khu vực động lực Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình. Đây là khu vực động lực đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, rộng hơn có thể là cả khu vực miền Bắc.

Đây chính là những thời cơ, thuận lợi hết sức to lớn đối với phát triển du lịch của thành phố.

Hải Phòng đang hoàn thiện quy hoạch, thu hút dòng vốn phục vụ nhu cầu phát triển tại khu đô thị cửa ngõ phía Tây Hải Phòng.  Ảnh: Hồng Phong

Phát triển, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, hấp dẫn và khác biệt

PV: Du lịch Hải Phòng làm thế nào để vươn tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, tương xứng với vị thế thành phố tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045?

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 là bước cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương và thành phố về phát triển du lịch, thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục tham mưu với thành phố tập trung triển khai môt số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1.Du lịch cũng giống như mọi ngành kinh tế, để có được sự phát triển phụ thuộc vào quy mô và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Do vậy, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cho chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ liên tỉnh và dẫn tới các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; cảng thủy nội địa chuyên dụng phục vụ khách du lịch. Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là khách sạn 5 sao, hệ thống trung tâm thương mại hiện đại, quy mô lớn, các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện đạt đẳng cấp quốc tế. Khuyến khích đầu tư các công trình du lịch thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Phát triển sản phẩm đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng, phát triển sản phẩm trên cơ sở kết nối xây dựng sản phẩm điểm đến du lịch đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hải Phòng. Hình thành, kết nối các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch (bao gồm vận chuyển - lữ hành - lưu trú - dịch vụ khác) để bảo đảm tính đồng bộ, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

3. Tiếp tục bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá; duy trì thực hành các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thành phố nhất là các di sản văn hoá đã được xếp hạng để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa của các điểm du lịch trên địa bàn thành phố để phát triển, xây dựng các sản phẩm đặc thù, độc đáo, hấp dẫn và khác biệt cho du khách.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Trọng Nghĩa

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top