Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phát huy giá trị của kho tàng kiến thức

22:32 13/09/2022 - Góc nhìn
Thời kỳ đầu hội nhà báo cũng đã mời vài ba êkip chuyên nghiệp về bảo tàng cộng tác triển khai thực hiện Đề án Bảo tàng Báo chí Việt nam, nhưng đều không thành, vì không thống nhất được điểm này khâu kia trong việc thực hiện, dù các bên đều rất tâm huyết với một bảo tàng chuyên ngành báo chí chưa từng có tiền lệ ở Việt nam.
5 năm Bảo tàng Báo chí việt nam:

Các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự ra đời và phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận bằng khen_Ảnh: Bá Nam

Nhìn lại một chặng đường

Bảo tàng Báo chí là mơ ước của nhiều thế hệ người làm báo Việt Nam, là nỗ lực của các nhiệm kỳ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, bắt đầu từ ý tưởng được nhen nhóm đến việc xây dựng Đề án và việc bắt tay vào sưu tầm những hiện vật và tư liệu báo chí cách đây hơn 150 năm, kể từ khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên - Gia Định báo ra đời vào năm 1865 và khi dòng báo chí cách mạng xuất hiện năm 1925 với sự ra đời của tờ Thanh Niên.

Thật đáng tự hào là sự xuất hiện của một Bảo tàng Báo chí diện mạo như bây giờ đã diễn ra trong một khoảng thời gian không dài - 5 năm, với lượng kinh phí vừa phải, số lượng cán bộ ít ỏi, không chuyên, nhưng họ giàu khát vọng, nhiệt huyết và sức sáng tạo. Đó là thành tựu lớn của Hội Nhà báo Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên, ngày 14/1/2021, Bảo tàng Báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Báo chí Cách mạng Việt Nam”, một vinh dự hiếm đối với một cơ quan mới xuất hiện.

Bắt đầu từ nhiệm kỳ VIII Hội Nhà báo Việt Nam (2005- 2010), Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được phác thảo và đến cuối nhiệm kỳ IX (2010 - 2015), cụ thể là tháng 8/2014 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, cho phép thành lập Bảo tàng Báo chí “Để lưu giữ lại tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam”. Và đến ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Và 3 năm sau, nhờ quyết tâm lớn và nỗ lực đáng khen ngợi của đội ngũ cán bộ bảo tàng trong sưu tầm hiện vật và sáng tạo trong thiết kế trưng bày, ngày 19/6/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức mở cửa đón những vị khách đầu tiên.

Như vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình, đón hơn 18.000 lượt khách thăm quan là đại diện các tầng lớp nhân dân, các thế hệ nhà báo, sinh, viên báo chí, các vị khách trong và ngoài nước, trong đó có đại sứ và cán bộ sứ quán các nước Anh, Mỹ, Canada, Nga... Tới thăm nơi đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước di sản to lớn của nền báo chí Việt Nam được sưu tập và được chiêm ngưỡng những tờ báo, tờ tạp chí cũ kỹ thời xa xưa, có những tờ được xướng tên lần đầu tiên, cả những hiện vật, công cụ tác nghiệp của các thế hệ nhà báo trưng bày rất ấn tượng theo cách hiện đại, tái hiện một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam trở thành thành viên non trẻ nhất trong hệ  thống gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân. Tôi là người được giao trách nhiệm thúc đẩy sự ra đời của Bảo tàng Báo chí giai đoạn cuối cũng không thể nghĩ rằng Bảo tàng Báo chí ra đời và phát triển thành công đến thế: Nhanh về tốc độ triển khai, chất lượng về nội dung trưng bày, phong phú, đa dạng về tư liệu hiện vật và khá hiện đại về phong cách thể hiện. Công lao trước hết thuộc về đội ngũ cán bộ, chuyên gia Bảo tàng, những người trực tiếp thực hiện Đề án đã không quản ngày đêm, sức lực đi sưu tầm những bản gốc báo chí xuất bản hơn 150 năm về trước và tổ chức trưng bày một cách khoa học, dùng kỹ thuật nghiệp vụ làm sống lại nền báo chí hơn 150 năm qua, phản ánh một cách sinh động quá trình phát triển của nền báo chí Việt Nam qua các thời kỳ, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và sự đánh giá cao của khách đến thăm.

Có một điều còn đôi chút trăn trở là Bảo tàng Báo chí hiện nay vẫn còn nằm trong một phần khiêm tốn của tòa nhà thuộc dự án đầu tư chính thức dành cho Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, mà theo Luật di sản thì Bảo tàng phải là công trình riêng biệt, có đủ diện tích để trưng bày một di sản văn hóa đồ sộ, nhất là của lực lượng báo chí đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nguyên lãnh đạo Hội đã có ý tưởng xây một tòa tháp Bảo tàng Báo chí riêng biệt ngay trong khuôn viên tòa nhà tại Dương Đình Nghệ này khi điều kiện cho phép. Đó là một trong ý tưởng gọi mở rất đáng cân nhắc.

Tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam_Ảnh: Bá Nam

Hướng tới tương lai

Bảo tàng Báo chí đang bàn về tương lai của Bảo tàng trong những năm tới và tầm nhìn đến năm 2050, tôi có một vài hình dung như sau:

Thứ nhất, bảo tàng không chỉ thực hiện chức năng sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật, mà còn có nhiệm vụ rất quan trọng là giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của nó tới cộng đồng. Bảo tàng Báo chí có giá trị lớn lao ở chỗ, nó là một kho dữ liệu khổng lồ về chính trị, xã hội, lịch sử đất nước.

Qua những trang báo hàng ngày, trang tạp chí định kỳ của các nhà báo - những người ghi chép lịch sử, đã phản ánh trung thực tiến trình phát triển, lịch sử của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm tới, việc tiếp tục sưu tầm hiện vật, bổ sung thêm những ấn phẩm, những tờ báo, tờ tạp chí còn “trôi nổi” trong kho lưu giữ cá nhân, trong các thư viện nước ngoài... là rất cần thiết và khả thi. Điều này cần có sự quan tâm của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cho cán bộ bảo tàng đi thăm quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài và sưu tầm thêm hiện vật nếu có điều kiện.

Minh chứng cụ thể là chị Nguyễn Thu Hà, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, cộng tác viên tự nguyện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong thời gian ở Pháp đã góp công sưu tầm thêm nhiều hiện vật quý, trong đó có những tờ Le Paria còn khuyết trong bộ sưu tập những tờ báo của Bác Hồ xuất bản năm 1922. Chắc chắn ở Pháp, Mỹ, Nga...còn rất nhiều tư liệu về báo chí Việt Nam.

Hơn 10 năm trước, trong một chuyến thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam, tôi và chị Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng, đã đến thăm Trụ sở của Hội Nhà báo toàn Trung Quốc và thăm khu trưng bày truyền thống. Ở đó, chúng tôi học được nhiều điều. Và đến khi thăm một Bảo tàng ở Thủ đô Bắc Kinh, chuyên ngành về một ngành công nghiệp, chúng tôi bất ngờ với việc họ dùng kỹ thuật không gian 3 chiều, thực tế ảo và ánh sáng để tái tạo không gian phát triển rất hiệu quả, cuốn hút người xem. Lúc đó trong đầu chúng tôi có những phác họa sơ khai, mơ ước về một Bảo tàng báo chí Việt Nam đi theo hướng hiện đại như thế. Chắc các Bảo tàng khác trên thế giới còn hiện đại hơn, sáng tạo hơn nhiều?

Thứ hai, trong những năm tới, khi đất nước ta ngày càng phát triển, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, tiếp tục ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin, của công cuộc chuyển đổi số, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hùng mạnh.

Bảo tàng Báo chí chắc chắn không thể duy trì diện mạo như hiện nay, mà sẽ thay đổi để bắt kịp xu thế quốc tế. Có nhiều người hình dung rằng vài chục năm nữa báo chí in sẽ không còn thông dụng và công dụng như hiện nay cùng với sự lên ngôi của báo chí điện tử đa phương tiện, kết hợp các loại hình động như: phát thanh, truyền hình, thực tế ảo... Bảo tàng Báo chí cũng sẽ biến đổi theo, cùng với đó công nghệ thông tin, công nghệ số hiện đại được ứng dụng tối đa để biểu đạt nội dung bằng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, thực tế ảo 3D... Lúc đó, cách trưng bày tĩnh truyền thống như hiện nay sẽ phải “cơ cấu” lại. Do đó, những người làm bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ bây giờ phải đầu tư nghiên cứu, hình dung triển vọng phát triển chung trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và sự thay đổi nhu cầu của con người theo đà phát triển xã hội, để đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng.

Thứ ba, về phát huy giá trị kho tư liệu của Bảo tàng Báo chí. Đây là công việc có thể làm ngay từ bây giờ, đặc biệt là lưu giữ, bảo quản những hiện vật quý và khai thác thông tin chứa đựng trong đó. Những tờ báo, tạp chí xuất bản hơn 100 năm về trước, may mắn được các nhà sưu tập cá nhân không hiểu bằng cách nào vẫn lưu giữ, dù có bị ố vàng, trở thành những hiện vật quý hiếm. Bảo tàng cần sớm triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch với sự đầu tư thích đáng, áp dụng công nghệ bảo quản, lưu giữ những hiện vật quý hiếm đó.

Khi được tiếp cận những số báo, tạp chí đã sưu tầm được, chúng tôi tìm thấy trong đó giá trị đích thực của báo chí. Những số Gia Định báo đầu tiên cũng như những tờ báo ra đời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho thấy ngôn ngữ báo chí tiếng Việt lúc bấy giờ có thể khác với hiện nay, nhưng không hề xa lạ với độc giả báo chí hiện đại. Kỹ thuật in ấn, nét chữ tiếng Việt lúc đó đã rất sắc nét, rõ ràng, hiện đại và chứa đựng nhiều thông tin.

Có thể nói rằng kỹ thuật viết báo hồi đó cũng đã hiện đại, cung cấp đầy đủ những yếu tố thông tin người đọc cần biết. Lấy thí dụ tờ báo Cứu Quốc số ra tháng 4/1950 đăng đầy đủ những thông tin, quý giá về sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Ngay trên đầu trang nhất, Cứu Quốc thông tin khá chi tiết về sự kiện thành lập Hội, về điều lệ, về danh sách các thành viên Ban Chấp hành lâm thời Hội những người viết báo Việt Nam.

Kể lại như thế để nói rằng với kho báo chí sưu tập đến nay, có những tờ báo, tạp chí, tư liệu rất quý hiếm, với thông tin quan điểm đa chiều có thể trở thành tư liệu phục vụ các công trình nghiên cứu đồ sộ, để bảo tàng không chỉ là địa điểm đến thăm quan, mà còn là nơi phục vụ công tác nghiên cứu.

Hà Minh Huệ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.