Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đào tạo phải gắn với nghiên cứu Báo chí – Truyền thông

Ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ từng ngày, từng giờ trong bối cảnh hội nhập quốc tế của kỷ nguyên kỹ thuật số. Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí cũng đang đặt báo chí Việt Nam trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Nhân kỷ niệm thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT), NB&CL có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương- Chủ nhiệm khoa BC&TT về những thách thức và yêu cầu của việc đào tạo đội ngũ người làm báo trong bối cảnh truyền thông hiện đại.
PGS.TS Đặng Thu Hương

Đào tạo ra những nhà báo – chuyên gia trong một lĩnh vực

+ Trong bối cảnh nhà báo cần trang bị toàn diện về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, Khoa BC&TT đã có những đổi mới gì về đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội?

– Khoa Báo chí và Truyền thông được đặt trong một cơ sở đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của Việt Nam, vì vậy, sinh viên của Khoa được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về các ngành triết học, sử học, văn học, ngôn ngữ học, tâm lý học, chính trị học,… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Từ năm 2007, Trường đại học KHXH và NV đi đầu trong việc chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, theo đó sinh viên không chỉ chủ động tiến độ, thời gian học tập, mà còn có thể kết hợp học bằng thứ hai trong thời gian 4 năm hoặc 4,5 năm. Việc học Báo chí kết hợp với một ngành khác không chỉ bổ trợ kiến thức liên ngành, tăng thêm cơ hội tìm việc làm cho SV trong trường, mà còn tạo ra sản phẩm đào tạo là những nhà báo – chuyên gia trong một lĩnh vực (nhà báo chuyên viết về kinh tế, môi trường, giáo dục, quốc tế,…). Những PV, BTV giỏi nghiệp vụ và am hiểu sâu một lĩnh vực trong đời sống sẽ tạo ra các bài viết có chất lượng cao về các ngành, các lĩnh vực. Bên cạnh đó, khoa tập trung rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Đây chính là điểm cốt lõi để các nhà báo tương lai có thể tác nghiệp trong môi trường đầy thách thức của kỷ nguyên kỹ thuật số.

+ Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp luôn là vấn đề quan trọng, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng đào tạo báo chí hiện nay nặng về lý thuyết?

– Việc rèn luyện kỹ năng thực hành cho SV là tối cần thiết. BCTT là một ngành học đặc biệt, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa năng lực thực hành với nền tảng tri thức lí luận. Trước đây, điều bất cập lớn nhất là nhà trường không đủ trang thiết bị tác nghiệp, nên SV báo chí chỉ được tích lũy qua một hai tháng thực tập ít ỏi. SV ngành báo ra trường thường bị “ca thán”: lý thuyết thì giỏi nhưng thực hành hầu như phải đào tạo lại! Chính vì vậy, khoa BC&TT đã nỗ lực xây dựng đề án, và được ĐHQG quyết định đầu tư gần 60 tỷ đề xây dựng Trung tâm Nghiệp vụ BC&TT, với hệ thống hiện đại các trang thiết bị của truyền hình, phát thanh, báo điện tử, báo ảnh. Kể từ năm 2011, SV được thực hành trong các phòng thu, phòng dựng, trường quay, phòng multimedia… đạt tiêu chuẩn và nhiều sản phẩm thực hành của SV đã được phát sóng trên các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương. Gần 1⁄2 số SV chính quy của khoa lựa chọn việc thực hiện sản phẩm truyền thông, đặc biệt là sản phẩm truyền hình để thay thế cho khóa luận tốt nghiệp…

Và ngoài ra, để có thể có được các bài báo hấp dẫn, cần sự trải nghiệm qua những bài học thực tiễn sinh động, Khoa BC&TT đã tích cực ký kết nhiều hợp tác chiến lược giữa khoa với Hội Nhà báo VN và các cơ quan BCTT trong cả nước. Trong giờ học tác nghiệp, SV được chính các nhà báo giàu kinh nghiệm trực tiếp đến truyền nghề và sản phẩm của sinh viên do chính các nhà báo thẩm định và duyệt để những sản phẩm đạt chất lượng được đăng tải và phát sóng.

+ Những mặt được đã nhìn thấy rất rõ, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng mô hình tín chỉ hiện nay vẫn có nhiều khó khăn, thách thức?

– Qua 8 năm áp dụng đào tạo theo mô hình tín chỉ, khoa BC&TT nhận thức được một số khó khăn và thách thức. Thứ nhất, là công việc và áp lực của người giảng viên rất lớn, ngoài việc xây dựng hệ thống học liệu, đề cương môn học… người giảng viên còn phải thực hiện nhiệm vụ cố vấn học tập, theo sát hoạt động học tập của sinh viên, để có thể tư vấn SV chọn học phần, chọn định hướng chuyên ngành phù hợp nhất với năng lực, sở trường người học. Thứ hai, là yếu tố công nghệ, giúp giảng viên và học viên theo dõi kiểm tra đánh giá toàn bộ quá trình học tập. Thứ ba, cần nâng cao năng lực tự học, sự chủ động trong học tập của sinh viên. Và với mô hình đào tạo theo tín chỉ, có sinh viên sẽ tốt nghiệp ra trường sớm và cũng sẽ có sinh viên ra trường muộn hơn lịch trình 4 năm thông thường của thời niên chế. Thứ tư, quy mô lớp còn quá đông, nên các hoạt động của đào tạo tín chỉ chưa thực sự được cụ thể hóa đến từng sinh viên. Cuối cùng, các nhà báo từ các cơ quan báo chí cũng cần nỗ lực và chuẩn bị kỹ hơn cho hoạt động đào tạo theo tín chỉ.

Cần phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí

+ Chúng ta đang đào tạo báo chí trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội. Để việc đào tạo đáp ứng được với yêu cầu thực tế, theo chị cần đi sâu vào những yếu tố nào?

– Một trong những nguyên tắc và cam kết của báo chí đối với công chúng là thông tin nhanh chóng, chính xác, khách quan. Trong khi, thông tin trên mạng xã hội là sự đa dạng, thậm chí hỗn tạp. Giảng dạy về truyền thông mới, về truyền thông hội tụ và đa phương tiện, về truyền thông xã hội, về thách thức của báo chí trong môi trường truyền thông mới,… đang là các nội dung quan trọng cần được đưa vào chương trình đào tạo báo chí.

+ Còn câu chuyện đào tạo báo chí cần gắn liền với nghiên cứu báo chí truyền thông?

– Chúng tôi nhận thấy một trong những vấn đề quan trọng để có thể định hướng sự phát triển của báo chí VN, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của báo chí VN là phải gắn đào tạo với nghiên cứu báo chí. Sự phát triển của ngành công nghiệp báo chí truyền thông chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi người làm việc trong lĩnh vực này nắm vững kiến thức lý luận về truyền thông và truyền thông đại chúng, hiểu rõ quy luật phát triển của truyền thông đại chúng trong xã hội, nắm vững được nguyên tắc hình thành, cơ chế tác động của truyền thông đại chúng đối với xã hội, cũng như mô hình hoạt động kinh tế của ngành công nghiệp này.

Nghiên cứu BCTT phải thực sự đóng góp giải pháp giúp cho ngành công nghiệp BCTT phát triển. Tuy nhiên, nhiều nội dung nghiên cứu về mô hình phát triển của ngành công nghiệp BCTT, về chức năng nhiệm vụ, về quản lý báo chí, về cơ chế và hiệu quả tác động đến dư luận xã hội, về kinh tế BCTT, về xu hướng phát triển của BCTT hiện đại… chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông, và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Bởi vậy, đẩy mạnh nghiên cứu BCTT, với tư cách là một ngành khoa học, có nền tảng lý luận, có đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đặc thù là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao chất lượng đào tạo về BCTT một cách bài bản và chuyên nghiệp; đồng thời, quan trọng hơn là tạo lập nền tảng lý luận vững chắc, tạo tiền đề, định hướng cho sự phát triển đúng đắn của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top