Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Những hệ lụy từ giật tít, câu view...

18:05 28/02/2022 - Góc nhìn
Giật tít, câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan... đang làm mất đi sự tôn nghiêm của báo chí; ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của độc giả.

Giật tít, câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan... đang làm mất đi sự tôn nghiêm của báo chí

Từ bức ảnh… gây bức xúc

Thực trạng anh hùng bàn phím hay việc ngại tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, kết nối trên máy tính là đã thể có ti tỉ thông tin, sự việc… Và với những thông tin cóp nhặt từ nhiều nguồn, người viết nhanh chóng nhào lặn, chỉnh sửa thành tin bài của mình. Cách “tác nghiệp” không kiểm chứng, xác minh vụ việc này vô hình trung dẫn đến kết quả là, sự xuất hiện của những kiểu tin bài thiếu khách quan, trung thực đã không còn hiếm trên mặt báo, đặc biệt ở báo điện tử.

Mới đây, phản ánh về sự việc đau lòng xảy ra tại một khu chung cư cao cấp, có tờ báo đã nhanh chóng đưa thông tin với tít bài “Bé trai lớp 6 nhảy từ tầng 22 chung cư xuống tử vong”. Ngay sau đó, một số báo điện tử khác cũng đưa tin với những tít bài tương tự.

Cụ thể, vụ việc được nhắc đến trên diễn ra ở tòa Y (PV) nhưng bài viết lại đưa ảnh minh họa của tòa X (PV, cùng trong khu chung cư). Phản cảm nhất là hình ảnh ấy lại là hình ảnh tòa X thời điểm chống dịch Covid-19 có sự hiện diện của chính quyền, y tế. Tất nhiên sau khi bài đăng, trước sự phản ứng của bạn đọc, bài báo đã phải chỉnh sửa, thay ảnh minh họa.

Từ thông tin trong tít bài, hình ảnh, thông tin nội dung bài viết đều mang sự cảm tính, không hề có sự xác minh. Ảnh minh họa vô duyên hay sự yếu kém, tùy tiện trong việc đưa tin bài không chỉ làm mất đi giá trị bài viết, phản ánh hiện tượng làm báo dễ dãi mà tình trạng viết bài kiểu “đầu voi đuôi chuột”, râu ông nọ cắm cằm bà kia còn cho thấy việc coi thường nhận thức của người đọc.

Để câu view và tin bài xuất hiện sớm nhất mà làm bằng mọi cách, bỏ qua tính xác thực của thông tin, đánh đổi uy tín của báo chí. Chưa kể, vì sự búc xúc từ bài viết, người đọc còn đánh đồng “cánh nhà báo” đều kém cỏi, vô trách nhiệm.

Nhà báo, phóng viên muốn viết hay, trước hết phải viết đúng

Nội dung phản tác dụng

Báo chí đã và đang góp phần đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sự vào cuộc của báo chí với những dòng tin tức, phóng sự phản ánh trung thực, khách quan, kịp thời diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ... được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và mang lại niềm tin yêu mến của độc giả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tin bài đưa thông tin một chiều, quy chụp, thiếu chính xác,… khiến nội dung bài báo trở nên xấu xí, thậm chí phản tác dụng.

Quay lại câu chuyện xảy ra ở chung cư kia, bài báo đưa ra chỉ có thông tin đơn thuần về cái chết đau lòng của cháu bé. Những thông tin như tự tử vì áp lực học hành, bài thi kém,... mà bài báo đưa ra không hề có căn cứ. Người đọc không nhận được thông điệp, ý nghĩa gì từ bài báo.

Trong khi, chúng ta vẫn nhắc nhau, bài báo viết cho ai? Viết để làm gì? Chỉ vì mong muốn đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của một số ít độc giả mà tạo ra những ý kiến trái chiều. Nên chăng những kiểu thông tin này không xuất hiện trên mặt báo.

Nhà báo, phóng viên muốn viết hay, trước hết phải viết đúng. Tuyệt đối không phiến diện và phải hết sức trung thực với sự việc, với ngòi bút của chính mình. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, chắt lọc thông tin là điều cần có ở mỗi người làm báo.

Hãy nghe phản ứng của bạn đọc khi nhận được thông tin không chính xác: “Khổ thân... chết vẫn không yên, vẫn bị bao người lớn thiếu nhân tính nhòm ngó chả hiểu để "câu view" hay để làm gì”. Hay “báo lớn mà làm ăn không uy tín, bới móc thiếu nhân văn quá”. Nhẹ nhàng hơn, một độc giả cho rằng “những vụ việc như thế này không nên đưa quá cụ thể thông tin, tránh cho gia đình cháu sau này...”.

Cũng có những phản ứng chỉ rõ từng chi tiết bài viết như “ghi là “theo đại diện BQT” hoặc là “gia đình nạn nhân cho biết”... mấy cái này ghi láo chứ đại diện BQT hay gia đình nạn nhân nào cho biết được. Ban quản trị tòa nhà người ta còn "post" trên nhóm nói rõ là không chia sẻ hoặc nhắc đến nữa để tránh gây thêm đau lòng cho gia đình ấy. Nên làm gì có chuyện Ban quản trị tòa nhà hay là gia đình phát ngôn”...

Thiết nghĩ ai là người cầm bút, là phóng viên, nhà báo đọc được những phản hồi này sẽ thật chạnh lòng, xấu hổ. Chỉ vì câu view, chỉ vì giật gân, phóng viên bất chấp thông tin đúng hay sai, chính xác hay chưa, tự cho mình quyền suy diễn. Trong lúc sự việc vừa diễn ra, khi gia đình cháu đau lòng khôn siết, khi cơ quan chức năng còn đang thực hiện nhiệm vụ thì làm sao ai có thể thông tin sự ra đi của cháu bé là vì lý do này, vì lý do kia.

Hãy nghĩ đến hậu quả trước khi đặt tít bài báo

Liệu khi ngòi bút viết ra có nghĩ đến hậu quả, có nghĩ đến sự đau lòng của người ở lại, có nghĩ đến những rắc rối, liên đới… khó có thể lý giải. Bút sa gà chết. Bài đã lên khuôn như giấy trắng mực đen. Thông tin đưa ra có tác động như ghim vào suy nghĩ người đọc. Và khi thông tin đưa thiếu chính xác thì tác dụng khôn lường.

Trước một sự vụ, sự việc, báo chí có trách nhiệm đưa tin đến người đọc. Nhưng thông tin ấy là gì, cách đưa như thế nào, thông tin ấy giúp ích gì cho cuộc sống,... cần được phóng viên cân nhắc khi đặt bút viết.

Kiểu thông tin “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay” nên hết sức tránh. Nếu không tự chấn chỉnh việc đưa tin thiếu chính xác, gây hoài nghi cho xã hội, cũng có nghĩa chúng ta đang tự mình đánh đồng giá trị của tờ báo với mạng xã hội. Mỗi nhà báo khi viết một bài báo, tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?... Lời của Bác Hồ dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh.

Soi chiếu vào lời dạy của Người, mỗi người viết chúng ta, để làm tốt vai trò người thư ký thời đại, trước hết cần chịu trách nhiệm với ngòi bút, với sự chính xác của thông tin đưa ra./.

ĐỊNH NAM

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top