Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhen từng chồi biếc xanh lên cuộc đời

22:32 02/03/2022 - Văn hóa xã hội
Đúng dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951 - 11/3/2022), Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành tập thơ thứ 10 "Chồi biếc" của nhà báo, nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyênChủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ, TS. Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hà Nội về tập thơ này:

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với tác giả

Nhen từng chồi biếc để làm xanh lên cả bầu trời, xanh lên đất nước, xanh tình yêu người, yêu đời - đó là cảm hứng rõ rệt nhất, mạnh mẽ nhất mà tập thơ “Chồi biếc” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh được viết chủ yếu trong năm 2021, có một phần cuối năm 2020 và đầu xuân 2022 mang đến cho bạn đọc.

Tôi muốn nhấn mạnh mốc thời gian này vì hai lẽ: Năm 2021 là năm đại dịch Covid hoành hành dữ dội nhất trong cả nước và thế giới, làm chết nhiều người, đình trệ kinh tế; người và người phải chịu cách ly, chia biệt... Dù không tuyên bố, chúng ta cũng thấy đây là thời khắc khó khăn của lịch sử, Tổ quốc lâm nguy. Đây là lúc cần sự cố kết, sẻ chia, cần làm bật dậy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, trước hết là một niềm tin, ý chí của người Việt Nam ta.

Nhà thơ Hồng Vinh là một trong những nhà thơ tiên phong viết về đề tài Covid. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, có sức lan tỏa, động viên rất lớn. Đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của một nhà văn chân chính. Có thể bạn đọc sẽ thấy có một số bài chưa đạt đến chất lượng nghệ thuật cao. Nó chưa đạt đến Cái Đẹp. Nhưng nó là cái Có ích, cái Cần thiết cho cuộc sống trường tồn. Ngay cả nhà thơ tài danh Chế Lan Viên cũng tự thấy đạt đến Cái Đẹp là khó vô cùng! Một câu thơ, một bài thơ, làm cho ai đó, dù chỉ một người cảm thấy được an ủi vào một lúc nào đó, cũng là quý lắm rồi:

Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày

Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ đỡ khổ

Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngã vào tay...

(Thơ bình phương, đời lập phương - Chế Lan Viên).

Đời cần một tâm thế ấy, cần một tình cảm ấy để mà nâng niu, trân trọng.

Người ta thường thần thánh hóa thơ ca. Mà quả là như vậy. Từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, các nhà thơ được gọi là “Tâm hồn Dân tộc”, là kết tinh văn hiến của không chỉ dân tộc ấy, mà còn của nhân loại. Như Hô-me-rơ của Hy Lạp. Như Viếc-ghin, Đan-tê của Ý. Như Gớt của Đức; Sếch-xpia của Anh; Nguyễn Du, Nguyễn Trãi Việt Nam và Pu-skin của Nga... Những ai nghiên cứu về nghệ thuật và văn hóa, hẳn cũng thấy thơ là điều kỳ diệu, tinh túy nhất trong các loại hình nghệ thuật.

Với tôi, sự kỳ diệu của thơ, trước hết là sự chân thực, là sự thể hiện chân xác nhất con người của nhà thơ và khát vọng được sẻ chia, cống hiến; khát vọng vượt qua mọi mê lầm và yếu hèn để vươn về phía sáng, phía tình yêu, phía tốt đẹp nhất của con người. Hơn tất cả mọi sự giáo dục, mọi triết thuyết; thơ ca chân chính có năng lực cao nhất để sáng tạo ra Con Người, ra Cái Đẹp. Chỉ một câu của Nguyễn Du “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” cũng có khả năng cải biến con người và thế giới. Đan-tê trong “Thần khúc”, cảnh báo: Kiêu căng, tham vọng và keo kiệt/ Là ba ngọn lửa thiêu cháy mọi con tim!

Tập thơ mới xuất bản của PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương..., những chức danh ấy khiến nhiều người ngỡ khó gần, kính nhi viễn chi. Nhưng khi ông xuất hiện trong thơ lại biết bao thân tình, đồng cảm:

Tuổi thơ tôi có trưa hè nắng cháy

Cất vó, mò cua trên cánh đồng xa

Nguồn sữa ngọt từ câu ru của mẹ

Những dặn dò sâu lắng lời cha.

 

Tôi đã qua những mùa đông khắc nghiệt

Cái đói cồn cào thời sơ tán sinh viên

Bạn cùng lớp chung tấm chăn, trang sách

Căn nhà khuya đêm lạnh chong đèn…

Sinh ra trong đói nghèo, lớn lên trong sự hy sinh vô bờ bến của mẹ và những người thân:

Mẹ sinh con giữa ngày tháng gian nan

Bão tháng sáu hất tung mái rạ

Cọng rau héo, đêm cồn cáo trở dạ

Sinh con, mẹ đói lả suốt tuần.

Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng Giêng, bếp lạnh, mẹ thức chờ/ Vừa chợp mắt canh ba, Mẹ đã vùng thức giấc/ Lo cơm nắm, muối vừng cho con học đường xa (Nhớ mẹ). Ông có mấy người anh vì nhà nghèo mà thất học; có người anh là Nguyễn Duy Lộ hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, nay chưa tìm thấy mộ - sự thành đạt của ông, sự kiên trung theo Đảng của ông, suốt đời lao động cật lực, phấn đấu thành người con hiếu thảo, người có ích cho xã hội có căn nguyên sâu xa và bất di bất dịch.

Ông tự nhắc mình:

Thương người như thể thương thân

Anh em hòa thuận, chữ Nhân là nền.

Ông viết về sông cũng là viết về mình:

Phù sa ơi dâu bể

Vẫn lặng thầm xây hương!

(Lời nhắn qua mưa)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dự hội thảo về văn học, nghệ thuật do Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật tổ chức

Nguyễn Hồng Vinh, tên khai sinh là Nguyễn Duy Lự, sinh 25 tháng 6 năm 1945, quê xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nam Định là nơi hội tụ, kết tinh nhiều tinh hoa của nền văn minh châu thổ Sông Hồng, cũng có thể nói là văn minh Đại Việt. Đây là vùng đất thời nào cũng có danh nhân, hào kiệt; có đóng góp đặc biệt trong mọi thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hồng Quang quê ông có Trạng nguyên Lê Minh Bảo (tức Trần Văn Bảo, 1524-1611) Thượng thư đời Mạc Tuyên Tông, được Phan Huy Chú đánh giá là “Đức của nhà nho” ngang với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Câu chuyện Trần Văn Bảo, câu chuyện những bà mẹ nghèo, đi cấy thuê kiếm sống, không ít người chết đói, chết rét dọc đường, mà con vẫn gắng học thành tài, giữ lòng trung nghĩa, đã ảnh hưởng sâu sắc tới cậu bé Lự từ nhỏ. Thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp danh giá vào những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ XX; làm phóng viên Báo Nhân Dân trong những năm cả nước có chiến tranh, Hồng Vinh xông xáo trên mọi mặt trận. Trong bộn bề công việc cơ quan, ông vẫn không ngừng tự học, thi đỗ Nghiên cứu sinh, được cử đi học tập ở Liên Xô và có bằng Tiến sĩ báo chí (hệ chính quy) đầu tiên của nước ta. Ai đã từng biết Hồng Vinh, hẳn khâm phục sự thông minh thiên bẩm, trí nhớ trời cho; nhưng đáng khâm phục hơn là sự năng động, sự bền bỉ phấn đấu vượt khó và khả năng sáng tạo không ngừng. Khi là phóng viên, ông viết được tất cả các thể loại, và có thể nói, ông là người ham đi, đi nhiều bậc nhất ở báo. Khi làm cán bộ quản lý rồi, “máu nghề” vẫn luôn sục sôi. Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, còn lưu giữ tấm Thẻ cử tri của nhà báo Hồng Vinh bầu cử Quốc hội khóa VIII ở đảo Trường Sa Lớn vào năm 1982. Tuy đã về hưu, ông vẫn đi, đi và viết không dừng, tên tuổi vẫn xuất hiện đều đều trên báo hàng ngày, báo tuần của nhiều cơ quan báo chí ở cả Trung ương và địa phương.

Báo Nhân Dân, ngọn cờ chính trị, tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí, truyên truyền ở thời nào cũng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, xứng tầm là người Anh Cả của làng Báo chí Việt Nam. Nhưng chỉ đến khi Nguyễn Hồng Vinh làm Tổng Biên tập, dựa trên thành tựu đã có, trong điều kiện thuận lợi hơn, mới có sự cải cách toàn diện từ nội dung đến kinh tế báo; xây dựng Báo Nhân Dân thành một Tập đoàn truyền thông đa phương tiện, mở rộng ảnh hưởng của báo Đảng tới mọi vùng miền của Tổ quốc với phương châm nơi nào có chi bộ, có nhân dân, nơi ấy có báo Nhân Dân. Ông chuẩn bị kỹ lưỡng, xin phép mở rộng báo hằng ngày từ 4 trang lên 8 trang; không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng, mà còn là tiếng nói của Nhà nước và Nhân dân. Ông thành lập báo Nhân Dân hằng tháng, báo Nhân Dân điện tử, lập các cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân ở nước ngoài; mở rộng mạng lưới nhà in và phát hành... Đời sống cán bộ, phóng viên được nâng lên rõ rệt. Ông là người tạo đà cho sự phát triển theo hướng hiện đại của báo Đảng từ đó đến nay.

Tôi là một phóng viên bình thường dưới quyền ông, nhưng vẫn luôn nhận được sự tin cậy, khích lệ. Đối với ai, ông cũng thân tình như anh em một nhà, lớn thì gọi “ông anh”, “bà chị”; nhỏ thì gọi “chú em”, “cô em”, cùng động viên nhau hoàn thành công việc của cơ quan. Do yêu cầu của Đảng, ông đã chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng lúc gặp nhau vẫn thường nhắc: “Anh em mình ơn nhờ gốc đa 71 Hàng Trống, làm gì cũng phải nhớ cội nguồn. Sống thế nào, viết thế nào không để mất danh dự, uy tín của người từng là phóng viên báo Đảng, tốt nữa thì làm vẻ vang cho dòng bút xuất thân từ Báo Nhân Dân”... Noi gương các bậc tiền bối, như Hoàng Tùng, Quang Đạm, Thép Mới, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Trần Kiên, Phan Quang..., Hồng Vinh đã cố gắng làm được điều ấy. Ông trở thành cây bút có thẩm quyền về lý luận chính trị, sắc bén và kịp thời đấu tranh chống các luận điệu sai trái, các hiện tượng tiêu cực và góp phần giữ vững định hướng phát triển lành mạnh của VHNT nước nhà trong những năm qua. Ông còn là tác giả của 10 tập thơ và bộ sách có ảnh hưởng tốt, như “Đất nước qua những chặng đường làm báo” (2007), Giữ lửa (nhiều tập - 2014-2019)...

Nhà văn - nhà báo Phan Quang, “cây đại thụ” của làng báo Việt Nam, gọi Hồng Vinh là “Người giữ lửa cùng Báo Đảng” và nhận xét về phong cách nghệ thuật của ngòi bút Hồng Vinh: “Năm cũ khép lại, năm mới lại về theo quy luật đất trời, nhưng mỗi năm, Hồng Vinh đều tìm chọn những điểm nhấn in dấu ấn trong tâm khảm mỗi người; từ đó “thổi lửa” tin yêu và hy vọng vào các tầng lớp nhân dân ta vững tin theo Đảng, vượt lên thách thức để xây dựng đất nước mạnh giàu, giữ vững chủ quyền lãnh thổ... Theo mạch tư duy đó, các chủ đề chính luận không kém phần quan trọng, được tác giả xử lý nhẹ nhàng theo hơi văn tùy bút”. “…Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn, tôi tin rằng, không ít bài sẽ tồn tại, vượt qua ác nghiệt thời gian”…

Nhận xét về thơ Hồng Vinh, nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Người làm thơ nói chung giữ trong tay nhiều phù phép. Nhưng không có phù phép nào thay thế được sự chân thực… Người ta đã từng biết Hồng Vinh với những bài viết, bài nói sắc sảo của một cán bộ tư tưởng giàu kinh nghiệm. Bây giờ là thơ. Những câu thơ như thế dễ đi vào lòng người. Tôi tự hỏi sức mạnh của nó ở đâu? Ở tình người!”

Còn Bằng Việt viết: “Một Hồng Vinh có trái tim sâu nặng đến thế nào với những kỷ niệm quê hương, gia đình, có những thổn thức tươi tắn mà đằm thắm đến thế nào với tất cả những gì anh đã từng được sống qua, đã nếm trải và chiêm nghiệm trong đời”.

Tất cả những nhận xét ấy đều đúng.

Tôi nói thêm: Ông còn là một ngọn bút tài hoa.

Ngày 21/6/1998, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo dự bấm nút hòa mạng báo Nhân Dân điện tử (tiếng Việt) trên mạng Internet

Thơ Nguyễn Hồng Vinh là tiếng thương, tiếng yêu cất lên tự đáy lòng. Trong tập thơ thứ mười, tập “Chồi biếc”, ta càng thấy rõ điều đó. Ông đã hóa thân nhiều lần vào những chiến sĩ ngành y, chiến sĩ quân đội, công an trên tuyến đầu chống dịch, vì nghĩa cả mà tạm gác tình riêng. Tôi thật sự xúc động trước những dòng thơ của ông viết về người quét rác đêm giãn cách trong mùa dịch, về anh Ngô Đức Thắng ở Cần Thơ chở bệnh nhân miễn phí... Qua thơ Hồng Vinh, ta thấy cả nước là một mặt trận, chung tay, hợp sức chống dịch, từ việc cho tấm chăn người nằm vỉa hè, bát cháo thiện nguyện, ATM gạo rau, đến chuyện hiến máu, nuôi trẻ mất cha mẹ, những hành động sâu nặng tình nghĩa Bắc Nam...

Cha, mẹ và quê hương; đất nước và Đảng, Bác Hồ… là tình cảm chan chứa, lắng sâu trong trái tim Hồng Vinh. Tình yêu lứa đôi cũng luôn rực cháy, thủy chung, biến thành sức mạnh lý tưởng, nhân đời lên cao đẹp. Tôi rất thích phát hiện của ông: Dân tộc tôi trường tồn bất diệt/ Nhờ những bản tình ca nối nhau sinh sôi. Trái tim ông còn rung động với thầy, cô và học sinh dân tộc vùng núi Tăk Pố, Trà My; với những cô gái trồng rừng gian khổ nhiều bề...

Và với những đồng nghiệp, như Phan Quang, Phạm Quốc Toàn, đến Kỳ Duyên, Lại Hồng Khánh, Trần Bá Dung, Chu Thu Hằng, Đàm Chu Văn… ông đều có những vần thơ với tấm lòng trân trọng, đồng cảm. Đây là điều tôi bất ngờ trước một chính khách như Hồng Vinh. Ông kính trọng Phan Quang là một nhẽ. Ông trân trọng cả những người, mà tên tuổi còn khiêm tốn, làm tôi thấy mình cần bù đắp một điều gì đó trong tình cảm và nhận thức. Tôi cũng nhận ra rằng, trong thơ ông không hề có tiếng bi quan, thù hận. Chỉ tràn trề niềm tin và hy vọng:

Ngày mai sẽ khác

Sẽ lại thấy hàng cây rất xanh

Sẽ lại thấy ngọn gió rất trong lành

Sẽ lại thấy dòng người rất đông

Lại thấy trời xanh rất rộng...

(Ngày mai với người thầy thuốc)

Nói như vậy, không phải thơ ông không có nỗi băn khoăn, day dứt trước những điều còn ngang trái, không có tính chiến đấu. Tôi đã từng đọc một số bài về khía cạnh này ở những tập trước:

“Cửa ra vào phòng sếp/ Dấu chân đè dấu chân/ Quà không còn chỗ đặt”… “Có người một túi xách/ Bằng mười nhà tặng Dân”. Là một người được đào tạo cơ bản về sử học, triết học, qua nhiều trải nghiệm cuộc sống, ông dễ nhận ra giàu có, chức quyền (chính đáng hay không chính đáng) “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bộn bề trái ngang”...

Ở tập này, thơ ông vẫn có những bài mang tính triết lý về nhân tình thế thái. Tôi tâm đắc với điều suy ngẫm của ông khi đi viếng mộ nghĩa trang ngày cuối năm 2021:

“Than ôi của nả với chức quyền/ Mang sao được xuống dưới cõi âm?/ Còn ai dìm bạn, giành chức tước/ Thấu lẽ đời là sắc sắc, không không!...”.

Trong ba thói xấu của con người mà đạo Phật thường răn giới là tham, sân, si (tham, giận, ngu), tôi thấy cái “tức giận” dường như khó tránh hơn cả. Vậy mà Hồng Vinh dường như tránh được. Bài “Ngẫm từ hàng phong lá đỏ” nói về thử nghiệm thất bại việc trồng cây phong ở Hà Nội, trong khi dư luận phản ứng mạnh mẽ, thì ông lại có cái nhìn khách quan, bao dung: “Cuộc đời này là trải nghiệm nối nhau/ Có thất bại, có thành công mỹ mãn/ Ta biết nhận ra điều cần tránh/ Quý lắm thay, TÂM SÁNG CON NGƯỜI!”.

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hoàng Tùng tại Lễ khánh thành di tích lịch sử của Hội ở Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Với “Chồi biếc”, tập thơ thứ mười này, thế giới thơ của Hồng Vinh, như các tập trước, vẫn là một thế giới đầy nhan sắc, một thiên nhiên núi sông hoa cỏ nước Việt tươi tắn và lộng lẫy. Đó là nhan sắc, là sự tươi tắn của tâm hồn. Đồng thời, ta lại vẫn thấy thơ Hồng Vinh có một sự chuyển khác đáng trân trọng. Đó là tầm nhìn rộng hơn, không chỉ đề cập những sự kiện trong nước, khát vọng hùng cường của dân tộc, mà cả những vấn đề mang tầm nhân loại, như chiến tranh, biến đổi khí hậu, việc cho và nhận của con người, luận về hạnh phúc... Từ trực quan đến tư duy trừu tượng, từ phản ánh đến suy ngẫm, thơ Hồng Vinh đã có độ chín già về tư tưởng. Chỉ đọc các đầu đề thôi, ta cũng thấy rõ điều đó: Nghĩ về những dòng sông; Từ thực tại sinh tồn, suy ngẫm; Nghĩ từ Phú Quốc; Nỗi đau và lẽ sống; Nghĩ từ hồ mang hình tim, Ngẫm từ hàng phong lá đỏ, Giải mã... Ở đó, người đọc nhận được những kinh nghiệm sống hết sức quý giá trong sự giản dị của ngôn từ vì chân lý luôn giản dị. Chẳng hạn, khổ kết của bài “Giải mã”: “Anh thấu hiểu “giải mã” cho chính mình là cuộc trường chinh/ Khó nhất trong muôn vàn cái khó/ Hạnh phúc là tự vượt lên chính mình/ Đừng để trái tim nguội lạnh yêu tin!”.

Bài “Vẫn sân ga này” có một tứ thơ tôi rất thích.

Vẫn biết nhiều khi so sánh là sự khập khiễng, nhưng đọc bài này, tôi vẫn muốn trích lại bài “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính đã là tuyệt đỉnh của nghệ thuật viết về sự chia ly:

Những cuộc chia lìa khởi từ đây/ Cây đàn sum họp đứt từng dây/ Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc/ Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy một bà già/ Đưa tiễn con đi trấn ải xa/ Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi/ Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân ly...

Thế! Chỉ có buồn phân ly não nuột!

Nhưng với Hồng Vinh, vẫn sân ga ấy, song cảnh người thân tiễn con, em vào tâm dịch năm 2021, cảm quan của người làm lịch sử như ông lại nhớ tới những đoàn quân Nam tiến chống Pháp rồi chống Mỹ; nhớ những đoàn quân trùng trùng lên ải bắc trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Họ không rơi nước mắt, mà hát vang những bài tình ca đã đi cùng năm tháng. Nhiều người thuở trước đã không về, nhưng sự ra đi ấy để chiến thắng trở về. Đi vào tâm dịch cũng là ra trận, cũng có thể đi không về. Sự chia ly là bước đầu cho bình yên và niềm vui đoàn tụ ngày mai. Sức mạnh của thời đại, kinh nghiệm lịch sử làm cho mỗi con người hôm nay có sức mạnh của niềm tin để chiến thắng mọi thử thách. Thơ Hồng Vinh làm cho người ta biết lựa chọn đúng; nhân lên sức mạnh con người, sức mạnh dân tộc.

Trần Mạnh Hảo có câu thơ rất hay viết về sự hy sinh của những người lính trẻ “Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Viết về sự hy sinh của người anh ruột ở chiến trường miền Nam (mà cho đến nay vẫn chưa tìm được mộ chí), Hồng Vinh có những câu thơ cháy gan, cháy ruột:

Cả đời anh chưa một ngày thanh thản

Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân

Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải

Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng

(Anh nằm nơi nao)

"Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân" là câu thơ tài lắm, mà cũng tình lắm. Hồng Vinh bắt đầu làm thơ có thể từ rất sớm, nhưng in thơ lại muộn. Song ông đúng là người sinh ra để làm thi sĩ khi tuổi nào cũng náo nức tình yêu, khi trời cho một ít pháp thuật về ngôn ngữ. Tôi nhớ rất nhiều những câu thơ tài hoa của ông như:

Biển gọi tên anh trong từng con sóng

Thêm một lần cát biển níu chân ta

(Biển gọi)

Một thời trắng nước đồng chiêm

Bóng cha phủ bóng con thuyền chênh chao

(Cha vẫn còn đây)

Mặc giá lạnh triền miên

Đến độ hoa vẫn nở

Người sao giống phận cây

Đời vui sau bể khổ!

(Ngắm hoa ban)

Cùng đồng đội vượt qua Vàm Cỏ Đông

Tim với lục bình che mắt giặc

O du kích dẫn vào hầm bí mật

Tấm khăn rằn hay châu thổ thêu lên?

(Thì thầm những dòng sông)

Chút tiếc nuối khi đón niềm hạnh phúc

Anh không kịp về chứng kiến ngày vui

Nhưng con chữ mãi là nhân chứng sống

Chứa muôn điều kỳ diệu tự trong tim

(Con chữ còn đây)

Và còn nhiều câu thơ, đoạn thơ khác nữa. Với trái tim luôn đỏ và hồn văn luôn xanh, tôi tin rằng Hồng Vinh sẽ còn có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay dâng hiến cho đời.

Nhà báo Hồng Vinh thăm và tặng quà nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang nhân Tết Nhâm Dần - 2022

Anh Hồng Vinh, Có lúc tôi đã định khuyên anh viết chậm lại, chắt lọc hơn. Nhưng hoa nở có mùa. Sức bút đang sung. Giờ đây, tôi lại mong anh viết ào ạt trong cảm xúc dào dạt về đất nước, quê hương đang chuyển mình trước bao thời cơ và thách thức đan xen. Những ngẫu hứng nhiều khi lại sinh kỳ hoa, dị thảo. Quan trọng là viết, viết và viết; lao động và lao động bằng trí tuệ và cảm xúc chân thành. Ta như người làm vườn, chăm chút, nhen nhóm từng mầm xanh để mong tươi sáng cả bầu trời. Anh đã và đang làm như vậy để có nhiều thêm “chồi biếc”. Đến tập thơ thứ 10 này, nhiều người khuyên anh nên nộp đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, anh vẫn ậm ừ. Tôi hiểu anh, tuổi tên, danh vọng xin được hòa vào cây cỏ. Vì lẽ đó, tôi hy vọng và chúc anh tiếp tục có “mùa gặt” mới, đậm hương sắc của đời!...

Hà Nội, tháng 2-2022

TS. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.