Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nhà báo Phan Quang: Sống để viết và không ngừng sáng tạo

23:32 22/06/2016 - Chân dung nhà báo
Đọc “Cỏ lau Thành cổ”, tôi thực sự cúi đầu thán phục bởi ở cái tuổi ngoài 85 mà Nhà báo, Nhà văn Phan Quang vẫn tràn đầy sức nghĩ, sức tìm tòi, khám phá. Với tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm xúc, giàu trí tưởng tượng, với một tình cảm thiết tha, với vốn ngôn ngữ phong phú cùng óc quan sát tinh tế và đầy tính sáng tạo, ông đã phát hiện, luận bàn nhiều vấn đề đa diện của cuộc sống, diễn tả sinh động vẻ đẹp đầy chất thơ của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.

Các thể ký như: Hồi ký, bút ký, du ký, ký sự, phóng sự, ký chính luận, ký báo chí, ký chân dung... được tác giả sử dụng linh hoạt đã tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt trong cuốn “Cỏ lau Thành cổ”. Bởi ký là thể loại lấy người thật, việc thật làm đối tượng miêu tả và phản ánh. Sức hấp dẫn của ký trước hết và chủ yếu chính do sự việc và con người có thật được phản ánh trong tác phẩm. Hình tượng của ký có địa chỉ, nó tái hiện tối đa sự vật, phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống, kết hợp hài hòa các yếu tố tự sự, chính luận, trữ tình. Mười lăm mẩu chuyện thể hiện nhiều tình huống khác nhau, đan xen nhiều mảng hiện thực với những gam màu, âm thanh, hoàn cảnh, sự vật, con người... vô cùng phong phú.

Tôi bỗng gặp giữa trời thu Hà Nội” nói về cuộc hành trình của tác giả từ mảnh đất "địa linh nhân kiệt"Nam Đàn xứ Nghệ ra Hà Nội. Cuộc hành trình mà tôi tạm gọi là "du ngoạn" đầy sóng gió khi trời mưa, lũ mênh mông "bắt đầu sang thu, một trận lũ lớn nhấn chìm đồng bằng Nghệ Tĩnh và một phần Thanh Hóa". Biết tin, mưa to làm "sụt đất đèo Tam Điệp", tác giả phải tạt qua "Nga Sơn, Thanh Hóa sang Phát Diệm, Ninh Bình" rồi vượt về Thành Nam cổ kính. Từ Nam Định về Hà Nội đúng mồng 9 tháng 10. Cuộc "du ngoạn" đầy khó khăn, gian khổ nhưng hào sảng bởi giọng văn điềm tĩnh, đĩnh đạc lạ thường!

"Hà Nội đây rồi." Giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, quân ta tiến về tiếp quản Thủ đô mồng 10 tháng 10 năm 1954, sung sướng biết bao! Tự hào biết mấy! Theo bước chân "du ký", dưới góc nhìn đa chiều của nhà báo Phan Quang, Hà Nội hiện ra lung linh, kỳ ảo giữa trời thu. "Hà Nội đẹp. Một đô thị đẹp nhất khu vực và là một trong số địa danh đáng đến nhất hành tinh."  Đây đâu phải câu nói xã giao mà cảm nhận rất thực của bạn bè quốc tế! Từ đây, ngòi bút tác giả thỏa sức bay lượn, cảm nhận về lối sống, bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội. Với cái nhìn mới mẻ, tác giả đã làm nổi bật bản chất tốt đẹp của những con người bình thường mà cuộc đời họ gắn bó với những thăng trầm của lịch sử qua những phát hiện bất ngờ, những suy ngẫm sâu sắc về Thăng Long nghìn năm vạn vật: "Người Hà Nội dắt cháu ra Bờ Hồ xem trăng trung thu, ông nội chỉ mặt trăng dưới hồ bảo cháu: Mặt trăng muốn tự ngắm nó kia nhưng chỉ chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ mà hãy tìm cách bay lên trời. Người Hà Nội cho trẻ ăn quả vải, quả nhãn mùa hè không dọa đứa nào ăn quả nuốt luôn cả hạt rồi sẽ phải mổ bụng ra mà lấy. Người ta khuyên các cháu ăn từ tốn, để còn lấy cái hạt làm viên bi hay xếp đồ chơi"... Thật là tuyệt! Dù đó là lời trong tiểu thuyết "Trở lại với đời" của nhà văn Jacqes Danois, nhưng không có sự phát hiện và lời dịch kỳ tài của Nhà văn, Nhà báo Phan Quang thì làm sao toát lên cái khát vọng lớn lao bay lên trời bắt trăng và cái lý tưởng nhân bản, đậm chất nhân văn của con người Hà Nội, con người Việt Nam?

Con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên, nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn. Nhà báo, nhà văn Phan Quang viết “Tiếng lòng Viên Tĩnh” để tưởng niệm, tôn vinh nhà thơ, nhà văn tài ba Chế Lan Viên. Hai người cùng quê Quảng Trị, Chế Lan Viên là đàn anh về tuổi đời và về nghề báo, nghiệp văn. Cứ như duyên trời định, tình bạn của họ bắt đầu gắn bó nhờ cách mạng, nhờ kháng chiến và cả cái nghề báo"bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó". Qua cách kể, tả, hồi tưởng, độc giả cảm nhận được lòng kính trọng, biết ơn thật trọn vẹn của tác giả đối với Chế Lan Viên, nhưng cũng thật “ghen tị” với tình bạn thân mật, cao cả của họ. "Tôi cứ về Viên Tĩnh. Tôi vẫn cứ về viếng đây anh Hoan. Lần đầu về Viên Tĩnh, tôi nhớ và sẽ nhớ mãi, làm sao biết được lần nào là lần cuối tôi còn có dịp về đây!" "Dường như anh Hoan vẫn đâu đây, anh vừa chạy ra ngoài có việc gì đấy để rồi đột ngột xộc vào ôm choàng lấy bạn." Nếu không có sự sẻ chia, cảm thông, thấu hiểu; nếu không có tình bạn xuất phát từ sự chân thành, trong sáng, vô tư và tin tưởng, làm sao tác giả viết được những lời văn xúc động đến vậy! Chế Lan Viên không còn nữa, nhưng tình bạn giữa họ mãi chẳng lụi tàn, là liều thuốc tinh thần giúp tác giả mỗi khi nhớ về bạn cũ.

Trong “Tiếng lòng Viên Tĩnh, ta thấy một Chế Lan Viên luôn trăn trở, thao thức về những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Một Chế Lan Viên "sống hốt hốt hoảng hoảng, cứ sợ không kịp..." khi bệnh tình phát lộ. Một Chế Lan Viên hết lòng vì bạn, trách nhiệm với đời. Một Chế Lan Viên với cường độ làm việc khủng khiếp: "Lấy riêng năm 1987, khi sức khỏe anh đã chớm lộ triệu chứng bất thường, trong một thư gửi cho tôi anh viết: “...Năm nay tôi đề bốn cái tựa sách, trong đó có tập thơ anh Lành, tập thơ Hàn Mặc Tử...". Chừng một tháng sau, anh lại cho tôi biết: "Tôi vừa xong cái tựa (về) anh Lành. Sau những cuốn sách dày 500 trang, 300 trang (luận bàn về thơ Tố Hữu). Lại lúc này nhưng tôi viết khá mới và độc đáo đấy". "Chính nơi chốn cuối cùng này, anh đã sáng tác nhiều bằng cả đời thơ anh trở về trước. Sau khi anh mất, ba tập Di cảo thơ Chế Lan Viên (gồm 534 bài) đã được in. Di cảo thơ tập 4 cũng đã gom được 150 bài, còn đang tập hợp tiếp…".

Suốt một đời đi nhặt chữ của đời mà góp nên trang như chính bản thân nhà thơ tâm niệm; thật chẳng có gì sai khi nói rằng Chế Lan Viên đã miệt mài một đời thơ, một đời văn. Đến với Chế Lan Viên là đến với một người lúc nào cũng trăn trở nghĩ về nghề, là đến với một người mà từ khi bước chân vào nghề lúc nào cũng cần mẫn, tỉ mỉ và miệt mài trên cánh đồng thơ, cánh đồng văn của mình. Đối với Chế Lan Viên, danh tiếng, sự nghiệp còn nặng hơn cả hình hài và sự sống. "Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên/Xanh um chỉ có màu xanh cỏ/Tôi đặt cho lòng Viên Tĩnh Viên".“Viên Tĩnh Viên, "ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên".

Dưới ngòi bút của tác giả Phan Quang, “Chế Lan Viên và Mẹ” hiện lên với tình cảm chân thành, cảm động. Đó là lòng thương mẹ của đứa con "nghĩ về mẹ nhiều nước mắt rưng rưng", nghĩ về mẹ, cảm nhận tình thương của mẹ "là gió dịu đưa hương", là "mẹ thương con như sữa nồng, như nước mắt". "Trong trí nhớ và sâu trong trái tim anh Chế Lan Viên, hình ảnh bà mẹ thật ở đời, người đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh cho tới lúc anh trưởng thành luôn hiện diện và nhiều lần thấp thoáng trong những vần thơ những câu văn anh vào những thời điểm khác nhau lúc anh đang tuổi hai mươi cũng như khi đã trở thành một tác giả lục tuần". Hình như Chế Lan Viên nghe được tiếng thầm thì của mẹ: Con hãy yên tâm bước đi trên con đường đã chọn lựa, mẹ vẫn ở bên con, không bao giờ xa rời, đôi mắt dịu hiền của mẹ luôn dõi theo, chở che cho con suốt cuộc đời.  

Khi được "Tổng bộ Việt Minh thưởng tác giả hai ngàn đồng. Anh Chế Lan Viên ra luôn Quảng Trị đưa mẹ nửa số tiền thưởng hết sức quý báu trong hoàn cảnh bấy giờ cùng mươi gốc cam mua từ Huế, "Mẹ chăm vườn cho con, đánh Tây xong về nhà con có cam ăn". Lòng hiếu thảo của nhà thơ làm ấm lòng người mẹ, làm ta cảm động khôn lường. Lời dặn mẹ dễ thương, gói cả niềm tin, hy vọng dù mong manh trong thời buổi chiến tranh. Lòng nhà thơ nặng trĩu ưu tư khi "mặt trận Huế vỡ", "lúc qua Đông Hà nghe đại bác, moọc chê bắn rầm trời, lòng anh đau như đứt cắt". Ngược lại, nhà thơ cũng thấu hiểu: Tình yêu của mẹ dành cho mình là vô hạn. Từ thuở còn trứng nước, mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, rồi khi lúc sinh, mẹ một mình vượt cạn với hiểm nguy khôn lường. Tháng ngày mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi mình đến hao gầy thân xác. "Anh nghe lời người mẹ đã dạy cho con lòng thương ghét, đã hát cho con nghe những khúc hát dân dã sẽ âm thầm thấm vào tim con". Mẹ là người thầy đầu tiên dạy nhà thơ bài học vỡ lòng về cái yêu, cái ghét. Mẹ là người khởi đầu thắp lên trong nhà thơ ánh sáng của lương tri, trí tuệ sau này. Mẹ cũng là người nhen nhóm, thổi vào và đốt cháy trái tim cậu bé Phan Ngọc Hoan bằng tình thương và lòng nhân ái bao la. "Khúc hát dân dã" của mẹ chính là dòng sữa ngọt ngào, là nguồn nước mát trong theo tác giả trên cuộc hành trình đầy cam go, thử thách của cuộc kháng chiến, cũng như cuộc sống hối hả lo toan đời thường. Mẹ chính là nơi ngơi nghỉ của tâm hồn nhà thơ mỗi khi giông bão cuộc đời ập đến!

 

 “Cỏ lau Thành cổ” - tên của một thiên tuyệt bút được lấy làm tên chung cho cuốn sách có sức nặng và ý nghĩa sâu xa, luận bàn về những mảng màu cuộc sống, cuộc đời; về triết lý nhân sinh; về chiến tranh và hòa bình; về cái mất, cái còn; về lòng biết ơn vô hạn các liệt sĩ, anh hùng; về "các bậc tiền bối đời đời linh hiển...". Không dưới bốn, năm lần tác giả nhắc: "Tôi lại về đây với cỏ lau Thành cổ" nó khắc ghi, làm lan tỏa 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 nơi Thành cổ. Những người có lương tri hẳn chắc không thể nào quên cái mùa hè năm đó, trời Quảng Trị đỏ rực một màu máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa, một ngọn cỏ nào có thể sống sót. Cuộc chiến tranh không khoan nhượng giữa ta và địch, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa mất mát hy sinh và chiến thắng huy hoàng của những người con yêu nước vĩ đại Việt Nam. Dù tác giả trở về với cỏ lau Thành cổ "vào buổi sập tối của cuộc đời" nhưng sức trỗi dậy bên trong lại mãnh liệt như cỏ cây hoa lá mùa xuân. Biết bao kỷ niệm của tuổi thơ, của quá khứ hiện về tuôn chảy dưới ngòi bút nhà văn. Nhưng cái in đậm nhất ở "cậu bé nhà quê lên sáu" là "Trường kiêm bị Pháp Việt" dù thời gian học ở đấy không dài, nhưng giúp tác giả "mở rộng cánh cửa sổ nhìn ra thế giới mênh mông sâu thẳm". Rồi qua lời kể của cha, chuyện Đức vua Hàm Nghi vì lòng yêu nước, không chịu cái nhục của kẻ nô lệ mà từ bỏ ngai vàng, xuống chiếu Cần Vương, nghỉ tại quê nhà tác giả. Một ám ảnh đau đáu, buồn thương đi suốt dọc tuổi thơ tác giả "một đêm đông lạnh ngắt, chắc khuya lắm rồi" có tiếng "hò la rất lạ, rất ồn, rất dữ..." của tù chính trị  tại nhà lao Cửa Hậu phản đối sự tàn bạo của thực dân mà khi lớn khôn tác giả mới hiểu…Tất cả đưa đến một thông điệp: Đừng lãng quên, đừng vô cảm, hãy sống thủy chung với quá khứ!

 

Những trang luận bàn về "tính cách con người Việt Nam", về "tinh túy văn hóa Việt Nam", về chiến thắng, thất bại, về công tội, về quá khứ, hiện tại và tương lai..  là những trang tuyệt bút. Không có nền tảng của vốn học vấn uyên thâm, hiểu biết rộng sâu về văn hóa Đông Tây kim cổ, bản lĩnh vững vàng như nhà báo, nhà văn Phan Quang thì không thể viết được. Những trang luận bàn tuyệt hảo ấy giúp người đọc khám phá bao điều mới lạ. Bạn đọc như được chắp thêm đôi cánh bay bổng vào vùng trời hiểu biết, khác nào như đang đi giữa đêm tối mịt mùng mà phát hiện phía trước vừng đông phát lộ!

Mười lăm mẩu chuyện trong “Cỏ lau Thành cổ” đã chuyển tải bao điều của cuộc sống, ghi lại bao vấn đề về dấu ấn trong cuộc đời tác giả. Song trong khuôn khổ bài báo, tôi có thể làm gì hơn là “điểm danh”, "cưỡi ngựa xem hoa". Kính mong nhà báo, nhà văn Phan Quang và bạn đọc lượng thứ!

Tác giả: Trường Giang

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top