Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Ngôi sao sáng” trên bầu trời báo chí Việt Nam

21:15 18/07/2016 - Chân dung nhà báo
Chúng tôi đến thăm bà ánh Tuyết - con gái nhà báo Xuân Thủy vào một ngày đầu tháng 4. Ngôi nhà giản dị, có cửa sổ trông sang vườn hoa trước sân. Nữ kỹ sư 77 tuổi khiêm tốn nói với chúng tôi, lúc cha hoạt động báo chí, bà còn nhỏ. Sau khi cha mất, bà trực tiếp hỏi các thư ký của cha mới đã biết được nhiều điều rất thú vị...

Nhà báo Xuân Thủy. Ảnh gia đình cung cấp

Đặt nền móng cho sự ra đời Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Hoàng Phong là Thư ký cuối cùng và là người cộng tác với nhà báo Xuân Thủy từ năm 1946 kể, cuối năm 1946, khi nhà báo Xuân Thuỷ là Trưởng Ban tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh (gọi tắt là Mặt trận). Nhà báo Xuân Thủy thấy phải làm cho công tác tuyên truyền của Mặt trận được mạnh mẽ và nhà báo phải có một nghiệp đoàn nên đã trực tiếp triệu tập cuộc họp trong và ngoài Mặt trận tại Hà Nội để thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam.

Thấm nhuần phương châm làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm huy động mọi trí lực của quần chúng, nhà báo Xuân Thủy đã đề nghị cụ Nguyễn Tường Phượng làm Chủ tịch Đoàn Báo chí Việt Nam. Khi kháng chiến bùng nổ, cụ Tường Phượng tản cư về Liên khu 3 nên nhà báo Xuân Thủy mới trực tiếp làm Chủ tịch Đoàn báo chí kháng chiến vào năm 1947. Tại chiến khu Việt Bắc năm 1949, nhà báo Xuân Thủy là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến nằm trong Mặt trận nên ông đã mở một trường đào tạo báo chí để bổ sung lực lượng cho những người viết báo cách mạng. Vẫn theo phương châm của Bác Hồ, nhà báo Xuân Thủy đã đề nghị nhà báo Đỗ Đức Dục - người đã từng là nhân vật chủ chốt của tờ báo Thanh Nghị, tờ báo tiến bộ nổi tiếng trong thời kỳ Pháp thuộc làm Giám đốc. Trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng, mở tại Thái Nguyên trong điều kiện kháng chiến rất khó khăn nên chỉ mới có 43 học viên theo học. Lúc đó, nhà báo Xuân Thủy là Chủ nhiệm báo Cứu quốc - tờ báo duy nhất ra hằng ngày trong kháng chiến chống Pháp, nên toàn bộ hậu cần và thực hành của trường này đều do Báo Cứu quốc chịu trách nhiệm.

Tháng 4 năm 1950, nhà báo Xuân Thuỷ nhận thấy cần có một tổ chức chính thức được Nhà nước công nhận để những người viết báo trong cả nước có chỗ dựa vững chắc, hoạt động sẽ mạnh mẽ hơn. Do vậy, ông đã bàn với lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tổ chức thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch khóa I và II (từ tháng 4/1950 đến 9/1962). Tại Đại hội III, do chuẩn bị đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhà báo Xuân Thủy đã đề nghị nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch. Trong Đại hội này, nhà báo Xuân Thủy đã đề nghị đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam để hòa cùng Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) mà ông đã từng làm Phó Chủ tịch. Tháng 7/1976, họp Hội nghị thống nhất của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam, nhà báo Xuân Thủy với tư cách là Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Đại hội này thành công tốt đẹp.

Coi trọng hiền tài, dìu dắt lớp trẻ

Không chỉ chăm lo xây dựng tổ chức của người làm báo, nhà báo Xuân Thủy luôn quan tâm, dìu dắt các cây bút trẻ, chỉ bảo tận tình, giúp họ cùng tiến bộ và trưởng thành.

Hàng chục năm sống và làm việc với nhà báo Xuân Thủy đã để lại trong nhà báo, nhạc sĩ Xuân Oanh nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng đáng nhớ hơn cả là những năm làm việc tại báo Cứu quốc. Nhà báo Xuân Oanh chia sẻ, cuối năm 1947, ông được nhà báo Xuân Thủy đưa về báo Cứu quốc làm thư ký riêng và bồi dưỡng làm phóng viên. Chàng phóng viên trẻ Xuân Oanh mạnh dạn thưa với thủ trưởng Xuân Thủy là chưa biết làm báo, chưa từng được đào tạo và không biết có làm được không? Nhà báo Xuân Thủy cười đáp: Thì bây giờ đào tạo.

Lúc đầu chàng trai 23 tuổi Xuân Oanh chưa hiểu nhà báo Xuân Thủy sẽ đào tạo như thế nào, chỉ đoán có lẽ mỗi ngày sẽ dành một ít thời gian lên lớp hay đưa tài liệu nghiên cứu rồi kiểm tra thu hoạch hoặc chí ít cũng như bác thợ cả trong nghề thủ công thỉnh thoảng truyền lại vài ba bí quyết cho người mới học việc. Nhưng, chờ mãi chẳng thấy ông lên lớp cũng không đưa tài liệu gì nghiên cứu... Chỉ mỗi lần trên đường đi công tác hoặc nghỉ lại đâu đó, nhà báo Xuân Thủy lại kể chuyện nửa tâm sự, nửa giảng giải. Những câu chuyện ấy chính là những buổi lên lớp một cách khéo léo, sinh động, rất có hệ thống. Kể cả khoa học tự nhiên cũng như xã hội và nghiệp vụ chuyên môn về báo chí được minh hoạ bằng chi tiết và ví dụ dễ nhớ, rất cần thiết để bồi dưỡng cho một cán bộ viết báo. Những ngày công việc thư ký không bận rộn lắm, nhà báo Xuân Thủy để đồng chí Xuân Oanh về những vùng giáp ranh với địch viết điều tra phóng sự hoặc tham dự sinh hoạt của các ngành, các đoàn thể để viết tường thuật, miễn sao có tin bài cho tờ báo. Chính nhờ sự “ưu ái” và tận tình dìu dắt của nhà báo Xuân Thủy cùng sự nỗ lực của bản thân, từ chỗ chưa biết làm báo, phóng viên trẻ Xuân Oanh đã trở thành một nhà báo thực sự có uy tín của báo Cứu quốc.

Sức mạnh của báo chí ở Hội nghị Paris

Ông Trịnh Ngọc Thái, Thư ký riêng của Trưởng đoàn Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, “không phải nhà báo Xuân Thủy thì không thể có đội ngũ báo chí đông đảo, hùng hậu như thế ở Hội nghị Paris được”. Cũng theo ông Trịnh Ngọc Thái, dưới sự chỉ huy tài tình của nhà báo Xuân Thuỷ, hoạt động báo chí bên ngoài hội nghị của Việt Nam hết sức sôi động. Hơn ai hết, nhà báo Xuân Thuỷ là người ý thức rất rõ, Hội nghị Paris không chỉ đấu tranh ở trên bàn đàm phán mà phải hoạt động mạnh mẽ ở ngoài hội nghị, với mục đích làm cho nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Tây Âu, Bắc Mỹ ủng hộ lập trường của ta. Muốn vậy, phải có lực lượng báo chí hùng hậu, phải đưa một đội ngũ nhà báo đủ mạnh sang đó. Ông đã chọn nhiều nhà báo cừ khôi, giỏi về nghiệp vụ, thạo tiếng Anh, tiếng Pháp sang làm việc tại Hội nghị Paris như: Nguyễn Minh Vĩ, Nguyễn Thành Lê, Lê Bình, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong (Nguyễn Huy Châu), Xuân Oanh, Hồng Hà, Lê Chân, Đỗ Văn Chuyên, Dương Thị Duyên, Lý Văn Sáu, Dương Đình Thảo...

Nhà báo Xuân Thủy (đứng) trao đổi với tổ báo chí tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ảnh gia đình cung cấp

Tất cả các nhà báo này đều tham gia hoạt động báo chí tuyên truyền và tiếp xúc, vận động các chính khách, trí thức và các tầng lớp xã hội muốn gặp đoàn Việt Nam. Ngoài ra, các nhà báo còn được cử đi dự các cuộc mít tinh khắp nơi, kêu gọi ủng hộ Việt Nam, phát biểu tại chỗ hoặc trả lời phỏng vấn. Các nhà báo của ta đi nhiều tỉnh của Pháp, họ còn đi hầu hết các nước châu Âu như sang Anh, Italia, Hungary... thậm chí sang cả Mỹ như nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, nhà báo Xuân Oanh tiến hành hàng trăm cuộc họp báo, hàng nghìn cuộc tiếp xúc báo chí và gặp gỡ đại diện các tổ chức quần chúng, nhân sĩ, trí thức, cá nhân người Pháp, người nước ngoài, Việt kiều.
Nhà báo Xuân Thuỷ cố gắng tiếp xúc với các đoàn và các cá nhân quốc tế nhiều nhất có thể, đồng thời trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài với chính kiến khác nhau. Nơi đâu mời đoàn ta đến dự mít tinh hay gặp gỡ, nếu có thể đi được, ông đều trực tiếp đi. Ông đã trả lời phỏng vấn rất nhiều câu hỏi hóc búa của đối phương một cách thông minh, thuyết phục, rõ ràng. Bằng tài năng, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào chiến thắng, nhà báo Xuân Thủy đã kiên trì, khéo léo trong đàm phán trong cả bí mật cũng như công khai, cùng các cộng sự của mình hoàn thành tốt nhất những chủ trương của Đảng, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc ta đánh thắng Mỹ, khiến chính người Mỹ cũng phải thừa nhận “nước Mỹ thua trong cuộc chiến tranh trước hết là thua ngay trên mặt trận báo chí”.
Hơn nửa thế kỷ làm báo, hoạt động cách mạng, trải qua bao gian lao thử thách, bằng bản lĩnh của một nhà báo lớn, Xuân Thủy đã “kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại” để làm nên một Xuân Thủy trí tuệ và nhân cách trong thế kỷ XX./.

Thành Huy Long
© Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top