Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nối tiếp truyền thống, hướng tới tương lai

Lịch sử ngành thông tin truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Báo chí, Xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin. Là một Bộ quản lý nhà nước với nhiều lĩnh vực ngành có bề dày truyền thống được hình thành, phát triển và lớn lên cùng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay có nhiều ngày kỷ niệm truyền thống của các lĩnh vực: Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Ngày Truyền thống ngành Bưu Điện 15/8, Ngày Truyền thống ngành Xuất bản – In và Phát hành 10/10.

Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng TT&TT cho biết, để có một ngày truyền thống chung về ngành thông tin nước nhà, lãnh đạo Bộ trong nhiệm kỳ vừa qua đã rất quan tâm đến vấn đề này. Tháng 9/2014, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã quyết định thành lập Ban Lịch sử - Truyền thống của Bộ trên tinh thần tôn trọng, duy trì và phát triển truyền thống của các lĩnh vực hiện có. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban này là tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất lấy một ngày truyền thống chung của toàn ngành. Từ kết quả tìm hiểu, nghiên cứu với những sở cứ xác đáng của Ban nghiên cứu Lịch sử truyền thống, qua việc lấy ý kiến của cán bộ, lãnh đạo trong toàn ngành, các thế hệ, Bộ TT&TT đã thống nhất, đề xuất và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 là Ngày truyền thống ngành TT&TT. Đây là ngày Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên vào năm 1945 thành lập các bộ, ngành trong cả nước lúc đó, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông Công chính, mà nội hàm quản lý nhà nước của các Bộ này lại bao hàm nhiệm vụ nội hàm quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày nay.

Ngành TT&TT đồng hành cùng dân tộc

Đi ngược lại thời gian chúng ta dễ dàng nhận thấy, sự hình thành và lớn mạnh của ngành TT&TT luôn gắn liền với sự ra đời và phát triển của đất nước theo nhu cầu từng thời kỳ của cách mạng.

Tiền thân của Bộ TT&TT ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính -Viễn thông (2002), nay là Bộ TT&TT (2007). Trải qua 71 năm xây dựng, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ngành TT&TT đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của cách mạng được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao phó.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức của ngành TT&TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 10.000 người con ưu tú của ngành Bưu điện và phóng viên đã anh dũng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thông tin và Truyền thông là ngành có nhiều liệt sĩ nhất đã hy sinh trong chiến tranh, chỉ sau quân đội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp bước truyền thống hào hùng, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ngành TT&TT đã dũng cảm lựa chọn hướng đi mang tính đột phá, đó là: bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa và đa dịch vụ; lấy viễn thông quốc tế làm đột phá khẩu, với phương châm: “lấy ngoài nuôi trong”, tự vay tự trả và tự chịu trách nhiệm, ngành đã phá được thế bao vây cấm vận, đưa công nghệ hiện đại nhất vào Việt Nam.

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông, thời điểm đó, Tổng cục Bưu điện đã có hai quyết định chiến lược rất quan trọng tạo đột phá và bước ngoặt cho việc phát triển của viễn thông và internet Việt Nam. Quyết định thứ nhất là đi thẳng vào số hóa viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp những dịch vụ tiên tiến kể cả internet để đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Quyết định thứ hai là xóa bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh với quốc tế. Với Internet là năm 1997, và với viễn thông là từ năm 2000. Nhờ có cạnh tranh mà giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Dịch vụ viễn thông và internet Việt Nam được phổ cập nhanh và rộng rãi đến đa số người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Tiếp đó bằng việc thực hiện thắng lợi Chiến lược tăng tốc độ phát triển hai giai đoạn từ 1993 đến năm 2000 và những năm tiếp theo, ngành đã nhanh chóng hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, đưa bưu chính - viễn thông Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trong khu vực, đồng thời tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Đây là bước đột phá mang tính quyết định đã làm thay đổi cả chất và lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cơ sở hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam. Với việc thực hiện thành công chiến lược này, kết thúc năm 2000, các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, số lượng máy điện thoại… đều tăng trung bình 20 lần so với năm 1990. Quy mô và mạng lưới bưu chính - viễn thông được mở rộng và hiện đại hóa bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên cả nước, bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt... Việt Nam được ITU đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất thế giới.

Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg thành lập Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT trực thuộc Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, khởi động quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông. Và từ năm 2003, ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Mam thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.

Ông Đỗ Trung Tá, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đánh giá: Sau khi kết thúc thành công chiến lược tăng tốc từ năm 1993-2000, ngành bưu điện Việt Nam đã thu được những kết quả rất ngoạn mục trong phát triển bưu chính và viễn thông. Đến năm 2000 Bộ Chính trị ra chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Trong Chỉ thị này nêu sẽ nghiên cứu để xây dựng một tổ chức quản lý nhà nước đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Đó là hai lý do thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở của Tổng cục Bưu điện.

Sau 5 năm (1995-2000), có thể nói chúng ta đã rất thành công trong việc tổ chức thực hiện các chiến lược, hội nhập và phát triển, đẩy mạnh, phát triển như vũ bão internet ở Việt Nam để phục vụ cho người dân, cho cải cách hành chính và cũng hướng tới chính phủ điện tử, cũng như phát triển chính phủ điện tử trong tương lai. Đặc biệt, Bộ Bưu chính, Viễn thông được giao việc quản lý cơ sở hạ tầng thông tin thống nhất quốc gia. Bộ Bưu chính, Viễn thông có thể nói là một bộ không có doanh nghiệp, nhưng đã tổ chức được một môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp phát triển rất nhanh và tạo ra nguồn lợi cho người dùng rất đáng kể. Bộ đã đề xuất Quốc hội thông qua hai bộ luật, Luật giao dịch điện tử và Luật CNTT, đây là định hướng cho việc phát triển CNTT cho đến nay, ông Đỗ Trung Tá nhấn mạnh.

Trở thành ngành đi đầu trong hội nhập kinh tế

Kể từ khi thành lập Bộ TT&TT vào tháng 8-2007 đến nay, lịch sử ngành TT&TT Việt Nam đã bước sang một trang mới. Bộ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực báo chí, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, internet và CNTT đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền báo chí, xuất bản tiên tiến, hiện đại. Cả nước hiện có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ.

Lĩnh vực xuất bản từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn; góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội.

Lĩnh vực viễn thông và internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bảo đảm thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi. Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 126 triệu thuê bao, tỷ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%. Trên 44 triệu người sử dụng internet trên toàn quốc. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt gần 526.132 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 48.247 tỷ đồng; là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống.

Lĩnh vực CNTT phát triển rất nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào cải cách hành chính, tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và trở thành một nền tảng không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. lĩnh vực CNTT hiện đang có trên 15.000 doanh nghiệp hoạt động; kim ngạnh xuất khẩu điện thoại và linh kiện hàng năm đạt hơn 32 tỷ USD; tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2015 đạt hơn 20 tỷ USD.

Trong lĩnh vực bưu chính, đến nay, mạng lưới bưu chính đã được củng cố, hiện đại hóa và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân. Mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm Bưu điện - Văn hóa xã; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày. Bưu chính, phát hành báo chí đảm bảo đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, tin tức và kiến thức thiết thực đến cho đồng bào cả nước.

Công tác thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại được tập trung đẩy mạnh trên toàn quốc từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, từ khi thành lập Bộ đến nay năm lĩnh vực được giao quản lý đều phát triển tốt và trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước. Có thể nói trong tất cả các lĩnh vực hội nhập quốc tế, hội nhập về truyền thông – báo chí, xuất bản là nhanh nhất, rõ nhất và hiệu quả nhất.

Các xuất bản phẩm của Việt Nam được ra với thế giới nhiều hơn, sách của chúng ta được nhiều bạn bè thế giới biết đến hơn. CNTT có thể nói là bước tiến ngoạn mục về khoảng cách, chúng ta có một bước phát triển mới về CNTT, đặc biệt là Công nghệ phần mềm nằm trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, mặc dù các vấn đề khác chưa được đảm bảo nhưng theo tôi như thế cũng là thành quả rất đáng ghi nhận, ông Lê Doãn Hợp khẳng định.

Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống Ngành TT&TT là một quyết định rất quan trọng ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 71 năm của ngành TT&TT. Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên toàn ngành TT&TT có một ngày truyền thống riêng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của ngành trong suốt thời gian qua. Qua sự kiện này, chúng ta cũng ôn lại những kỷ niệm của ngành TT&TT, tri ân những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành TT&TT trong suốt thời gian qua. Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành phát huy truyền thống "Trung thành – Dũng cảm – Tận tuỵ - Sáng tạo – Nghĩa tình". Và để làm được việc đó toàn Ngành phải phát huy tinh thần "Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển" để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và xây dựng một đất nước Việt Nam trở thành một nước cường thịnh trong đó lấy CNTT làm nền tảng để phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT, xứng đáng với vai trò và vị trí của Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.