Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Lựa chọn các tác phẩm xuất sắc có tác động xã hội tích cực, mạnh mẽ

Chiều ngày 2/6, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia chính thức khai mạc vòng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022.

Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022.

Đảm bảo sự khách quan, công tâm, sáng suốt

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ươn Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 17 giải được tổ chức, với nhiều thành viên mới trong cả hội đồng sơ khảo và hội đồng chung khảo.

Số lượng các tác phẩm gửi tham dự giải năm nay vẫn đạt mức cao, với 1.894 tác phẩm. Hội đồng sơ khảo đã chấm và trình lên hội đồng chung khảo 157 tác phẩm thuộc 11 loại giải. 

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: "Các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2022. Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; các vấn đề kinh tế nổi bật, các cấp đề xã hội nóng; bảo vệ chủ quyền biển đảo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, báo chí còn biểu dương những tấm gương điển hình, những nghĩa cử cao đẹp…".

Đáng chú ý, ở mùa giải năm nay, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Nhờ đó, ngoài các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, một số báo địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo hình thức đa phương tiện.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thành viên hội đồng chung khảo là những nhà báo giàu kinh nghiệm và có uy tín cao. Nhiều nhà báo đã tham gia chấm chung khảo tại nhiều giải báo chí quốc gia và toàn quốc trong những năm qua, vững vàng về tư tưởng, tinh thông nghề nghiệp, khách quan trong thẩm định và phát hiện những tác phẩm hay, những cây bút giỏi. 

"Trách nhiệm của hội đồng chung khảo là phải đảm bảo sự khách quan, công tâm, sáng suốt, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất trong số các tác phẩm vào chung khảo, tiêu biểu cả về nội dung và hình thức thể hiện, đề cập những vấn đề thực sự quan trọng của đất nước, đảm bảo tính chính trị - tư tưởng, tính định hướng, tính trung thực, có tác động xã hội tích cực và mạnh mẽ, xứng đáng để trao giải", ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Báo chí phản ánh toàn diện, sâu sắc mọi mặt đời sống 

Trong báo cáo tổng kết vòng chấm sơ khảo, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022 nhấn mạnh, các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2022.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022 trình bày báo cáo tổng kết vòng chấm sơ khảo.

Báo chí đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện lớn, các vấn đề quan trọng của đất nước với những mảng đề tài nổi bật như: Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; các vấn đề kinh tế nổi bật (thị trường chứng khoán, khủng hoảng thị trường bất động sản, lừa đảo tín dụng, lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu…); các vấn đề xã hội “nóng” (vấn nạn ma túy học đường, buôn người sang Campuchia, vi phạm tại cơ sở tôn giáo…); các đề tài về văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư nghiêm túc, công phu, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc. Khoảng cách chất lượng giữa các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương không còn nhiều.

Thành viên Hội đồng Chung khảo là những nhà báo giàu kinh nghiệm, nhiệt tình cống hiến và có uy tín cao.

Đối với thể loại báo in, đã có nhiều tác phẩm thể hiện rõ nét sự dấn thân của tác giả trong cả nước với các đề tài thời sự, nóng của xã hội, phân tích, xử lý kiến nghị các vấn đề quan trọng của đời sống xã hội. Các bút kí phóng sự về mảng chân dung, về các vấn đề văn hoá, kinh tế, xã hội cũng được các báo ngành, các báo địa phương khai thác hiệu quả. Nhiều tác phẩm phóng sự đã thật sự gây ấn tượng tốt về sự công phu, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, của các cơ quan báo chí đối với các vấn đề của cộng đồng, đã được các cơ quan hữu quan vào cuộc, xử lý một cách thích đáng, gây hiệu ứng và tính lan tỏa lớn trong xã hội.

Các tác phẩm phát thanh truyền hình đã thể hiện tốt chức năng của báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng và báo chí tích cực, đi thẳng vào vấn đề cần quan tâm, có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều tác phẩm sử dụng các yếu tố đặc trưng của phát thanh chuyển tải sinh động nội dung, sử dụng ngôn ngữ thân mật, tự nhiên, gần gũi, khai thác tiếng động hiện trường chân thực, sinh động, phù hợp tạo cảm xúc cho người nghe. Nhiều tác phẩm cũng khai thác thành công yếu tố tương tác với công chúng. Một số tác phẩm thể hiện sự dấn thân của tác giả/nhóm tác giả đi đến tận cùng của vấn đề để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các tác phẩm báo điện tử có chủ đề phong phú, đa dạng, chất lượng tốt hơn, có sự đồng đều hơn. Không chỉ các báo Trung ương thực hiện tốt các loạt bài lớn, có tính vấn đề mà một số báo địa phương cũng đã có sự thay đổi trong cách chọn chủ đề, khai thác đề tài và hình thức thể hiện.

Hội đồng chung khảo nhận định, tác phẩm dự giải đã đáp ứng được các tiêu chí xét chọn được nêu trong hướng dẫn tuyển chọn của Hội đồng giải, phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2022. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Nhiều tác phẩm thể hiện sự tâm huyết, sáng tạo, khám phá, có sức thu hút độc giả. Nhiều tác phẩm được thể hiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang hơi thở của báo chí hiện đại. Một số tác phẩm nổi trội có sự đầu tư công phu từ đề tài, nội dung đến hình thức. 

Hội đồng đánh giá cao sự đổi mới trong cơ cấu và nâng cao chất lượng thẩm định của Hội đồng sơ khảo, đồng thời nêu một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các mùa Giải sau.

Trong số 157 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 9 giải A, 24 giải B, 46 giải C để trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII năm 2022.

Lễ trao giải sẽ được tổ chức trọng thể vào tối ngày 21/6/2023 để chào mừng Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.