Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020 - 2021

Sáng 25/11/2021, tại Hội trường B3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020 - 2021.

Lễ Trao Giải có sự tham dự của PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi; nhà báo Lê Thọ Bình - Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi; nhà báo Trần Thái Sơn - Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân; nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Điện tử Báo Nhân dân; họa sĩ Ngô Thành Nhân - Hội Mỹ thuật thành phố Hà Nội; ông Phí Minh Tuấn - Giám đốc Marketing Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam và các thành viên Ban Giám khảo; đại diện các cơ quan đồng tổ chức Giải, các nhà tài trợ, giảng viên, sinh viên, câu lạc bộ trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS, TS Mai Đức Ngọc - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí  và Tuyên truyền và Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trao giải đặc biệt cho nhóm tác giả đoạt giải.

Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng 2020 - 2021 chính thức được phát động từ ngày 13/11/2020 với 4 hạng mục Giải, bao gồm: Tác phẩm, sản phẩm báo chí đa nền tảng; Sản phẩm truyền thông; Dự án báo chí - truyền thông; Báo chí - truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sau một năm phát động, cuộc thi đã nhận hơn 300 tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí, truyền thông. Ban Giám khảo đã lựa chọn được 16 tác phẩm, sản phẩm, dự án xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Minh Sơn, Phó bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi khẳng định: Cuộc thi tạo một sân chơi lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo của các học sinh, sinh viên với Báo chí truyền thông; đồng thời tìm kiếm và bồi dưỡng thế hệ nguồn nhân lực mới cho các ngành: Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện cho đất nước. Những năm qua, nhiều câu lạc bộ nghề nghiệp của học viện đã được xây dựng, trở thành nơi thực hành nghiệp vụ báo chí, sàng lọc, kiểm định các sản phẩm của Học viện rất hiệu quả. Giải báo chí là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa trên con đường phát triển của Học viện, hướng tới tiếp tục là sân chơi lành mạnh của sinh viên trong và ngoài nước.

PGS, TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và nhà báo Lê Thọ Bình - Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi trao giải cho nhóm tác giả đoạt giải. 

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Trưởng Ban tổ chức Giải khẳng định: “Tuy là năm đầu tiên tổ chức, lại diễn ra trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, con số hơn 300 tác phẩm tham dự Giải có chất lượng tốt, được đầu tư công phu, theo tôi là một kết quả khả quan. Điều này không chỉ khẳng định sự nỗ lực của Ban Tổ chức mà còn cho thấy sự quan tâm lớn và lòng nhiệt huyết của các bạn trẻ với lĩnh vực báo chí - truyền thông”. 

Nhận xét về chất lượng sản phẩm, tác phẩm dự thi năm nay, nhà báo Lê Thọ Bình - Chủ tịch Hội đồng chấm Giải cho biết: “Hầu hết tác phẩm dự thi đều có chất lượng cao cả về nội dung, cách thức thể hiện và sự sáng tạo, tìm tòi. Đề tài cũng hết sức đa dạng và có tính thời sự, cấp bách của cuộc sống hôm nay. Các tác phẩm thể hiện sự nhận thức cao về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước các sự kiện, vấn đề của cuộc sống. Phần lớn các tác phẩm được thể hiện dưới hình thức đa phương tiện - xu hướng truyền thông hiện đại của truyền thông đại chúng thế giới hiện nay”.

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Trưởng Ban tổ chức Giải cho nhóm tác giả đoạt giải.

Tổng giá trị Giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, với 1 Giải Đặc biệt trị giá 25 triệu đồng (bao gồm tiền và hiện vật); 3 Giải Nhất, mỗi giải 15 triệu đồng (tiền và hiện vật); 4 Giải Nhì, mỗi Giải trị giá 10 triệu đồng (tiền và hiện vật); 4 Giải Ba, mỗi giải 8 triệu đồng (tiền và hiện vật) và 4 Giải Ấn tượng, bao gồm: Giải Ý tưởng nội dung xuất sắc nhất, Giải Ý tưởng thiết kế ấn tượng nhất, Giải Tác phẩm, sản phẩm dự án báo chí - truyền thông truyền cảm hứng nhất, Giải Tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí - truyền thông tương tác tốt nhất; mỗi giải trị giá 7 triệu đồng (tiền và hiện vật). Riêng các thí sinh đoạt giải là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn được nhận giấy khen của Đoàn Thanh niên Học viện. Nhằm khích lệ, động viên thí sinh và lan tỏa tinh thần của Giải thưởng, 40 cá nhân, tập thể xuất sắc lọt vào vòng chung khảo được nhận học bổng khóa đào tạo với tổng trị giá 196 triệu đồng đến từ Nhà tài trợ vàng -  Truyền thông Trăng đen.

Trong khuôn khổ sự kiện này, Ban Tổ chức phát động Giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) 2021 - 2022. Cuộc thi tiếp tục là sân chơi lành mạnh, hứa hẹn thu hút đông đảo sự quan tâm của những người trẻ đam mê báo chí - truyền thông trên cả nước, là địa chỉ đỏ góp phần phát hiện và ươm mầm những tài năng báo chí - truyền thông trong xã hội. 

Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020 - 2021 là cuộc thi được tổ chức thường niên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với sự tham gia đồng tổ chức của các đơn vị: Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam, Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

*Tọa đàm: “Thắp sáng 2020 - 2021: Báo chí - Truyền thông trong kỷ nguyên số”

Trong khuôn khổ sự kiện Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông (Fire Up) 2020 - 2021, còn diễn ra tọa đàm “Thắp Sáng 2020 - 2021: Báo chí - Truyền thông trong kỷ nguyên số”. Sự kiện được tổ chức vào lúc 18h đến 20h30 ngày 25/11 tại trường quay ảo Nhà B1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và được phát sóng trực tuyến trên fanpage CLB Truyền thông Trẻ. 

Tọa đàm nhằm mục đích giới thiệu các tác phẩm đoạt giải cao tại Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020 - 2021; tiến hành phân tích các tác phẩm đoạt giải Hạng mục 4: Báo chí - Truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời truyền thông Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up); trao đổi thảo luận giữa các khách mời nhằm truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm, thắp lửa đam mê nghề nghiệp báo chí - truyền thông đến các bạn sinh viên. Ngoài ra, 64 sinh viên của Viện Báo chí còn được nhận 24 suất học bổng đến từ Ban dự án Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, 10 suất học bổng đến từ ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính và 30 suất học bổng đến từ một nhà báo giấu tên.

Tọa đàm có hai phiên: Phiên 1: Lửa nghề; Phiên 2: Thắp sáng tài năng báo chí - truyền thông. Tọa đàm gồm các khách mời: TS Trần Bá Dung- Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo VN; PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí; Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân; PGS.TS Trần Hải Minh - Phó Trưởng khoa Triết học; ca sĩ Tùng Linh - Nhóm Oplus; cùng các sinh viên: Nguyễn Bá Khải - Chủ nhiệm CLB Truyền thông Trẻ; Trần Đắc Quang - Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí- truyền thông CJC; Võ Hoài Nam - Bí thư Liên chi Đoàn khoa Triết học. Dẫn chương trình: Biên tập viên Bùi Thanh Liêm - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

BTC

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top