Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Lan tỏa những nét đẹp ngành giáo dục trên phạm vi cả nước

17:28 15/11/2023 - Văn hóa xã hội
Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023 nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Đến thời điểm này, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam đã tròn 5 năm tổ chức. Những tác giả tham dự Giải báo chí vì sự nghiệp Giáo dục là những người gắn bó sâu đậm, luôn dành niềm tin yêu với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Các tác phẩm dự thi luôn phản ánh sinh động những vấn đề đáng quan tâm của sự nghiệp giáo dục - đào tạo với những phát hiện, khám phá mới mẻ, tác động xã hội lớn lao; cả những vấn đề thời sự giáo dục, chính sách giáo dục; những gương tập thể, cá nhân dạy tốt, học tốt trên khắp mọi miền đất nước.

Lan tỏa những nét đẹp của ngành giáo dục

Chia sẻ kỷ niệm trong 5 năm ở vai trò giám khảo Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban thư ký - Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, đáng nhớ nhất có lẽ là khi thảo luận để tìm ra được tác phẩm xuất sắc nhất trao giải đặc biệt. Đây phải là tác phẩm bảo đảm chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, có sự sáng tạo, có sự dấn thân của người làm báo; phản ánh được vấn đề ngành giáo dục đặt ra, đóng góp được cho ngành trong quá trình phát triển và có hiệu quả lan tỏa.

Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022_nguồn: dangcongsan.vn

Các tác phẩm dự thi phản ánh bức tranh sinh động của toàn ngành giáo dục, cả những vấn đề đã và đang làm, cả những gì làm được và chưa làm được, cả thuận lợi, khó khăn, tích cực và hạn chế; những vấn đề thời sự giáo dục, chính sách giáo dục; những gương tập thể, cá nhân dạy tốt, học tốt trên khắp mọi miền đất nước. Không chỉ dừng lại ở phản ánh, nhiều tác phẩm báo chí kiến giải, đưa giải pháp cho những vấn đề quan trọng của ngành, giúp giáo dục ngày càng phát triển tốt hơn lên. Điều này cho thấy cho ra đời Giải là một quyết định đúng đắn.

“Mùa giải năm 2020 có nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng cuối cùng chúng tôi chọn tác phẩm về lễ khai giảng đặc biệt trên đỉnh Ngọc Linh. Chủ đề giản dị, chỉ là phản ánh nét độc đáo về lễ khai giảng ở một trường khó khăn tại Nam Trà My (Quảng Nam), nhưng tác phẩm thể hiện vô cùng xúc động về tình cảm thầy trò, trách nhiệm của người thầy.

Tác phẩm không quá cầu kỳ, nhưng tác động mạnh đến tình cảm, nhận thức của người đọc. Đó là dù khó khăn đến đâu, thầy cô vẫn không rời bỏ ngôi trường của mình và tìm nhiều cách để học trò cảm thấy mỗi ngày đi học là một ngày vui, đặc biệt là niềm vui trong lễ khai giảng.

Tôi cũng nhớ mãi về thầy Đặng Văn Cương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Chuyện thầy tự bỏ tiền ra lo cho học sinh nghèo, đặc biệt tình cảm, sự chăm lo của thầy với học sinh tý hon Đinh Văn K'Rể giống như một câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường”, ông Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

Mang tâm huyết, trách nhiệm gửi gắm vào mỗi tác phẩm báo chí về giáo dục

Theo nhà báo Khánh Chi, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là cơ hội để người làm báo đem đến những tác phẩm, những đề tài mà mình tâm đắc nhất trong lĩnh vực nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Giải đã ghi nhận nỗ lực của những người làm báo, vinh danh các tác phẩm được đầu tư công phu, đề tài có tính phát hiện. Mỗi một tác phẩm báo chí có sức lan tỏa và tác động xã hội, được công chúng đón nhận vốn dĩ đã là một “giải thưởng” đối với người làm báo.

Nhà báo Khánh Chi tâm sự: “Tôi từng có 11 năm gắn bó với nghề báo, trong đó có 6 năm phụ trách lĩnh vực giáo dục. Tôi đã có 2 lần vinh dự được nhận giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Đó thực sự là niềm hạnh phúc và tự hào, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ với những người làm báo nói chung, và phóng viên phụ trách lĩnh vực GD&ĐT nói riêng. Qua đó, nhiều nhà báo đã không ngừng nỗ lực để tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng đến với công chúng”.

Ảnh minh họa.

Còn theo nhà báo Thúy Hằng, Báo Thanh Niên, Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một giải thưởng uy tín, khích lệ những cây bút trong lĩnh vực giáo dục, phát hiện nhiều đề tài hay, mới trong lĩnh vực giáo dục, đồng hành cùng giáo viên, đóng góp những tiếng nói xây dựng ngành giáo dục phát triển hơn. Có thể thấy Giải báo chí này càng thể hiện tính chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của đông đảo các cây viết trên cả nước.

Thúy Hằng cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn Giải báo chí viết về giáo dục được duy trì thường niên, trở thành một thương hiệu riêng của ngành giáo dục. Đồng thời những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều tác phẩm truyền cảm hứng về hình ảnh người thầy, để những cống hiến của họ để xã hội hiểu và luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Qua đó ghi nhận, tôn vinh kịp thời, xứng đáng sự đóng góp của báo chí vào tuyên truyền chính sách, phản ánh hoạt động của ngành giáo dục, cũng như phản biện, góp ý để hoàn thiện chủ trương chính sách ở lĩnh vực giáo dục, tạo niềm tin của xã hội vào sự nghiệp giáo dục nước nhà”.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cơ cấu giải thưởng bao gồm: 1 giải Đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình); giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật).

Ban tổ chức Giải cho biết, mỗi giải thưởng sẽ bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”; chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền thưởng bằng tiền mặt: giải Đặc biệt: 60 triệu đồng; giải Nhất: 30 triệu đồng; giải Nhì: 15 triệu đồng/giải; giải Ba: 10 triệu đồng/giải; giải Khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá 10 triệu đồng.

Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 18/11.

PV

 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top