Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Làm báo phải đi đến tận cùng vấn đề

15:15 23/04/2018 - Góc nhìn
Tôi biết nhà báo Lê Văn Chương, phóng viên Báo Biên Phòng là cây phóng sự chuyên viết về ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa. Bỗng “đùng” một cái lại thấy anh quay sang làm công trình nghiên cứu khoa học và bảo rằng, đó là cơ hội để nói hết sự thật mà báo chí không thể chuyển tải.

Làm báo phải đi đến tận cùng vấn đề

Phóng viên Tạp chí Người Làm Báo có cuộc trò chuyện với anh.

PV: Duyên cớ nào từ “cây bút” phóng sự anh chuyển sang nghiên cứu khoa học và được Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông (FESS) của Học viện Ngoại giao trao giải xuất sắc vào ngày 19/3 vừa qua?

Nhà báo Lê Văn Chương: Chị nói “duyên cớ” là hoàn toàn đúng đấy. Tôi nhớ cách đây rất lâu, ông Đức Hiển làm Thư ký Báo Pháp luật TP. HCM (nay là Phó Tổng Biên tập) từ tòa soạn điện ra Quảng Ngãi hỏi hơi sốc: “vụ kia làm phóng sự nổi không, có viết được thể loại phóng sự không?”. Lúc đó tôi chỉ là cộng tác viên và nghe câu hỏi có vẻ hơi “khiêu khích” nên trả lời đại là “được”. Vậy là từ ngày đó trở đi viết được phóng sự 1.500 từ.

Còn cách đây 1 năm, tôi gửi phim “Mưu sinh ở Macclesfield” cho Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông. Ở phần thảo luận, tôi thấy rất hấp dẫn, khi nghe thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng giám khảo “phán” một câu rất chát: “tàu nào thì nói tàu đó, không có tàu lạ, tàu quen ở đây, làm khoa học khác với làm báo”. Câu nói đó làm tôi nhớ ra là mình có cả kho tư liệu thực tế về biển thuộc loại “khó nói”, hoặc chỉ nói lấp lửng. Vậy là về lật lại và viết thành báo cáo khoa học “Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Điều gì khó nói thì cứ chuyển tải vào trong báo cáo, nên cảm giác rất nhẹ gánh sau khi làm.

PV: “Chuyện khó nói” được đưa vào báo cáo khoa học này là gì, anh có thể chia sẻ vài ý chính?

Nhà báo Lê Văn Chương: Đó là trong quá khứ, từ khoảng năm 1969 trở đi, ngư dân Việt Nam có quan hệ đặc biệt tốt với ngư dân Trung Quốc. Có lúc trên bờ sóng gió thì ngoài biển vẫn lặng yên. Thế mới lạ! Vì cuộc sống trên biển không dựa vào nhau thì chỉ có chết. Thông qua báo cáo khoa học này, tôi đề xuất với Nhà nước những giải pháp, theo tôi là cấp bách để ngư dân Việt Nam tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ với ngư dân Philippines. Vì trên biển, sự nương tựa vào nhau mang tính sống còn. Và có thể nói, nếu thiếu sự ủng hộ của ngư dân Philippines thì hàng trăm ngàn ngư dân Việt Nam sẽ vất vả.

PV: Có nghĩa là anh có cơ hội nói hết sự thật, lý giải mọi vấn đề trên cơ sở khoa học và dung lượng thì cũng không hạn chế?

Nhà báo Lê Văn Chương: Chị nói đúng. Sướng nhất là dung lượng nói thoải mái, chả phải phóng sự, ký sự 900 hay 1.500 từ gì cả. Tôi tạm gọi là siêu phóng sự, vì tới gần 40.000 từ, 115 trang. Trong quá khứ, ngư dân Trung Quốc đối xử rất tốt với ngư dân Việt Nam ra sao, rồi những vụ bắt, bị thương ngư dân trên biển như thế nào, ngư dân Philippines đã ứng xử ra sao với ngư dân Việt Nam...

Các bạn trẻ được trao giải nghiên cứu khoa học về biển Đông năm 2017 (nhà báo Lê Văn Chương mặc áo lính bên phải). Ảnh: TL

PV: Theo một số nguồn tin, để thực hiện đề tài này, anh phải đặt mối quan hệ trên những con tàu gắn với sự phát triển của từng thời kỳ và phạm vi đánh bắt của ngư dân?

Nhà báo Lê Văn Chương: Vâng, nếu muốn đánh giá mối quan hệ của ngư dân, tôi phải chia ra làm nhiều thời kỳ, từ năm 1952, giai đoạn 1965 đến 1969 và đến nay. Nói chung là phải xác định được vào những giai đoạn đó thì trang bị tàu thuyền ra sao, máy móc như thế nào, đánh bắt loại cá gì, ngư lưới cụ bằng vỏ cây hay bằng lưới cước. Bên cạnh đó, từ năm nào thì bà con đi được 100 hải lý, năm nào chỉ đi đánh bắt dọc bờ, năm nào ra tới Hoàng Sa, Maclecfield, Scarborough. Nói chung, tách những số liệu khô khan và thêm chút phần hồn vào thì vẫn có thể thấy được hơi thở của những phóng sự, ghi chép về cuộc sống của người dân chài trong quá khứ.

PV: Phương pháp thực hiện đề tài khoa học này được anh tiến hành bằng cách đi thực tế, chắc quá trình thực hiện cũng khá gian nan?

Nhà báo Lê Văn Chương: Không thể ngồi trong bờ nghe ngư dân kể lại mà phải đi cùng. Trước khi vào nghề báo, tôi được đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự của trường nghiệp vụ biên phòng nên rất nặng cụm từ “truy nguyên”, có nghĩa là phải đi đến tận cùng vấn đề, nếu có điều kiện thì phải đến tận nơi. Làm phóng sự chỉ chụp vài tấm ảnh trong màn hình định vị thôi, còn làm khoa học thì trong quá trình đi chung trên tàu của ngư dân ra giữa biển khơi thì phải chụp liên tục để ghi nhận kinh độ, tọa độ, độ sâu, thời gian... Thứ 2 là ghi chép trích dẫn thì phải nói cụ thể trang mấy; các cuộc phỏng vấn ngư dân phải ghi cụ thể ngày, giờ. Phỏng vấn không chỉ vài người mà là nhiều người rồi rút ra kết luận.

PV: Trân trọng cảm ơn!

Ngọc Bích (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top