Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Là nhà báo thì hãy viết đi

Nghề báo được coi là nghề hấp dẫn, vinh quang, có tác động tích cực đến đời sống từng cá nhân đến xã hội, là nghề “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” như nhà thơ Sóng Hồng ( Trường Chinh ) đã nói, hoặc là công cụ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như cụ đồ Chiểu đã viết.

Vì thế đào tạo nhà báo để làm được những nhiệm vụ trên là một sự nghiệp rất khó khăn. Nghề báo lâu nay vẫn được coi là nghề “vô sư vô sách” chẳng bao nhiêu sách cho đủ, chẳng thầy nào dạy cho hết, dù là “nhất tự vi sư bán tự vi sư” nhưng những gì thầy giảng vẫn là hạt mưa trên cát so với biển cả mênh mông của kiến thức và thực tiễn trong đời sống báo chí.
Đó đây, vẫn có những người không học viết báo vẫn viết rất tốt rất hay, có những người không học báo chí vẫn làm tổng biên tập ngon lành, thậm chí không học báo chí vẫn quản lý báo chí được…Bởi một điều nghề báo là nghề của nhiều nghề. Trong nghề báo đã có nhiều nghề khác và ngược lại, trong một số nghề cũng có tố chất của nghề báo, như công việc viết lách hoặc thông tin truyền thông, quản lý tư tưởng và văn hoá. Chuyển đổi từ các lĩnh vực khác sang nghề báo không khó khăn lắm, nhưng thực thi nó thế nào mới là quan trọng.
 
Nhưng cho dù như thế, đa số vẫn cho rằng có đào tạo bài bản vẫn tốt hơn là mày mò và tự thân phát triển. Trong một lớp học nghiệp vụ của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phối hợp với đại học báo chí Lille của Pháp mới đây, một nhà báo lâu năm đã phát biểu : “học xong mới giật mình, lâu nay mình tưởng mình biết, hóa ra còn thiếu rất nhiều kiến thức, thật là gan cùng mình”.
 
Các sinh viên báo chí cũng vậy. Nhiều sinh viên vào ngành báo chí rồi mới biết mình chưa hiểu gì về ngành báo chí. lại càng không thể theo được ngành báo chí vì chỉ quan tâm đến tấm bằng đại học mà không quan tâm đến khả năng theo nghề của mình.
 
Ngành báo chí đứng trước một khó khăn và thử thách không nhỏ : Đào tạo báo chí là đào tạo cử nhân hay dạy nghề ? Các cô cậu cử nhân bước vào các cơ quan báo chí với tấm bằng đại học và lưng vốn tiếng Anh, vi tính khá hơn hẳn nhiều phóng viên lâu năm. Nhưng khi tung ra cọ xát với nghề thì : “em vẫn còn bé lắm mấy anh ơi?” Đó là vì thiếu hẳn phần nghề. Hiện nay 99% sinh viên báo chí khi được hỏi đều trả lời là “ chúng em cần được học nghề nhiều hơn ( và sớm hơn ) là lý thuyết”. 2/3 giảng viên khoa báo chí truyền thông của ĐH KHXH và NV TP HCM cũng mới rời khỏi cái ghế sinh viên mấy năm đi học thạc sĩ rồi bước vào giảng dạy nên họ cũng hiểu sự mất cân bằng này. Nhưng đợi chuyển đổi cái tỷ lệ giữa thực tiễn chuyên ngành và lý thuyết thì còn phải chờ đợi quyết định của cấp cao hơn. Vì đào tạo cử nhân nên phải có kiến thức nền bắt buộc của đại học. Còn muốn dạy nhiều về nghề, có nhiều thực tiễn thì phải có quỹ thời gian, tiền bạc, có sự phối hợp với giảng viên là các nhà báo và các tòa soạn, có điều kiện để đi thực tế để kiến tập và thực tập nhiều hơn. Thật ra vấn đề còn ở sự chủ động và linh hoạt của khoa báo chí truyền thông cũng như giảng viên và sinh viên. Nếu tích cực hơn chủ động hơn, họ cũng sẽ tạo ra được sự thay đổi cần thiết để được học nghề nhiều hơn. Trên một tờ báo mới đây liệt kê 10 đơn vị báo chí luôn sẵn sàng và tích cực nhận sinh viên thực tập ở TP HCM. Thậm chí không cần đến lịch trình kế hoạch họ vẫn nhận sinh viên thực tập. Thử làm một phép tính đơn giản : 100 sinh viên một lớp báo chí chia cho 10 đơn vị báo chí không phải là thiếu chỗ thực tập, đó là chưa kể khá nhiều sinh viên về báo tỉnh thực tậhop. Trên thực tế, nhiều sinh viên học ba năm rồi vẫn chưa hề biết địa chỉ một toà soạn nào, chưa quen một nhà báo nào, và cũng chưa viết một mẩu tin nào, thậm chí có sinh viên còn thú nhận rất ít khi đọc báo, chỉ thích đọc …Đoremon. Theo tôi, nếu khoa báo chí và sinh viên tích cực và chủ động hơn trong việc liên kết với các đơn vị báo chí thì việc tăng cường cọ xát với nghề sẽ dễ dàng hơn. Như một ai đó đã nói : Là nhà báo thì hãy viết đi !
 
Là một giảng viên thỉnh giảng môn phóng sự của khoa báo chí truyền thông ĐHKHXH và NV TP HCM, tôi thường có giờ dạy sinh viên vào năm thứ 3 mỗi khoá. Và câu đầu tiên tôi thường nghe sinh viên yêu cầu là phải thêm nhiều cọ xát thực tiễn, thêm nhiều giờ thực tiễn nữa. Ở các lớp đại học tại chức và văn bằng 2 thì yêu cầu có thêm các buổi đi thực tập và giao lưu với các nhà báo. Rõ ràng cơn khát được tiếp cận thực tiễn là rất gay gắt. Muốn đào tạo ra những nhà báo đầy tinh thần lăn xả , đầy tinh thần cống hiến, tránh được lối làm báo công chức là phải bắt đầu ngay từ những chương trình giảng dạy ở nhà trường. Điều đó khó và không khó. Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói : Làm báo phải tốt nghiệp ba trường , trường chuyên ngành, trường báo chí và trường học cuộc đời. Trường học thứ ba này thật sự không ai có thể đào tạo nổi, mà phải chính các sinh viên và nhà báo trẻ rèn luyện cho mình. Khó là chỗ đó, nhà trường chỉ có thể đào tạo ra một nhà báo trung bình khá, còn phần “ vượt lên chính mình “ thì chủ yếu do chính các nhà báo “tự thân vận động” và quá trình tác nghiệp nhào nặn mà thành. Còn dễ là ở chỗ, để thành một nhà báo đôi khi không hẳn phải học cho thật nhiều và có khi học một nghề khác cũng có thể thành nhà báo. Chỉ có điều không phải ai biết bắn súng cũng trở thành xạ thủ . Đào tạo báo chí là quá trình tác động toàn diện vào kiến thức cá nhân người sẽ làm nghề báo, song đó còn là nghề dạy nghề, như là quá trình “ thước dạy thầy , cây dạy thợ” ở ngành may và ngành mộc vậy.
 
 

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn: vja.org.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top