Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Kinh nghiệm quản lý báo chí điện tử và thông tin trên Internet của một số nước

Nhận thức được vai trò và ảnh hưởng to lớn của báo chí, báo chí điện tử, nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những quy định cụ thể để quản lý thông tin trên báo chí, báo chí điện tử và Internet, thông qua các đạo luật, Hiệp hội báo chí và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Cách thức tiến hành quản lý tuy có khác nhau, nhưng bản chất hoạt động báo chí vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quản lý báo chí, báo chí điện tử của Trung Quốc

Trung Quốc được coi là một trong những nước có kinh nghiệm trong quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, thông tin trên Internet. Trước năm 1998, Trung Quốc quản lý báo chí và hoạt động báo chí theo cơ chế tập trung, có kế hoạch. Từ năm 1998 - 2003, Trung Quốc tiến hành 3 đợt chỉnh đốn và cải cách báo chí (1998-2000-2003), theo hướng cải cách thể chế và cơ chế quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường XHCN đặc sắc Trung Quốc. Báo chí hoạt động theo sự chỉ đạo của Đảng thông qua Bộ Tuyên truyền và sự quản lý của Quốc Vụ Viện. Bộ Truyên truyền thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo báo chí bằng đường lối, công tác cán bộ, chỉ đạo trực tiếp các sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Đơn vị trực tiếp giúp Bộ Tuyên truyền và Quốc Vụ Viện là Tổng Nha Báo chí - xuất bản. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm soát nội dung các sản phẩm truyền thông. Quy định của Trung Quốc cấm đưa những thông tin phức tạp, nhạy cảm có ảnh hưởng xấu đến Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Tính đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có Luật Báo chí. Báo chí và xuất bản được quản lý bằng các điều lệ, thông tư, nghị định... từ trung ương đến cơ sở. Ở mỗi cấp quản lý, cơ quan quản lý căn cứ quy định chung của trung ương (chủ yếu là căn cứ vào các quy định trong Điều lệ quản lý báo chí - xuất bản do Quốc Vụ viện ban hành) và tình hình thực tế tại địa phương hay đơn vị để đưa ra các quy định cụ thể về quản lý báo chí - xuất bản. Tháng 3/2011, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Điều lệ sửa đổi về quản lý xuất bản. Trên cơ sở đó, các địa phương, ban ngành hoặc cơ quan quản lý báo chí - xuất bản các cấp ban hành thông tư, quy định chi tiết về quản lý báo chí - xuất bản ở cấp mình, ví dụ như: Thông tư “Tăng cường công tác quản lý về tuyên truyền quảng cáo trên báo chí” của thành phố Hàng Châu (Triết Giang); Thông tư về “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng” của thành phố Nam Kinh (Tô Châu)...

Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống quy định về quản lý báo chí, xuất bản các cấp ở Trung Quốc là phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Hiến pháp và các điều lệ, kế hoạch, quy hoạch của cấp trên. Với phương thức quản lý như vậy, báo chí Trung Quốc tuy phát triển mạnh mẽ nhưng rất nhất quán về phương thức cũng như nội dung và hình thức tuyên truyền. Tuy chưa hoàn chỉnh pháp luật về báo chí, nhưng rõ ràng Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước này rất quan tâm đến vấn đề quản lý báo chí.

Báo mạng điện tử Trung Quốc bắt đầu xuất hiện và phát triển từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Báo mạng điện tử được coi là loại hình chủ đạo của hình thái thông tin tuyên truyền mới, nó làm thay đổi cơ bản quan niệm và phương thức tuyên truyền truyền thống. Trung Quốc quản lý thông tin trên mạng bằng Luật Internet. Theo đó, Luật quy định những trang báo, tạp chí, trang thông tin điện tử... có nội dung phù hợp với tư tưởng, quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước Trung Quốc được phép xuất bản trên mạng Internet. Đồng thời cấm lưu hành các trang tin, bài báo, bản tin... có nội dung đi ngược lại với quan điểm, tư tưởng của Đảng, Chính phủ và sự quan tâm của độc giả. Nội dung cơ bản của Luật này nhằm khống chế các thông tin độc hại có ảnh không tốt đến tư tưởng, chính trị, an ninh và văn hóa Trung Quốc.

Ngoài việc quản lý nội dung thông tin trên Internet bằng Luật, Trung Quốc còn có các biện pháp ngoài luật như xây dựng bức tường lửa “Great Wall Firewall”, giới công nghệ các nước phương tây gọi nó là “Vạn Lý Trường thành trên mạng”. Bức tường lửa này được tạo dựng bởi những bức tường lửa chuẩn trên các proxy server (máy chủ), những bức tường này ngăn việc truy cập tới các nội dung bằng cách chặn vào địa chỉ IP Route được chỉ định. Với hệ thống này, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm và ngăn chặn các nguồn tin mà họ nghĩ rằng sẽ gieo rắc những tư tưởng không tốt cho người dân và gây ra những bất lợi cho Chính phủ.
Bên cạnh việc sử dụng Great Wall Firewall, Trung Quốc còn phát triển một dự án với tên gọi “Lá chắn”, hay Golden Shield. Dự án này là một phần của Great Wall Firewall. Golden Shield, đã được hoàn thành vào năm 2005. Khác với công việc chính của Great Wall Firewall là ngăn chặn, Golden Shield tập trung vào việc giám sát và kiểm duyệt người dùng. Hệ thống này được vận hành bởi Cục An ninh công cộng (PSB) và lực lượng cảnh sát Trung Quốc. Khi những nội dung, thông tin nhạy cảm được gửi qua mail hoặc đăng tải trên Internet bị phát hiện bởi Golden Shield, một vài lực lượng đặc biệt có thể được cử đến, nếu nghiêm trọng thì bị bắt giữ ngay để điều tra. Có thể nói rằng, với sự xuất hiện của Great Wall Firewall và Golden Shield Chính phủ Trung Quốc đang có trong tay một công cụ đắc lực để vận hành Internet và báo chí điện tử.

Gần đây, để ngăn chặn sự chống phá trên mạng của một số nước phương Tây và lực lượng thù địch, đặc biệt là ngăn chặn sự tác động vào ý thức thế hệ trẻ những tư tưởng mà Chính phủ Trung Quốc cho là không có lợi, Trung Quốc đưa ra “7 vạch đỏ” yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện: (1) Đưa vào pháp luật để quản lý Internet; (2) Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân; (3) Kiên định thực hiện xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc; (4) Chống tin giả tạo; (5) Bảo vệ lợi ích của đảng và nhà nước; (6) Bảo đảm an ninh trật tự xã hội; (7) Xây dựng đạo đức xã hội, lối sống văn hóa, truyền thống lịch sử. Đồng thời Trung Quốc đưa ra cách quản lý mới về Internet: “Phát triển, vận dụng, quản lý”. Để thực hiện “6 chữ” này phải có ý thức về “vạch đỏ” nhằm kiểm soát và quản lý bảo đảm tự do đầy đủ hơn về pháp luật. Trong đó quản lý công nghệ thông tin có 4 yêu cầu: (1) Máy chủ đặt trong nước; (2) Quản lý người dùng; (3) Tăng cường quản lý các phần mềm, người sử dụng phải đăng ký tên thật mới được sử dụng; (4) Quản lý Internet như dùng “hai tay” trong đó một tay phản bác các tin đồn làm tổn hại lợi ích chung, còn một tay tích cực phát triển, mạnh với phương châm lấy “xây” để “chống”.

Trung Quốc quản lý báo chí theo cơ chế “ cơ quan chủ quản đồng thời là cơ quan xuất bản” mang đặc sắc Trung Quốc. Hạt nhân của chế độ quản lý này là tăng cường sự quản lý của cơ quan chủ quản đối với báo chí, chịu trách nhiệm trực tiếp về định hướng nội dung và chất lượng thông tin trên báo chí.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia phát triển rất mạnh về Internet và được đánh giá có mức độ tự do báo chí cao, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, báo chí của Hàn Quốc vẫn chịu sự kiểm duyệt gắt gao của Chính phủ. Hầu hết những nội dung được kiểm duyệt đều liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Thậm chí còn có rất nhiều điều luật được sửa đổi chính thức để thắt chặt những quy định này. Điều 5 và 7, Luật An ninh Quốc gia cấm lưu trữ, tái xuất bản các ấn phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia. Điều 47, Luật Truyền thông Điện tử quy định việc sản xuất và lưu hành các bài báo sai sự thật là phạm pháp và có thể bị xử phạt 4 năm tù trở lên. Điều 44-47, cấm việc lưu hành trên mạng các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và gây tổn hại đến người dân, kể cả khi những thông tin này là chính xác.

Ngoài hai nước kể trên, ở một số nước, nhiều bộ trong Chính phủ (nội vụ, ngoại giao, quốc phòng, thông tin...) đều tiến hành công việc kiểm soát đối với báo chí. Ví dụ, Quốc hội Mỹ có tiểu ban về thông tin của Hạ viện để phân tích và kiểm tra các thông tin trên báo chí trong thời gian có các cuộc khủng hoảng. Ủy ban liên bang về thông tin của Mỹ có chức năng không chỉ thuần túy điều phối về kỹ thuật. Nó được quyền 3 năm một lần cấp giấy phép hoạt động cho các đài phát thanh và truyền hình dựa trên những đánh giá về hoạt động của các đài này.

Ở một số nước cơ quan bưu điện được quyền quyết định không phổ biến những báo chí nào bị liệt vào loại "có tính bạo động, kích động". Năm 1918, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm phổ biến bất kỳ loại ấn phẩm nào phê phán hình thức lãnh đạo của nước Mỹ. Ở Anh, Bộ trưởng Bộ Bưu điện "có quyền cấm phát hành bất kỳ tài liệu nào và bất kỳ lúc nào cũng có thể thu hồi giấy phép hoạt động của BBC hay IBA". Năm 1958, Chính phủ Pháp ra sắc lệnh về việc các cơ quan bưu điện không được quyền gửi đi những số báo không có lợi cho Chính phủ.

Tóm lại, hoạt động quản lý nhà nước đối với báo chí, báo chí điện tử bằng pháp luật là hoạt động phổ biến trên thế giới. Ở bất kỳ một quốc gia nào, dù thể chế chính trị có khác nhau, nhưng đều phải có những biện pháp, quy định khác nhau để quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực báo chí, báo chí điện tử. Tất nhiên, tùy theo điều kiện, khả năng và hoàn cảnh về kinh tế, chính trị và xã hội của mỗi nước./.

ThS. Doãn Thị Thuận (Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương)

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.