Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khánh thành Khu Văn phòng và Khai trương Phòng thử nghiệm Quatest 3

Ngày 18/10/2016 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường 3 (QUATEST 3 - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) – Bộ KH&CN) đã làm Lễ khánh thành Khu Văn phòng của Trung tâm Kỹ thuật 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

 Lễ ký kết Thỏa thuận liên kết trong chứng nhận sản phẩm xuất khẩu giữa Trung tâm Kỹ thuật 3 và UL.

Lễ Khai trương Phòng thử nghiệm hàng tiêu dùng của tổ chức Underwriters Laboratory – US UL của Hoa Kỳ đặt tại Trung tâm Kỹ thuật 3; Lễ ký kết Thỏa thuận liên kết trong chứng nhận sản phẩm xuất khẩu giữa Trung tâm Kỹ thuật 3 và UL.

Đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và là mô hình hợp tác kiểu mẫu, cần nhận rộng, phát triển trên cả nước nói chung.

Lễ khai trương và ký kết hợp tác có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh; Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh; ông Đỗ tiến Lộc, Chủ tịch VCCI; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện ban ngành, các nhà khoa học và các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công trình “Khu Văn phòng và các phòng thí nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật 3” tại Khu Công nghiệp Cát Lái, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở để giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung tâm với các điều kiện tương đương với các khu thí nghiệm hiện đại của khu vực và quốc tế. Hiện nay công trình đã cơ bản hoàn thiện và đủ điều kiện để đưa vào khai thác phục vụ các yêu cầu phát triển.

Cắt băng khánh thành Khu Văn phòng của Trung tâm Kỹ thuật 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Bên cạnh đó Khẳng định sự hợp tác hiệu quả trong vấn đề tiêu chuẩn đo lường chất lượng (cụ thể là đánh giá sự phù hợp) giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua kết quả hợp tác tổ chức, doanh nghiệp hai nước (như hợp tác của Trung tâm Kỹ thuật 3 và UL).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, chúng ta đang sống trong thời kỳ phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu KH&CN của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - ở đó, cấu trúc giá trị của sản phẩm, dịch vụ ngày càng tăng cao về hàm lượng tri thức, về chất lượng và về sự phù hợp với những chuẩn mực chung có tính toàn cầu.

Việt Nam đã và đang ký kết, đàm phán để ký kết một số hiệp định tự do thương mại như TPP, FTA, … với việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng. Đặt trong bối cảnh hiện tại, tiêu chuẩn đo lường chất lượng là một mặt trận hàng đầu tham gia vào chuỗi sản xuất, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhận thức sâu sắc vấn đề nêu trên, Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN đã và đang nỗ lực hoàn thiện, thường xuyên điều chỉnh cập nhật hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng để phục vụ kịp thời các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thúc đẩy nâng cao năng suất, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa như Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, …; tăng cường xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của danh nghiệp - đối tượng trung tâm của nền kinh tế.

Đặc biệt, việc ký kết hợp tác PTN đồ gỗ với tổ chức UL của Hoa Kỳ sẽ mở đầu cho hoạt động hợp tác nghiên cứu của tổ hợp văn phòng và các PTN mới của QUATEST 3, góp phần nâng cao năng lực kiểm định và đánh giá các sản phẩm đồ gỗ, đáp ứng các quy định về đặc tính kỹ thuật và an toàn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế phục vụ hàng hóa xuất khẩu cho các thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản,...

Phòng thử nghiệm liên kết QUATEST 3 – UL cho sản phẩm Đồ gỗ và Môi trường, gọi tắt là “Phòng thử nghiệm Đồ gỗ và Môi trường” (GREENGUARD) dự kiến khai trương vào đầu năm 2017 sẽ do QUATEST 3 đầu tư xây dựng (các trang thiết bị thử nghiệm do UL cung cấp) quản lý và điều hành độc lập. PTN duy trì hệ thống bảo đảm chất lượng và các nguyên tắc hoạt động thử nghiệm theo đúng các chuẩn mực tương tự như các phòng thử nghiệm của UL trên thế giới.

Phòng thử nghiệm sẽ thực hiện thử nghiệm đối với các yêu cầu thuộc hoạt động chứng nhận của UL và QUATEST 3. Chi phí thử nghiệm do phòng thử nghiệm của QUATEST 3 thực hiện sẽ bằng 50 % của chi phí thử nghiệm hiện hành của UL do các phòng thử nghiệm khác của UL trên toàn cầu thực hiện (rất cao so với giá dịch vụ này nếu do các tổ chức của Việt Nam thực hiện).

Với mức phí này, UL sẽ có điều kiện để giảm chi phí chứng nhận với chất lượng thử nghiệm không thay đổi. Khách hàng của UL (đặc biệt là các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam) sẽ được hưởng lợi của việc giảm chi phí thực hiện chứng nhận của UL, tăng cường khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất của Việt Nam và khu vực là rất lớn. Từ cuối những năm 90, ngành công nghiệp sản xuất này đã có những bước chuyển mình hướng đến xuất khẩu và đã có sự tăng trưởng ấn tượng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện nay xuất khẩu các sản phẩm gỗ và nhất là đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 6,9 tỷ USD (năm 2015), đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nội thất các loại (chỉ sau Trung Quốc, Ý, Đức theo International Trade Center – ITC và UN COMTRADE), đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu của VN, dự đoán sẽ đạt 7,2 – 7,3 tỷ USD năm 2016 và sẽ duy trì mức tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, khu vực các nước ASEAN và châu Á cũng là khu vực có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất và văn phòng hàng đầu thế giới. Về thị trường nhập khẩu thì Mỹ là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ nội thất hàng đầu thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu  chính của Việt Nam (chiếm 38,2%), tiếp theo là Nhật Bản, Châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Úc...

Ông Hoàng Lâm, giám đốc QUATEST3 khẳng định, việc tham gia vào thỏa thuận hợp tác với UL sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thử nghiệm chuyên môn, cho phép họ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Sự liên kết này sẽ góp phần nâng cấp mối quan hệ và sự hợp tác cùng phát triển không chỉ với QUATEST 3 mà còn với các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần tăng cường vai trò, vị thế và uy tín của Tổng cục TĐC, Bộ KH&CN và của KH&CN Việt Nam nói chung và cho thương hiệu của Trung tâm Kỹ thuật 3 nói riêng.

Bên cạnh đó việc triển khai phòng thí nghiệm này với năng lực đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực và hoàn toàn tương đương với các PTN của UL trên thế giới tại cùng địa điểm với các phòng thí nghiệm khác của TTKT 3 cũng mở ra một phương thức hợp tác có lợi cho cả hai bên.

Đóng góp trực tiếp có hiệu quả để hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, định hướng và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đây cũng là một chỉ số quan trọng về đóng góp của ngành KH&CN công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới,  ông Lâm cho biết thêm.

Lãnh đạo bộ KH&CN cũng đại diện tổ chức Underwriters Laboratory – US UL của Hoa Kỳ thăm khu Phòng thử nghiệm

Liên Cơ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top