Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khai mạc Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ hai. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả bước đầu việc tổ chức kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai sắp tới của QH khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Các ủy viên TVQH sẽ cho ý kiến về hai dự án luật chuẩn bị trình ra QH tại kỳ họp thứ hai; cho ý kiến về hai Tờ trình của Chính phủ liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 và việc sử dụng vốn, trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường và di dân tái định cư.

Ủy ban TVQH cũng sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban TVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình QH quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách T.Ư và phê chuẩn quyết toán NSNN (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban TVQH nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án này. Theo đó, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ.

Sau 10 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ còn ở dạng pháp lệnh cho nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay. Xây dựng Luật Cảnh vệ để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo đảm cho hoạt động giữ gìn ANTT của lực lượng Cảnh vệ được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án luật cần được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua, bảo đảm pháp luật cảnh vệ có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đề nghị bổ sung nội dung quy định về hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ; việc giám sát đối với hoạt động của lực lượng cảnh vệ; bổ sung nội dung quy định cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam và cảnh vệ Việt Nam ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ...

Đề cập việc sử dụng vũ khí được nêu trong dự thảo luật, một số đại biểu cho rằng, luật cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh lạm dụng.

 

Dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại pháp lệnh hiện hành.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH đã thảo luận về dự thảo Luật Công an xã. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật giao cho công an xã nhiều quyền hạn tương tự lực lượng công an chính quy. Tuy nhiên, công an xã là công chức cấp xã và những thành phần không chuyên trách tại xã, phần lớn chưa được đào tạo nghiệp vụ chính quy. Do đó, nếu giao quyền hạn tương tự lực lượng chính quy sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, vi phạm pháp luật khi làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, một số quy định về chế độ, chính sách đối với công an xã chưa thống nhất với các luật liên quan. Chung quanh nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, theo ý kiến một số đại biểu, đối với những nhiệm vụ mang tính chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ công an sẽ do lực lượng chính quy đảm nhiệm. Công an xã có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chính quy trong việc thực hiện những nhiệm vụ này tại cơ sở.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc kế thừa pháp lệnh, tiếp tục quy định công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách như trong dự thảo là phù hợp, vì quy định này không làm tăng biên chế của công chức cơ sở...

Phát biểu kết thúc phiên làm việc, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan thẩm tra dự thảo luật trước khi trình QH xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai sắp tới./.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.