Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Ðiều chỉnh thu hút FDI phù hợp thực tiễn

15:08 16/08/2021 - Kinh tế
Lần đầu lọt Tốp 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới nhưng dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Yêu cầu mới đặt ra là cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp thực tiễn trong thời gian tới.

Sản xuất động cơ điện tại Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia, Khu công nghiệp Amata (Ðồng Nai). Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Chưa thể đón "đại bàng"

Số liệu thống kê về tình hình thu hút FDI bảy tháng năm 2021 của Cục Ðầu tư nước ngoài (ÐTNN - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) có nhiều điểm đáng chú ý. Ðó là sự suy giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam đang trở nên rõ nét hơn. Cụ thể, trong bảy tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ÐTNN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà ÐTNN giảm mạnh 55,8%, vốn điều chỉnh giảm 3,7%, chỉ có vốn đầu tư đăng ký mới tăng 7%. Ðáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng về vốn thực hiện của các dự án FDI đã chậm lại kể từ tháng 7, chỉ tăng 3,8% so mức tăng 6,8% của sáu tháng đầu năm. "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước dẫn đến một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 7 giảm", đại diện Cục ÐTNN lý giải về nguyên nhân của sự thay đổi này.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh suy giảm của dòng vốn FDI toàn cầu thì thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn khả quan. TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích: Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nguồn vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35%. Dự báo năm 2021, FDI toàn cầu sẽ hồi phục 10-12% nhưng vẫn thấp hơn khoảng 25% so năm 2019. Tại Việt Nam, năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so cùng kỳ nhưng vốn thực hiện chỉ giảm nhẹ 2%. Kết quả này là đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và so sánh với sự sụt giảm mạnh của dòng vốn FDI toàn cầu. Năm 2021, khả năng thu hút FDI của Việt Nam được dự báo tương đương năm 2020 (khoảng 28 đến 30 tỷ USD).

Trong hai năm qua, khái niệm "làm tổ đón đại bàng" được nhắc đến với kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI với chất lượng ngày càng cao. Trong thực tế, Việt Nam đã thu hút được một số dự án lớn như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (của nhà đầu tư Singapore), vốn đăng ký 4 tỷ USD; dự án Tổ hợp hóa dầu miền nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD; dự án Khu trung tâm đô thị tây hồ Tây tại Hà Nội của nhà đầu tư Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần 0,8 tỷ USD… Như vậy, có thể thấy nhà ÐTNN đang ngày càng quan tâm đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo,… nhưng chưa đạt kỳ vọng về thu hút vốn FDI trong bối cảnh có dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu với xúc tác từ đại dịch Covid-19. Theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, mức cam kết thấp hơn của dòng vốn FDI vào Việt Nam gần đây có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà ÐTNN do tình hình bùng phát dịch hiện nay.

Ðiều chỉnh giải pháp phù hợp

Các báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khi nhắc đến hoạt động thu hút FDI đã lưu ý đến tín hiệu giảm mạnh của dòng vốn ngoại khi giảm mạnh về số dự án đăng ký, tiến độ triển khai các giải pháp đề ra còn chậm, chưa đạt hiệu ứng như mong đợi. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng không loại trừ khả năng tín hiệu về sự hấp dẫn các nhà ÐTNN đối với môi trường đầu tư Việt Nam đã giảm sút và một trong những nguyên nhân của tình trạng này là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ chưa hiệu quả trong ngắn hạn. Từ thực tế này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng, cần nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp tình hình mới. Các giải pháp được đề xuất gồm: Tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực cần tập trung thu hút vốn đầu tư. Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình để có biện pháp kịp thời, phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Thay đổi cách xúc tiến đầu tư mới...

TS Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2019, vốn đăng ký FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 65%, từ Hồng Công (Trung Quốc) tăng 143% so năm 2018 nhưng đà tăng này đã giảm mạnh từ đầu năm 2020 đến nay. Cụ thể, năm 2020, vốn đăng ký FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam giảm 39%, sáu tháng đầu năm 2021 giảm 20%; vốn FDI đăng ký từ Hồng Công giảm 65% nhưng sáu tháng đầu năm 2021 tăng trở lại gần 25%, chủ yếu là so với mức nền rất thấp của cùng kỳ năm 2020. Số liệu này cho thấy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực Ðông Nam Á đã ảnh hưởng lớn đến sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo TS Cấn Văn Lực, dòng vốn FDI sụt giảm là xu thế chung của thế giới do tác động của đại dịch trong gần hai năm qua. Nhưng rõ ràng việc đón nhận dịch chuyển dòng vốn FDI chưa được như mong muốn và chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong ngắn hạn, cần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, đạt được miễn dịch cộng đồng chậm nhất trong quý I hoặc quý II/2022. Ðây là điều kiện tiên quyết để duy trì, phát huy tính hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà ÐTNN. Ðồng thời, sớm sơ kết đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ÐTNN và có cập nhật, điều chỉnh, cụ thể hóa chính sách, giải pháp phù hợp.

Theo nhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top