Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội thảo 'Pháp luật về các tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam'

Ngày 15/01/2016, tại thành phố Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (trực tiếp là Viện Nhà nước và Pháp luật) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức hội thảo "Pháp luật về các tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam".

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: HUL.EDU.VN


PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và PGS,TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có PGS,TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế, các nhà khoa học tại Huế, đại diện UNNP tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác, đại diện các tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí thướng trú tại Huế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe một số báo cáo về Pháp luật về tổ chức xã hội của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, cũng như cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều khẳng định: Quyền lập hội không chỉ được ghi nhận trong pháp luật quốc gia mà còn được ghi nhận trong pháp luật quốc tế. Đó là các văn bản: Công ước châu Âu về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Tuyên bố chung về nhân quyền, Hiệp ước quốc tế về các quyền chính trị và công dân. Ở đa số các nước, quyền này được quy định trong Hiến pháp hoặc  luật. Do được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nên quyền lập hội ở những nước này nhìn chung được bảo đảm trên thực tế.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng xung quanh pháp luật về các tổ chức xã hội, trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại nhiều điểm khác biệt như là:  Có cần luật riêng về hội và các tổ chức xã hội hay không? Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật về Hội? Phân loại các Tổ chức xã hội? Cơ chế hoạt động của các hội? Quản lý nhà nước về hội? Các điều kiện thành lập hội. Những sự khác biệt này là tất yếu do điều kiện khách quan của mỗi nước quy định.

Ở Việt Nam, quyền lập hội là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 1946, ngày 20/5/1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh 102 - SL/L.004 công bố Luật về quyền tự do hội họp. Mấy chục năm qua, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về hội và điều kiện tương đối thuận lợi cho công dân thành lập hội, hoạt động hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận nhiều nội dung và đưa ra nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với dự thảo Luật về Hội của Việt Nam. Các đại biểu cho rằng sự cần thiết của việc ban hành Luật mới về Hội là rõ ràng; để đảm bảo việc thực hiện các quyền của công dân trong việc thành lập các hội, và phát huy vai trò của các hội cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS, Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Luật về Hội sẽ là cơ sở pháp lý để đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Dự thảo Luật về Hội đã được nghiên cứu, soạn thảo công phu và được góp ý qua nhiều kênh nhưng vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục lấy ý kiến như phạm vi điều chỉnh của luật, các loại tổ chức xã hội, tài chính của hội… Chỉ nên đưa vào luật những nội dung đã được thảo luận, lấy ý kiến đầy đủ, đồng thuận cao. Cần nhất quán một số vấn có tính nguyên tắc và phương pháp luận như phải đảm bảo ban hành luật đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền con người, quyền của công dân, phát huy dân chủ và góp phần đảm bảo ổn định, phát triển đất nước.

Ông Scott Ciment, Cố vấn chính sách của UNDP về Pháp quyền và tiếp cận công lý cho rằng: "Luật về Hội là một trong những phần quan trọng nhất của luật pháp đang được xây dựng. Nó sẽ chi phối cách thức đăng ký và hoạt động hợp pháp của các tổ chức xã hội dân sự, có thể là các hiệp hội thương mại, và các nhóm phi lợi nhuận tại Việt Nam. Việc thu thập các phản hồi từ công dân và các hiệp hội hiện hành ở cấp địa phương sẽ giúp Chính phủ hiểu được những khó khăn đang tồn tại hiện nay của các hiệp hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội tại địa phương. Những phản hồi của họ sẽ giúp Chính phủ dự thảo một phiên bản cuối cùng của luật nhằm trao quyền cho các tổ chức xã hội dân sự và đưa ra những quy tắc rõ ràng và đơn giản hóa việc đăng ký và hoạt động trên toàn quốc và tại địa phương của các tổ chức này".

Thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc Hội thảo tương tự nhằm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với Dự thảo Luật về Hội để tổng hợp làm dữ liệu để xây dựng báo cáo góp ý gửi đến các cơ quan hữu quan trước khi Luật về Hội được thông qua.

Nguồn: NPA

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.