Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội thảo khoa học: 'Sách điện tử và xuất bản, phát hành điện tử'

Ngày 15/12/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản, In và Phát hành sách (Cục XB - IPHS) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sách điện tử và xuất bản, phát hành sách điện tử”.
Tới dự có Cục trưởng Cục Xuất bản - In Phát hành sách (XB-IPHS) Chu Hòa; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn An Tiêm; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh  Võ Văn Long, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Bản quyền, các nhà xuất bản, các cơ sở đào tạo xuất bản - phát hành, các công ty công nghệ trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Chu Hòa khẳng định trong thời đại số hóa hiện nay, sách điện tử dần chiếm một thị phần trong thị trường xuất bản và phát hành sách. Việt Nam đã có đầy đủ các điều kiện về môi trường công nghệ và hành lang pháp lý cho sự phát triển của hoạt động xuất bản điện tử và kinh doanh sách điện tử trên môi trường Internet.

 Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử ngày càng rõ hơn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn để xuất bản điện tử. Luật Xuất bản năm 2012 đã dành một chương cùng 8 điều khoản quy định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển. 

Tuy nhiên, so với tiềm năng, qua quá trình phát triển thị trường sách điện tử gần 10 năm qua ở Việt Nam, hiện nay quy mô, trình độ của xuất bản điện tử còn khá nhỏ bé; vai trò của các nhà xuất bản chưa rõ; thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng Internet hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông. 

Nhằm phát triển hoạt động xuất bản và phát hành sách điện tử ở Việt Nam, Cục XB-IPHS tổ chức hội thảo để các đơn vị xuất bản, phát hành, các cơ sở đào tạo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, định hướng, chiến lược phát triển; từ đó giúp cơ quan quản lý đề xuất những cơ chế, chính sách quản lý xuất bản sách điện tử phát triển đúng hướng.

 

Ông Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành sách 
phát biểu khai mạc Hội thảo. Nguồn: VJA

Tại hội thảo, nhiều nhà xuất bản đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xuất bản, phát hành sách điện tử. Lãnh đạo nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định trên thế giới đã triển khai rộng rãi việc sử dụng sách giáo khoa điện tử như một tài liệu học tập chính thức. Không nằm ngoài xu thế đó, từ năm 2009, nhà xuất bản đã thử nghiệm sản xuất sách giáo khoa điện tử dưới dạng đĩa CD. Năm 2013 sản phẩm sách giáo khoa điện tử Classbook trên máy tính bảng ra đời. Tuy nhiên, cho đến nay sản phẩm không còn phù hợp vì giá thành đắt. 

Nhà xuất bản đã phải nghiên cứu thay đổi chiến lược mới để phát triển sản phẩm Classbook theo hướng được xây dựng trên mô hình một hệ sinh thái, trong đó cốt lõi là hệ thống sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử hay tư liệu học tập số hóa được phân phối tập trung thống nhất từ kho tư liệu của nhà xuất bản Giáo dục. 

Để hoạt động xuất bản sách giáo khoa điện tử phát triển chuyên nghiệp, nhà xuất bản nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất phải tổ chức được nội dung bản thảo hay, có chất lượng. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản phải có kho cơ sở dữ liệu phong phú và cùng chia sẻ với nhau để giảm giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều đầu sách có chất lượng.

Là một nhà xuất bản có hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử khá phát triển, nhà xuất bản Trẻ đã có những chia sẻ về đạo đức nghề nghiệp khi làm sách điện tử. Nhà xuất bản kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp chế tài các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền; cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử/tài liệu số trái phép dựa trên những quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, nhà xuất bản kiến nghị các cơ quan quản lý nghiên cứu mở rộng các hình thức nộp lưu chiểu sách điện tử; có chính sách hỗ trợ vốn, giảm thuế đối với hoạt động xuất bản, phát hành mảng sách này.

Cho tới thời điểm hiện nay, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã và đang tiếp tục quan tâm với một số đề án đầu tư dài hạn, quy mô cho phát triển mảng sách điện tử và xuất bản điện tử trực tuyến. Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo nhà xuất bản kiến nghị với Cục XB-IPHS hướng dẫn thêm một số nội dung liên quan đến xuất bản điện tử: Về yêu cầu kỹ thuật; Về sử dụng chữ ký số, chứng thư số; Về điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Về đăng ký xuất bản và nộp lưu chiểu sách điện tử.

 

Nhiều đơn vị xuất bản tham dự hội thảo. Nguồn: VJA

Dưới góc độ là cơ quan quản lý về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương đã khẳng định thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong phân phối, phát hành sách truyền thống nói chung, sách điện tử nói riêng.

Đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam đã đưa ra những phân tích, nhận định về tâm lý người tiêu dùng Việt Nam khi tiếp nhận sản phẩm sách điện tử. Công ty cũng nêu lên những mối lo ngại vì sách điện tử lậu tràn lan trên mạng, gây khó khăn cho những đơn vị kinh doanh sách điện tử có bản quyền. Đưa ra số liệu chứng minh người Việt Nam có tỷ lệ dùng điện thoại thông minh khá cao, đại diện lãnh đạo công ty tin tưởng vào sự phát triển của sách điện tử trong thời gian tới do thói quen và hành vi đọc sách của người tiêu dùng sẽ thay đổi.

Góp mặt tại Hội thảo, Công ty cổ phần Dịch vụ thông tin Naiscorp đã giới thiệu với các nhà xuất bản các giải pháp kỹ thuật số hóa và lưu trữ tài liệu số hiện đại nhất trong ngành Xuất bản hiện nay. Những giải pháp về quản lý phiên bản, quản lý phát hành, quản trị nội dung trong xuất bản điện tử của công ty là một kênh tham khảo hữu ích cho hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử của mình.

Tổng kết Hội thảo, Cục trưởng Chu Hòa đánh giá cao các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các nhà xuất bản. Sự phát triển của xuất bản điện tử diễn ra nhanh nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của các nhà xuất bản. Ông cũng đề nghị lãnh đạo các nhà xuất bản trong định hướng phát triển của nhà xuất bản phải dành một vị trí xứng đáng cho hoạt động xuất bản điện tử, cần có tầm nhìn chiến lược nếu không sẽ bị tụt hậu. Quá trình triển khai nếu có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị các nhà xuất bản đóng góp ý kiến để cơ quan quản lý tìm biện pháp giải quyết, giúp các nhà xuất bản phát triển hoạt động xuất bản điện tử theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước./.

Nguồn: Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.