Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội thảo 'Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại'

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2016), ngày 03/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”.

Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự Hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trong Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được tiễn chân chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và là nơi được Người dành nhiều tình cảm thân thương trong suốt cuộc đời. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Thành phố “cùng cả nước, vì cả nước”, ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

 

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: NPA

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 105 năm, năm 1911, từ thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Bằng trí tuệ mẫn tiệp, siêu phàm, tầm nhìn rộng mở, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế xuất sắc, tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn thời đại, Người đã làm sáng rõ con đường cách mạng Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tấm gương sáng ngời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên toàn thế giới.

Với ý nghĩa đó, Hội thảo khoa học kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 40 năm thành phố mang tên Bác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với Người, đồng thời, để nhận thức đầy đủ hơn nữa những giá trị từ sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cũng như tầm nhìn thời đại của Người đối với những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận những giá trị của sự kiện ấy, tầm nhìn ấy đã và đang được phát huy trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự phát triển của thành phố mang tên Bác nói riêng.

Sau hơn 2 tháng triển khai, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, sự ủng hộ nhiệt tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý từ mọi miền đất nước, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 197 tham luận, thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng kính trọng yêu thương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, của Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Với lòng tôn kính và trách nhiệm cao, các tác giả của các tham luận đã dày công nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi những tư liệu và nội dung khoa học phong phú liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Tại hội thảo, những giá trị tư tưởng mang tầm thời đại về con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được chứng minh, khẳng định. 197 tham luận của các học giả không chỉ làm rõ bối cảnh lịch sử, nhân tố ảnh hưởng và động cơ ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành; hành trình tìm kiếm con đường cho cách mạng Việt Nam mà còn khẳng định ngày 5-6 cách đây 105 năm - Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là một mốc son của lịch sử dân tộc, là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Người nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng về con đường cứu nước đầu thế kỷ XX. Sự ra đi tìm đường cứu nước của Người không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn mà điều đó đã được chứng minh bằng tư tưởng, sự trải nghiệm, quá trình lao động, học tập và chiến đấu với trí tuệ và tầm vóc thời đại.

Trên tinh thần đó, các tham luận đặc biệt tập trung đi sâu, làm rõ nội dung “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại” theo những nội hàm sau, đó là: 1, Tầm nhìn thời đại trong việc tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; 2, Tầm nhìn thời đại trong việc xác lập, kiến tạo mô hình xã hội gắn với các thiết chế hiện đại; 3, Tầm nhìn thời đại trong việc xác định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam; 4, Tầm nhìn thời đại trong xây dựng nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam; 5, Tầm nhìn thời đại về quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế..v.v. Hội thảo cũng chú trọng về lịch sử và truyền thống vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi khởi đầu cuộc hành trình của Người, nơi tiễn Người lên chiếc tàu Amiral Latouche Tresville rời bến cảng Sài Gòn bắt đầu một cuộc hành trình mới với khát vọng lớn lao, nghị lực phi thường và trí tuệ thiên tài; và về tình cảm, hành động của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu. Hơn nơi nào hết, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi khởi nguồn của sự thay đổi từ 105 năm trước, với vị trí thành phố đầu tàu của cả nước luôn biết nâng niu, trân trọng và phát huy những giá trị ấy, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, để xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là thành phố mang tên Bác. 

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. Nguồn: NPA

Nguồn: NPA - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.