Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Góp ý dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi)

Trong phiên làm việc ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất việc sử dụng các nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai nộp Kho bạc Nhà nước, đồng thời lập dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó trừ đi phần chi, còn lại nộp ngân sách Nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đổi tên thành Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) vì theo ông như thế phù hợp, bởi khái niệm tài sản công đã được quy định trong Hiến pháp và dự thảo Luật điều chỉnh cả những tài sản do các cơ quan Đảng quản lý. Vì vậy, nếu để tên Luật là quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là quá hẹp.

Đồng thời, ông Uông Chu Lưu cũng không tán thành với tiếp thu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về việc đồng ý "bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc khoán kinh phí xe ô tô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách".

Trong phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào hai nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật:

Thứ nhất, xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai và thẩm quyền quy định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại;

Thứ hai, khai thác, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng. 

Về xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai, hiện có hai quan điểm. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: Toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý tài sản do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của cơ quan theo quy định của pháp luật về ngân sách. 

Theo đó, việc quy định như trên sẽ đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

Ý kiến của Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định theo hướng: Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, được nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tỏ ý băn khoăn bởi việc lập dự toán ngân sách Nhà nước thường vào cuối của năm trước, trong khi việc xử lý, thanh lý tài sản có thể diễn ra bất cứ lúc nào, khi cơ quan thấy rằng tài sản đó cần phải điều chuyển, lúc đó lại không nằm trong niên hạn ngân sách nữa, như vậy có hợp lý không?. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tất cả các khoản thanh lý, xử lý tài sản đều phải nộp vào kho bạc tạm giữ, sau đó mới trừ đi chi phí, còn lại bao nhiêu mới nộp vào ngân sách, như vậy vẫn kiểm soát được qua hệ thống kho bạc. 

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc sử dụng các nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai nộp Kho bạc Nhà nước, đồng thời lập dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó trừ đi phần chi, còn lại nộp ngân sách Nhà nước. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo đối với thẩm quyền quy định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; khai thác, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng. 

Do đặc thù các loại tài sản công rất phong phú, đa dạng, ở nhiều hình thái khác nhau, được giao cho rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức có chức năng nhiệm vụ khác nhau và có quy mô khác nhau ở từng địa phương, nên cần thiết để Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trên nhằm tạo sự chủ động trong điều hành, phù hợp với chính sách trong từng thời kỳ. 

Bên cạnh đó, việc quy định Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định các vấn đề trên đã được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và trong thực tiễn thực hiện không phát sinh bất cập.

Do đó, thẩm quyền quản lý tài sản công do Chính phủ quy định và giao Chính phủ phân cấp thẩm quyền các nội dung trên như khoản 4 Điều 14 của Dự thảo luật./. 

TH

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.