Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Góc nhìn mới về báo chí chính luận

17:13 13/10/2021 - Góc nhìn
Báo chí chính luận hay thuật ngữ mà báo chí quốc tế gọi là báo chí quan điểm hoặc báo chí chiều sâu, là những khái niệm được nhắc đến nhiều khi nói về nghề báo. Vai trò của nhóm thể loại báo chí này cũng được tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn học thuật về báo chí.

Tòa soạn báo New York Times

Xu hướng lồng ghép giữa tin tức và chính luận

Báo chí chính luận cùng với báo chí thông tin sự kiện là hai trong các nhóm thể loại báo chí quan trọng nhất. Trong khi báo chí thông tin sự kiện chủ yếu phản ánh sự việc một cách khách quan, báo chí chính luận thể hiện rõ quan điểm của tòa soạn, của nhà báo và định hướng dư luận.

Mới đây trong Chuyên mục “Ý kiến khác” trên tờ New York Times, tác giả cũng là thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton viết bài về vấn đề này. Cụ thể theo tác giả Tom Cotton, từ thế kỷ XIX, ngoài tin tức là sản phẩm chính, các tờ báo bắt đầu cho ra mắt các chuyên trang, chuyên mục thể hiện quan điểm của tòa soạn, ủng hộ các chính trị gia yêu thích và cổ súy cho tư tưởng của họ. Các chuyên trang, chuyên mục này thường do Hội đồng biên tập trực tiếp phụ trách. Tác giả có thể là phóng viên của tờ báo, hoặc là chuyên gia bao gồm các nhà kinh tế, các chính trị gia... Tuy nhiên, bài viết không ghi tên tác giả, mà được coi là quan điểm của tòa soạn.

Đến thế kỷ XX, các tờ báo đều luôn khẳng định tới độc giả rằng, có một ranh giới rõ ràng phân tách giữa việc đưa tin một cách khách quan không lồng bất kỳ chính kiến nào, với những bài bày tỏ quan điểm hay còn gọi là bài chính luận. Họ cũng tin rằng, độc giả hiểu rõ và phân biệt được sự khác biệt giữa hai thể loại này.

Theo dòng thời gian, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giới báo chí, các tờ báo bắt đầu tăng tỷ trọng các bài bình luận, phân tích, mở các chuyên mục đăng các ý kiến đa chiều và phong phú. Mục bình luận càng nở rộ trên các phiên bản điện tử của các tờ báo. Sự thật là khi vào trang web của tờ báo, độc giả có thể đọc các bài báo đưa tin và các bài bình luận như nhau, không có sự phân biệt đáng kể nào. Thêm nữa, các nhà báo còn tiếp tục bày tỏ quan điểm trên các tài khoản mạng xã hội và độc giả càng trở nên khó phân biệt đâu là tin tức và đâu là quan điểm. Ranh giới ngày càng mờ đi giữa hai nhóm báo chí này.

Xu hướng này cũng phổ biến trong lĩnh vực truyền hình. Các chuyên gia nhận thấy, sự ra đời của các kênh truyền hình cáp đưa tin 24/7, cùng với Internet ngày càng phổ biến, khiến các bản tin thời sự trên truyền hình khác đi rất nhiều. Cách đưa tin ngày càng đa dạng, các kênh tin tức thể hiện bản sắc của mình qua việc gia tăng phần bình luận, phân tích tình huống và lý giải vấn đề. Đài truyền hình CNN của Mỹ đưa tin tức thời sự thế giới 24/7 bằng nhiều thứ tiếng, có tiêu chí là đưa tin thời sự trực tiếp ở mọi điểm nóng trên thế giới.

1 tin Big news về giá cổ phiếu Dow Jones trên CNN

Trước đây, tin tức trên các bản tin truyền hình CNN rất đa dạng với nhiều đầu tin được chuyển tải trực tiếp từ các phóng viên có mặt tại hiện trường ở khắp toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các bản tin truyền hình CNN thường chỉ tập trung vào một vài tin tức chính mà họ gọi là “Big news” do Hội đồng biên tập lựa chọn. Bản tin này nối tiếp bản tin khác, gần như chỉ xoanh quanh những tin chính này.

Cùng với đó, cách đưa tin cũng thay đổi khá nhiều. Bản thân thông tin về sự kiện chiếm tỷ trọng không nhiều và được nhắc lại nhiều lần trong các bản tin tiếp nối nhau. Thay vào đó, rất nhiều ý kiến và bình luận của các nhà quan sát, những bên liên quan, các chuyên gia và thông tin cũng như hình ảnh tư liệu về lịch sử vấn đề. Có thể thấy, việc đưa tin trên kênh truyền hình CNN đã ngày càng đi vào chiều sâu phân tích và bày tỏ quan điểm, nhiều hơn là mô tả, đưa tin và phản ánh lại sự việc.

Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, CNN luôn bộc lộ rõ chính kiến ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hilary Clinton, trong các chương trình của Đài này. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông Donald Trump sau này khi đắc cử Tổng thống, đã nhiều lần công khai chỉ trích CNN.

Ở Việt Nam, tính Đảng đã trở thành một yếu tố tự thân của báo chí cách mạng, đồng nghĩa với việc các tờ báo đều nêu cao vai trò của báo chí chính luận. Trên trang nhất của các báo lớn như: Nhân dân, Quân đội Nhân dân, các mục Xã luận, Bình luận luôn được đặt ở vị trí trang trọng, với tiêu đề rõ ràng và phông chữ riêng biệt so với các bài báo đưa tin khác.

Các nhà báo có tên tuổi cũng là những cây bút chính luận xuất sắc như nhà báo Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang, Hồng Vinh... Đặc biệt noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng ta cũng là những cây bút tiên phong của báo chí chính luận. Các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng như Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Khả Phiêu... đều dùng các bài báo chính luận như một công cụ sắc bén để tuyên truyền và thuyết phục quần chúng, đồng thời đấu tranh chống những biểu hiện sai trái tiêu cực. Báo chí chính luận có một chỗ đứng đặc biệt quan trọng và được phân tách khá rõ ràng với báo chí thông tin sự kiện trên từng mặt báo.

Tương tự với xu hướng chung của báo chí trên thế giới, ngày nay, ngoài các chuyên mục chính luận, các mục tin tức cũng ngày càng chứa nhiều hàm lượng phân tích, nhận định và bình luận, đặc biệt là trên các phiên bản Internet.

Trong các bài đăng ở mục Thời sự của nhiều tờ báo điện tử, bạn đọc có thể nhận thấy các bài báo thông tin sự kiện được đưa cùng với các bài nhận định, bình luận. Hoặc trong các bài thông tin sự kiện cũng có những câu từ và ngôn ngữ thể hiện quan điểm của nhà báo như: “Tôi thấy...”, “tôi nghĩ...”, hoặc “nên chăng..”, “thiết nghĩ...”, “đã đến lúc...”

Tòa đàm để có những tác phẩm báo chí chất lượng tốt dự giải báo chí quốc gia. Ảnh: PV

Báo chí chính luận ngày càng được coi trọng

Trên thực tế, báo chí chính luận, báo chí quan điểm mang lại nhiều giá trị cho độc giả. Trước hết, tính phân tích trong các bài báo này mang lại những thông tin có chiều sâu về vấn đề. Các bài báo có chiều sâu và có tính định hướng rõ ràng thường giúp bạn đọc có thể định hình quan điểm và ra quyết định về vấn đề liên quan. Ở đây độc giả có thể được tiếp cận với những góc nhìn tranh luận để cùng suy xét và tư duy.

Báo chí thông tin sự kiện và báo chí chính luận luôn gắn bó và bổ trợ một cách nhịp nhàng cho nhau. Sau khi độc giả nắm rõ về sự kiện trong phần tin tức, các bài bình luận có thể giúp đưa ra những suy nghĩ mới mẻ, những góc nhìn phân tích sự kiện, có thể nó sẽ làm công chúng phải thay đổi cách nhìn nhận sự việc, hoặc ngược lại củng cố thêm suy nghĩ của người đọc. Độc giả chờ đợi các nhà báo chính luận giúp họ nghiên cứu vấn đề, sắp xếp lại các dữ liệu một cách lô gic và thuyết phục nhất. Như vậy, báo chí chính luận cần xuất hiện đúng lúc và đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội tràn ngập thông tin và bình luận khó phân biệt thật giả, đúng sai, độc giả càng có nhu cầu tiếp cận những tác phẩm báo chí chính luận của những tờ báo và nhà báo có uy tín. Báo chí chính luận sẽ giúp họ có được những thông tin xác tín, những hiểu biết sâu sắc và tin cậy để định hướng giữa xa lộ thông tin cuồn cuộn và đầy ngổn ngang.

Nếu như báo chí thông tin sự kiện giúp độc giả nắm được thông tin và tự tư duy và ra quyết định của riêng mình, báo chí phân tích sẽ cung cấp thêm những thông tin về lịch sử vấn đề, và ý kiến lý giải đa chiều từ các chuyên gia, các nhà quan sát. Còn báo chí chính luận đưa ra quan điểm rõ ràng về sự việc theo góc nhìn của chính tòa soạn và nhà báo. Ở các tờ báo lớn và uy tín thường chỉ có một vài nhà báo đươc tin tưởng giao nhiệm vụ viết những bài trong chuyên mục chính luận. Họ được coi là những người giỏi nhất trong tòa soạn và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng biên tập. Họ vừa có phẩm chất nhạy bén của nhà báo, đồng thời cũng là những người có lập trường tư tưởng vững vàng, có kiến thức sâu sắc, khả năng đưa ra lập luận và lý lẽ thuyết phục. Thông thường, chúng ta đọc tin tức mà không chú ý tới phóng viên nào đưa ra thông tin đó. Nhưng với các bài báo chính luận bày tỏ quan điểm, dẫn dắt dư luận, công chúng luôn quan tâm tới ai là người đưa ra chính kiến này, nhân cách và hiểu biết của họ ra sao.

Chương trình Chuyển động 24h trên VTV1

Một số vấn đề đặt ra

Các Hiệp hội nhà báo trên thế giới luôn đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng và ảnh hưởng của nhóm thể loại báo chí chính luận. Theo họ, tốt nhất là các bài báo bày tỏ quan điểm chính luận phải được tách khỏi phần tin tức bằng một đề mục riêng và có dấu hiệu phân biệt rõ ràng trong các ấn phẩm báo chí. Vì bài báo thể hiện quan điểm và định hướng dư luận, nên nhà báo chính luận phải tuân thủ nguyên tắc không có thái độ ưu ái các nhà quảng cáo hay các nhóm lợi ích có quan hệ thân thiết. Đồng thời nhà báo chính luận không nên tham gia các tổ chức hay hoạt động nào làm ảnh hưởng tới nhân cách và uy tín của mình.

Một thực trạng đáng chú ý nảy sinh từ thực tiễn của các kênh truyền hình tin tức 24/7, đó là một số phóng viên hay người dẫn chương trình khi xuất hiện trên sóng đã lạm dụng những bình luận cảm tính của mình, đưa ra những nhận định không có cơ sở, gây tác động tới công chúng mà không hề dựa trên lý lẽ hay lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Trong trường hợp này, những nhận định và bình luận đó không thuộc nhóm thể loại chính luận, mà là sự áp đặt và lạm dụng kênh sóng. Các tòa soạn cần sớm nhận ra nguy cơ này để chấn chỉnh và bảo vệ uy tín của cơ quan báo chí.

VTV1 là kênh truyền hình Thời sự- Chính luận của Đài Truyền hình Việt Nam, gồm 26 bản tin thời sự hàng ngày và hàng chục chương trình chính luận hàng tuần. Cũng trong xu hướng chung, trong các bản tin thời sự hiện tại cũng hàm chứa nhiều thông tin mang tính phân tích, bình luận. Đặc biệt là trong các bản tin có thời lượng tương đối dài như Chào buổi sáng, Việt Nam hôm nay, Chuyển động 24h, Bản tin Thời sự 19h. Gần đây trong Bản tin Thời sự 19h- Bản tin Thời sự quan trọng nhất trong ngày và được tiếp sóng trên tất cả các Đài PT- TH địa phương- thường xuất hiện mục Tiêu điểm. Đây là một phần bình luận ngắn nằm trong khuôn khổ bản tin, thường về một vấn đề thời sự quan trọng cần kịp thời định hướng dư luận. Phần này sẽ có một biên tập viên bình luận trình bày riêng, cùng với 2 người dẫn chính của bản tin. Mục này cũng được gắn một hình hiệu ngắn (hình cắt) thể hiện tiêu đề của nội dung bình luận. Ví dụ như: Quyết tâm chống tham nhũng, Con đường đi lên CNXH, Triển vọng kinh tế cuối năm, Chống dịch như chống giặc, Chống nạn tin giả... Mục này có thể so sánh như những bài Xã luận, Bút luận trên các tờ báo viết hàng ngày.

Ngoài ra các chương trình tin tức như Chuyển động 24h cũng xây dựng phiên bản cuối tuần theo hướng trở thành chuyên mục bày tỏ quan điểm và bình luận. Ví dụ mục Điểm tuần trong chương trình Chuyển động 24h vào 11h15 phút trưa Thứ Bảy hàng tuần. Đây là một trong những mục bình luận theo phong cách khá độc đáo, dùng góc nhìn hài hước để bình luận về những hiện tượng mặt trái xã hội. Các Ban biên tập Tin tức đã hình thành đội ngũ các nhà báo chính luận sắc sảo, giàu kinh nghiệm và có uy tín như BTV Quang Minh, BTV Việt Cường, BTV Xuân Dung, BTV Việt Hoàng...

Phân tích từ góc độ lý luận và thực tiễn các nhóm thể loại báo chí, trong đó có báo chí thông tin sự kiện và báo chí chính luận, giúp chúng ta một lần nữa nắm rõ khái niệm, mục đích, đặc điểm, tính chất, các nguyên tắc và tác động của từng nhóm thể loại này. Điều này rất cần thiết trong hoạt động thực tiễn báo chí, giúp các nhà báo phân biệt rõ hai nhóm thể loại này, xác định mục tiêu đúng đắn và phương pháp tác nghiệp phù hợp đối với từng thể loại. Khi sáng rõ về mặt lý luận, thực hành sẽ đúng đắn và hiệu quả hơn. Nhất là đối với các phóng viên, nhà báo trong đội ngũ báo chí Cách mạng Việt Nam, với sứ mệnh kép, vừa thông tin trung thực khách quan tới công chúng, vừa quán triệt tính Đảng và đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền trong các tác phẩm báo chí của mình./.

NGUYỄN THU HÀ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top