Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đọc “tiếng lòng” của đồng nghiệp thơ

14:44 17/01/2022 - Văn hóa xã hội
Năm mới đến là dịp bung nở những cánh thơ của nhiều nhà báo, nhà thơ đề cập đa dạng mọi chiều cạnh của cuộc sống đang chuyển mình mạnh mẽ trên đất nước ta. Đó cũng là nguồn cảm hứng lớn lao chắp cánh cho mọi hồn thơ bay bổng. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu vài cảm nghĩ đầu năm của PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh về những câu thơ hay của đồng nghiệp qua bài: "Đọc tiếng lòng của đồng nghiệp thơ”:

Những tập thơ đã xuất bản của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

Tôi thầm cảm ơn nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh đã đam mê và kỳ công “nhặt ra” những dòng thơ hay trên facebook của nhiều nhà thơ chuyên nghiệp cũng như không chuyên. Những câu thơ thật sự đã “chạm” trái tim thơ; và từ đó tôi “mạo muội” ghi lại mấy cảm nghĩ của mình bằng thơ. Khi Nguyễn Quang Thiều viết: “Tôi xin kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh nỗi buồn/ Báu vật cố hương tôi”. Tôi gửi Quang Thiều: “Xin kiếp sau được là người trò nhỏ/ Chọn những câu thơ hay/ Làm báu vật của đời”. Đọc Như Bình: “Đừng giày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thẳm sâu”, tôi viết: “Anh sợ ngàn lần khi hiện diện thế gian này/ Anh theo bóng em đi về phương ấy/ Trên đường thênh thang nhẵn bóng/ Sao vẫn để lạc em?!

Trò chuyện với anh Sáu Phong, nguyên Chủ tịch nước về báo chí

Còn bây giờ là câu thơ của Phan Cung Việt, người học cùng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tôi thời sơ tán ở xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đã có bài thơ “Suối Đôi” ấn tượng với câu “Con nước Suối Đôi vỗ bờ thầm thĩ”; đến nay lại được đọc “Cả đời chẳng chịu nghe ai/ Đêm nằm nghe mọt giảng bài thế gian”. Sau khóa học, tôi từng muốn vun vén cho anh kết bạn với cô bạn vợ tôi (mà anh hay vào cơ quan gặp cô ấy), nhưng rồi “đường ai người ấy đi”, do vậy, khi đọc câu thơ trên, phải chăng anh đang sám hối? Tôi viết gửi anh: “Cả đời chẳng chịu nghe ai/ Đêm nằm đau đáu những lời thiết tha/ Biết chăng ai có mặn mà/ Với người đơn độc tình thơ ắp đầy?!

Còn nhà báo, nhà thơ thân thiết P.N. Thường Đoan: “Đêm mưa run rẩy tường trắng/ Đêm mưa mong manh linh hồn” cùng rất nhiều câu thơ hình tượng khác, ẩn chứa bao cảm xúc mãnh liệt. Tôi viết gửi Thường Đoan: “Đời em ngàn vạn cơn mưa/ Mưa từ ban sáng đến trưa, rồi chiều/ Thơ em triệu triệu chữ YÊU/ Nhưng khi “gom” lại một điều cỏn con!...”. Anh Phạm Quốc Ca gắn bó gần như cả đời trai trẻ với cao nguyên Đà Lạt, vừa là nhà thơ trữ tình, vừa là dịch giả tài ba. Đọc câu thơ của anh “Người đẹp ta chưa từng gặp mặt/ Miên man…”, tôi viết: “Miên man em/ Miên man hoa/ Gặp rồi mà như chưa gặp?!”.

Gặp thân mật đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM 

Với nhà báo, nhà thơ Phạm Khải, từ khi nhận nhiệm vụ Tổng biên tập báo Công an nhân dân, phải quản lý gần chục ấn phẩm báo chí công an cả nước, những tưởng anh đã “lặng lẽ lãng quên” thơ, nhưng bất ngờ được đọc: “Tập như trái đất/ lặng thầm mà quay/ Tập như ánh trăng/ lặng im mà đầy”, tôi gửi anh lời tâm sự: “Tưởng anh một mực lặng im/ Vì bao trang báo cứ dìm thơ anh/ Đâu ngờ tiếng tự trái tim/ Đã không ghìm nổi, bật thành tiếng thơ”.

Còn Bùi Hoàng Tám, một nhà báo có nhiều bài phóng sự điều tra nổi tiếng; trong đời thường hay có những câu bình phẩm dí dỏm trước nhân tình thế thái, nay đọc câu “Tình yêu là thứ trời hành/ Bắt người đầu bạc biến thành trẻ con”, thì dù không ghi tên tác giả, tôi vẫn nhận ra đích danh là thơ Bùi Hoàng Tám! Tôi gửi anh: “Ông Hoàng đi khắp thế gian. Ngẫm suy văn hóa cổ kim nhiều bề/ Ông hay vặn vẹo nhiêu khê/ Gặp em sao lặng bốn bề trống không…”. Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan đã có mấy tập thơ chuyên viết về tình yêu, đề cập đa dạng nỗi lòng của những người đang yêu, đã yêu; dũng cảm nói cái điều được - mất, trăn trở - buồn vui, reo ca - đơn độc; nay có câu thơ sắc lạnh làm tôi ngỡ ngàng khi viết về nhân tình, thế thái: “Nồng nàn đi cửa trước/ Lạnh lùng bước cửa sau”, tôi viết gửi Loan: “Nồng nàn còn một nửa/ Lạnh lùng lại nhân hai/ Thơ em mùa gặt hái/ Sao nỡ để tàn phai?!

Có một cặp vợ chồng vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ ở Nghệ An - Hà Tĩnh - đó là Nguyễn Sĩ Đại Trần Kim Hoa. Tình cờ tôi được đọc cùng lúc những câu thơ: “Ta chỉ là ngọn cỏ/ Việc của mình là xanh” (Sĩ Đại); “Chiều tất niên mộng mị/ Bếp bay đầy tro than” (Trần Kim Hoa), tôi gửi tới hai bạn: “Sông La hợp với sông Lam/ Gửi vào con sóng vạn ngàn tình thơ”. Nhà báo, nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện, quê Hưng Yên, cây bút sở trường về thơ lục bát, đã xuất bản mấy tập thơ, do vậy, tôi không ngỡ ngàng lắm khi đọc hai câu lục bát ấn tượng này: “Em về, làm trái mùa đông/ Mây rơi lòng chảo, cải ngồng đơm hoa”. Tôi viết gửi Thiện: “Em về làm mới thơ anh/ Dọc đường cùng hái nhãn lồng Hưng Yên”.

Cùng đồng nghiệp trong Lễ ra mắt Tạp chí Sức khoẻ + (đầu năm 2022)

Và còn rất nhiều câu thơ hay khác, xin để bài sau (theo cảm nhận của tôi). Lẽ đương nhiên, với một bài thơ, câu thơ ra đời, người này khen hay, người kia chưa ưng, là lẽ bình thường. Tôi tâm đắc lời tâm sự của Dương Kỳ Anh, nhà báo, nhà thơ, cây viết tiểu luận phê bình văn nghệ, đã nhiều năm trải nghiệm với thơ, viết rằng: “Làm thơ là một nhu cầu chính đáng để giải tỏa tâm tư, để tìm tri âm tri kỷ; và thơ cũng chính là một trong những cứu cánh của con người”. Tôi ghi mấy cảm nghĩ khi đọc những câu thơ của đồng nghiệp không ngoài mục đích nói trên./.

Đầu năm mới – 2022

Nguyễn Hồng Vinh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.