Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Điều kiện, tâm lý tiếp nhận báo chí của đồng bào Tây Bắc

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó có khu vực Tây Bắc theo 3 nguyên tắc cơ bản là bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết cả dân tộc và hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Tuy nhiên, người dân Tây Bắc vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, bởi đây là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, số người dân sử dụng Internet tại nhà đều thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Bài viết này là một phần kết quả khảo sát của đề tài QGTĐ 13.13 “Báo chí với phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vấn đề tiếp nhận báo chí của người dân Tây Bắc

Sự hiểu biết của các dân tộc thiểu số về các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho họ có tầm quan trọng to lớn đối với việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nếu không hiểu đúng và đầy đủ, người dân không thực hiện theo các chủ trương, chính sách đề ra, hoặc có thể có những hành vi vi phạm, gây hậu quả xấu một cách vô ý thức (như trồng và buôn bán, sử dụng thuốc phiện, phá rừng gây ô nhiễm môi trường,...), nghiêm trọng hơn, có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, gây chia rẽ dân tộc, mất ổn định khu vực.


Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cần xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa thông tin để nâng cao dân trí, góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong tình hình mới


 

Theo kết quả khảo sát, mức độ hiểu biết các chủ trương, chính sách của đồng bào dân tộc còn khá hạn chế. Chỉ có 1/3 số người được hỏi biết về 8 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế miền núi, nhiều nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, chính sách hỗ trợ đất sản xuất. Các chính sách liên quan đến tái định cư đối với người các dân tộc di cư tự do, chính sách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... được ít người biết đến. Lý do cơ bản nhất là trình độ học vấn của người dân còn thấp, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ cao, điều kiện tiếp xúc với thông tin từ báo chí, phát thanh, truyền hình còn hạn chế (chỉ chiếm 31%), và cách thức cơ bản nhất để người dân tiếp cận thông tin là từ sự phổ biến của cán bộ xã, thôn (47%).

Mặc dù có rất nhiều tờ báo in được cấp miễn phí, nhưng tỷ lệ người đọc báo không cao. Ngay cả tờ báo dành riêng cho họ như tờ “Dân tộc và Phát triển” cũng không thu hút được độc giả, vì lối viết một chiều, nặng tính văn bản báo cáo. Nhiều bài viết đề cập đến những vấn đề vĩ mô, trong khi đồng bào các dân tộc thiểu số có lối tư duy đơn giản, mộc mạc, muốn biết những gì gần gũi với cuộc sống của mình. Nội dung thông tin chiếm dung lượng nhiều nhất trên báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số là thông tin giáo dục lòng tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu... Các bài viết về văn hóa dân tộc thiểu số thường hấp dẫn công chúng với sự “huyền bí” của các chi tiết. Tuy nhiên, nhiều bài viết quá nhấn mạnh vào các yếu tố thần bí, hoặc gán cho chúng những ý nghĩa tâm linh đặc biệt nào đó, trong khi không phải chi tiết khác lạ nào cũng có nguồn gốc tâm linh.

Số người nghe phát thanh cũng không nhiều, vì số hộ gia đình có máy thu thanh chỉ chiếm 8,7%. Đa số người dân Tây Bắc xem truyền hình, nhưng nội dung và hình thức truyền tải thông tin chưa đáp ứng sự mong đợi của công chúng. Các chương trình truyền hình địa phương được đánh giá là đơn điệu trong cách thể hiện, thông tin chưa phong phú, hấp dẫn, phần nhiều thông tin một chiều. Đa phần bà con xem VTV3 (85%), VTV1 (71%) và VTV2 (61%). Kênh truyền hình VTV5 là kênh có thời lượng phát sóng nhiều nhất những vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc, chuyển tải rất nhiều thông tin quan trọng liên quan đến người dân địa phương, nhưng chưa được người dân địa phương dành nhiều thời gian theo dõi. Tỷ lệ người xem kênh VTV5 chỉ đạt 51%, vì tín hiệu đường truyền kém, chương trình nghèo nàn, chất lượng chuyên môn chưa cao. Đây chính là một nguyên nhân khiến cho nhiều người dân Tây Bắc cho biết họ không nắm được đầy đủ các thông tin về chính sách kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số giải pháp trước mắt

Hiện nay, địa bàn miền núi không chỉ thiếu thông tin, mà còn đang diễn ra tranh chấp thông tin hết sức quyết liệt, khi những phần tử xấu ở các địa bàn dân tộc miền núi và các thế lực phản động quốc tế đang ráo riết các hoạt động lôi kéo đồng bào, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gieo rắc mê tín dị đoan, sùng bái tà đạo,... Trong bối cảnh đó, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với báo in, cần rà soát về số lượng, chủng loại ấn phẩm, phân bổ đối tượng, vùng được thụ hưởng miễn phí, bổ sung thêm một số báo, tạp chí,... nhằm đưa thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mô hình xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí,... đến với đồng bào. Tập trung báo chí tại địa điểm thuận lợi như điểm sinh hoạt văn hóa của thôn, làng, bản,.. hoặc ở bưu điện văn hóa xã, thư viện trong các nhà trường,.. tạo điều kiện cho mọi người đến đọc.

Mặt khác, cần tăng cường thu thanh các chương trình văn nghệ bằng tiếng dân tộc, thu âm các bài dân ca để bổ sung vào kho băng tư liệu, tổ chức các cuộc thi sáng tác ca khúc mới. Tăng cường việc điều tra thính giả để nắm bắt nhu cầu, thói quen, tâm lý tiếp nhận của đồng bào, để từ đó, điều chỉnh nội dung và phương thức truyền tải thông tin cho phù hợp nhất với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng thời lượng các chương trình truyền hình địa phương, bên cạnh các chương trình thời sự, thời sự tổng hợp, chú trọng sản xuất các chương trình chuyên đề, giải trí, đồng thời đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất chương trình. Đầu tư phát triển công nghệ truyền hình mới, phấn đấu để có trình độ tương đương với công nghệ truyền hình của các tỉnh, thành trong cả nước và của các nước trong khu vực, chú trọng xu hướng hội tụ với các dịch vụ viễn thông - tin học - truyền hình trong phát triển công nghệ./.

PGS, TS. Đặng Thị Thu Hương 
Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.