Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Dạy học trên sóng truyền hình: Tương tác và hiệu quả

23:30 19/07/2016 - Bình luận
Những năm gần đây, trên truyền hình, nhiều chương trình hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, tư vấn pháp lý, thậm chí tập Yoga, cắm hoa, mua sắm... đã ra đời. Nội dung khoa giáo của truyền hình Việt ngày càng đi vào xu thế phi đại chúng hóa, tuy nhiên, sự ra đời các nội dung dạy học qua truyền hình đa phần vẫn là nỗ lực tự thân của các đài và chưa được đầu tư đúng mức.

Một chương trình bổ trợ kiến thức trên truyền hình trên kênh VTV7. Ảnh: TL

Một chương trình bổ trợ kiến thức trên truyền hình trên kênh VTV7. Ảnh: TL

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập 

Trừ VTV2, kênh duy nhất ở Việt nam chuyên về khoa giáo, các kênh truyền hình quảng bá khác cũng xuất hiện hình thức dạy học: ôn thi trung học phổ thông, dạy ngoại ngữ, tin học, đào tạo đại học từ xa... Đó là những nỗ lực góp phần xã hội hóa giáo dục, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức từ những phương tiện truyền thông đại chúng, cùng nhau xây dựng xã hội học tập.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có một tổng kết về mặt chuyên môn (từ góc độ truyền hình cũng như góc độ giáo dục) để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức như lập kế hoạch, duyệt kế hoạch, biên tập chương trình, thu hình, thu tiếng, công tác hậu kỳ, giờ phát sóng, xây dựng nội dung phát sóng, chọn lựa giáo viên, chọn lựa hình thức thể hiện phù hợp với các nội dung, hình thức giao tiếp với khán giả - học viên, những người tham gia chương trình v.v.

Những chương trình dạy học dù nhắm đến đối tượng cụ thể song thường được sự quan tâm của số đông công chúng. Thí dụ chương trình ôn thi Tú tài trên sóng VTV2 trước đây được nhiều nhà giáo theo dõi rất kỹ. họ quan sát các đồng nghiệp của mình thể hiện bài giảng như thế nào. hoặc hàng loạt khán giả đang học tiếng Anh từ các khóa truyền thống cũng rất thích xem các chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình để kiểm tra lại kiến thức của mình. Chính vì thế, những chương trình “làm dâu trăm họ” này cũng không thể tránh khỏi những ý kiến khen chê. Tất nhiên những góp ý từ những chi tiết sơ sót đến kết cấu một bài giảng, từ một lỗi kỹ thuật truyền hình đến yêu cầu đạo diễn hình ảnh v.v.. với đòi hỏi khắt khe không chỉ có ở chương trình dạy học.

Khai thác thế mạnh của truyền hình

Và cũng cần thấy rằng, dạy học trên truyền hình có một cái khó cực lớn, đó là “lớp học” được trải ra trên một không gian rộng, người truyền đạt và người học không có cơ hội tương tác nhau. người học có quyền “nghịch ngợm”, thụ động khi học. Người dạy chẳng cảm nhận được chuyện học viên mình tiếp nhận ra sao. Nếu không gian “thính phòng” của lớp học truyền thống cho phép học sinh có thể nhìn tổng thể bảng đen trong một bài giải toán lý để liên hệ ngang - dọc, trên - dưới; hoặc nghe đúng giọng cô giáo đọc thơ trong không khí ấm cúng... thì với truyền hình, điều này rất khó. hiệu quả giảng dạy vì thế đã giảm đi rất nhiều.

Mặt khác, khó khăn của việc xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình lâu nay là nguồn lực đầu tư cho sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, có vẻ như người làm chương trình truyền hình và những người lo nội dung truyền đạt chưa tìm được tiếng nói chung. Vì thế, khó mà khai thác thế mạnh của ngôn ngữ truyền hình trong việc giảng dạy.

Thí dụ: bảng chữ phụ đề, màu sắc của chữ, biểu đồ, hình ảnh (làm bằng các phần mềm thay cho bảng đen) đều đã được khai thác. Thế nhưng, giảng viên ít am tường đặc trưng tiếp nhận của khán giả truyền hình để phối hợp với “Nhà Đài” cho đúng. Ngược lại, có người quá lạm dụng các hình thức “máy chiếu” làm mất đi hiệu quả tiếp nhận. Bàn tay viết bảng, nét chữ của thầy giáo, tiếng động khi thầy giáo chấm, phẩy trên bảng đen... đều tạo hiệu quả trong quá trình tiếp thu bài giảng, chứ không phải lúc nào những bảng chữ vi tính đầy màu sắc cũng tốt hơn. Một bài thơ do nghệ sĩ ngâm trên sóng truyền hình thay cho thầy giáo đọc trong lớp chắc gì có hiệu quả tiếp nhận, cảm xúc cao hơn?
Việc xây dựng kịch bản cho các tiết dạy trên truyền hình lâu nay nhìn chung chưa tạo ra hiệu quả cao trong quá trình tiếp nhận do lạm dụng các yếu tố kỹ thuật hoặc chưa biết tận dụng khả năng kỹ thuật truyền hình để khai thác.

Nhu cầu công chúng là yếu tố quyết định

Hiện nay, hầu hết các đài truyền hình trong cả nước đang đi vào lộ trình số hóa và tích hợp đa phương tiện, việc kết hợp các hình thức giảng dạy trên sóng truyền hình theo phương thức cũ với hình thức giảng dạy trực tuyến (e-learning) cũng là điều dễ dàng. E-learning tận dụng không gian internet cho phép người học có thể tương tác (với giảng viên, chuyên gia, học viên...) mọi lúc, mọi nơi, truyền đạt kiến thức kỹ năng theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng. học viên có thể truy cập các nội dung học tập bất kỳ nơi đâu vào bất cứ lúc nào miễn là nơi đó có thiết bị được kết nối internet. nội dung học tập - giảng dạy được truyền tải dưới dạng đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, văn bản, đồ họa, tài liệu, phần mềm...), giúp tiết kiệm chi phí (đi lại, tổ chức địa điểm, tận dụng được các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới), tiết kiệm thời gian, tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến.

Truyền thông đa phương tiện trên internet đang thay đổi cách thức tiếp cận thông tin, tri thức của con người. Vì thế, các kênh truyền hình cần thay đổi cách tổ chức sản xuất những chương trình dạy học không chỉ mạnh tính chất nghe nhìn mà cần nâng cao khả năng tương tác.

Góc bình luận

Dạy học trên truyền hình ở Việt Nam còn là vấn đề mới. Các nhà lý luận giáo dục cũng như các nhà lý luận báo chí chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Hiệu quả tiếp nhận của một học viên trước màn hình ra sao, tính tự giác học tập của họ ra sao, tâm lý sáng tạo của người đứng trên bục giảng ra sao, tinh thần dân chủ trong quá trình dạy và học trên sóng truyền hình ra sao, việc đánh giá hiệu quả học tập thế nào... là các vấn đề cần đóng góp thêm cho lý luận.

Một trong những yêu cầu của dạy học qua truyền hình hiện đại chính là nâng cao các giải pháp tương tác để khắc phục các hạn chế của hình thức này. Dạy học trên truyền hình lâu nay chỉ dừng lại ở phương pháp thuyết giảng một chiều, việc tiếp thu bài giảng của hầu hết học viên qua truyền hình không đồng bộ (ví dụ, họ có thể thu lại clip để học vào giờ thích hợp). Vì thế, cần tăng cường khả năng tương tác bằng nhiều kênh, nhưng hiệu quả và tiện lợi đặc biệt là các kênh trực tuyến. Bên cạnh đó, những buổi cắm trại theo nhóm, những yêu cầu thảo luận trên diễn đàn mạng, xây dựng thư viện điện tử, tư vấn qua điện thoại, e-mail, chatting, mạng xã hội... và các hình thức kiểm tra cần được đặt ra trong tổ chức chương trình mới có thể đạt hiệu quả dạy và học thật sự.


Phan Văn Tú
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top