Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Cần sự chuyên nghiệp trong công tác Hội

Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác Hội” do Tạp chí Người Làm báo phối hợp với Hội Nhà báo Bắc Giang tổ chức ngày 5/5, nhiều nhà báo đã bày tỏ kinh nghiệm, tâm huyết và cả những trăn trở của mình để làm sao nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo, đặc biệt là tại các Hội Nhà báo địa phương.

Quang cảnh Toạ đàm “Nâng cao chất lượng công tác Hội”

Nhà báo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang và PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có nhà báo Nguyễn Công Đán, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên; nhà báo Nguyễn Đình Trai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh; nhà báo Nguyễn Bình Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang; nhà báo Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên; nhà báo Trần Văn Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang.

Hoạt động còn nhiều bất cập

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết, thời gian qua các cấp Hội Nhà báo đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như tọa đàm, hội thảo, diễn đàn trao đổi trên các báo, tạp chí của Hội Nhà báo Việt Nam về nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, tổ chức hội tại địa phương đã có sự năng động, sáng tạo nhất định trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác, ngày càng khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo.

Các hoạt động thiết thực đã tạo ra “sân chơi chung”, thu hút nhiều hội viên – nhà báo tham gia tổ chức hội. Hội Nhà báo Hưng Yên đã quan tâm nâng cao chất lượng hội viên tại cơ sở, coi đây là biện pháp, nhân tố cơ bản nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của hội. Hội Nhà báo Bắc Ninh đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ để các hội viên – nhà báo tích cực tham gia phong trào “sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao”.

Hội Nhà báo Bắc Giang coi trọng việc tăng cường phối hợp, gắn kết với các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn (cả cơ quan báo chí Trung ương và địa phương).Việc phối hợp hoạt động đã hỗ trợ nhau và phát huy thế mạnh hợp tác, góp phần nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hội…

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, trong quá trình hoạt động của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục như nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sức cuốn hút và tập hợp của Hội chưa cao; ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn mờ nhạt; chất lượng hoạt động của một số Hội cơ sở chưa cao.
Ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm các hoạt động của Hội Nhà báo; các điều kiện cần thiết về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất để Hội hoạt động và phát triển chưa được đáp ứng đầy đủ.

Việc thực hiện các quy định, quyết định của nhà nước đối với hội nhà báo trên cả nước chưa đồng nhất và phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương cũng làm cho hoạt động của hội thiếu sự đồng bộ, không thống nhất. Bên cạnh đó là vấn đề phụ cấp đối với cán bộ làm công tác Hội còn nhiều bất cập. Chính vì những khó khăn, tồn tại đó đã rất khó để thu hút cán bộ có năng lực và lòng nhiệt tình về làm công tác Hội…

Làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động?

Tại tọa đàm các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nhà báo, xoay quanh việc hướng dẫn tổ chức thực hiện Điều lệ Hội; các thủ tục, quy trình phát triển hội viên, xây dựng tổ chức cơ sở Hội; những vấn đề liên quan đến thi đua, khen thưởng hội viên; nâng cao chất lượng chuyên môn cho hội viên tham gia Giải báo chí quốc gia và giải báo chí ở địa phương, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra về việc thực hiện Điều lệ Hội ở các cấp hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên…

Theo nhà báo Nguyễn Đình Trai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh, phần lớn Ban Chấp hành Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố chủ yếu là kiêm nhiệm như việc Chủ tịch Hội là Tổng Biên tập Báo hoặc Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, thành phố.
Trong khi đó Chủ tịch Hội phải dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc chuyên môn tại cơ quan báo chí, do vậy bộ phận thường trực Hội, văn phòng chuyên trách có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ phải năng nổ, nhiệt tình, phát huy hết tinh thần trách nhiệm, phải có đủ về số lượng cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng, phải có uy tín để tập hợp các chi hội, hội viên.

Tán thành ý kiến của nhà báo Nguyễn Đình Trai, nhà báo nhà báo Nguyễn Bình Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang cho rằng, để Hội Nhà báo không ngừng lớn mạnh, đòi hỏi người cán bộ làm công tác hội phải thông thạo nhiều việc thể hiện rõ ở uy tín, tâm huyết, trách nhiệm. Nếu không đủ uy tín sẽ rất khó gắn kết, tập hợp các cơ quan báo chí trên địa bàn. Nếu không có uy tín hoạt động của hội sẽ không tranh thủ được sự lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương.

Để có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao

Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là bộ phận thường trực chuyên trách, các Hội tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng các chương trình hoạt động nghiệp vụ gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Theo nhà báo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hội là nâng cao chất lượng hội viên, người làm báo; tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và tổ chức các hội nghị chuyên đề cho hội viên về chính trị, thời sự, tình hình hoạt động báo chí hiện đại, những kỹ năng chuyên ngành của báo chí…

Cũng theo nhà báo Nguyễn Thế Dũng, muốn có hội viên đoạt giải báo chí quốc gia, các Hội nhà báo địa phương cần trang bị cho hội viên của mình định hướng đúng đắn để chọn được các đề tài hay, có ý nghĩa thiết thực và đầu tư thích đáng. Nhiều vấn đề mới, nóng hổi tính thời sự, nhưng cách tiếp cận, khai thác thông tin không mới, khiến vấn đề không được phản ánh đa chiều như thực tế sinh động vốn có của nó.

Để khắc phục những hạn chế này, theo nhà báo Nguyễn Thế Dũng, nhà báo – hội viên phải phải khách quan, trung thực. Mỗi bài viết, sản phẩm báo phải thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phải nói tiếng nói của người dân tại cơ sở, chứ không đơn thuần là những bài viết một cách khô cứng, đơn điệu và ít có sự sáng tạo, đổi mới.

Đồng thời, trách nhiệm của người đúng đầu các Hội nhà báo địa phương là tổ chức thêm các sân chơi nghiệp vụ bổ ích, các giải báo chí nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên – nhà báo.

Hội Nhà báo tại địa phương sẽ rất khó thực hiện được nhiệm vụ nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là cơ quan báo chí. Vì vậy, cần gắn kết chặt chẽ giữa hội với các cơ quan báo chí, chủ động mở rộng quan hệ với các ngành, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo tỉnh những khó khăn, vướng mắc để tạo sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhà báo Nguyễn Công Đán, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Giám đốc Đài PT-TH Hưng Yên:

Cán bộ Hội phải đoàn kết, tâm huyết và có uy tín cao

Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực xây dựng tổ chức hội vững mạnh xứng đáng là “ngôi nhà chung” cho những người làm báo. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo chuyên môn nghiệp vụ…, góp phần nâng cao kỹ năng làm báo cho hội viên.

Kinh nghiệm chúng tôi rút ra trong quá trình tổ chức, hoạt động là các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo phải thực sự đoàn kết, thống nhất. Thường trực Hội tâm huyết với công tác Hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên. Thủ trưởng các cơ quan báo chí, và thư ký các chi hội đồng tâm, nhất trí cao trong việc duy trì hoạt động ở các chi hội. Hội tổ chức các cuộc thi báo chí hằng năm, theo chuyên đề thu hút hội viên tham gia; động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể tiêu biểu. Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Hưng Yên phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, trường học, tranh thủ sự ủng hộ của họ để nâng cao chất lượng hoạt động, tạo uy tín và vị thế cho tổ chức Hội.

Nhà báo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang:

Phải có sự đổi mới mạnh mẽ ở các cấp Hội Nhà báo

Tôi cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức làm báo; cần sự đầu tư tâm huyết, một ý chí quyết tâm vượt lên – không bằng lòng với chính mình của cả những nhà quản lý và đội ngũ các nhà báo. Có như vậy, lực lượng báo chí của chúng ta nói chung và báo chí tại địa phương mới hấp dẫn, thu hút được bạn đọc, người xem; mới nâng cao được hiệu quả tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Hội nhà báo ở các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; mạnh dạn phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân, các gương người tốt việc tốt, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí và người làm báo, phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong bối cảnh, tình hình mới.

Nhà báo Nguyễn Bình Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang:

Cần có cơ chế biểu dương khen ngợi, kịp thời

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, tôi cho rằng cần phải làm công tác thi đua khen thưởng ngay từ cơ sở. Công tác thi đua, khen thưởng phải gắn với hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phải làm sao phát huy được khả năng sáng tạo của người làm báo, dám dấn thân thực hiện những đề tài, vấn đề khó, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội. Cùng với việc biểu dương kịp thời những hội viên, tập thể chi hội có thành tích thì phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ nhà báo trong sạch, tạo hình ảnh tốt đẹp trước công chúng.

Nhà báo Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên:

Không thể mạnh ai nấy “đẽo” mãi được

Hội Nhà báo địa phương đang gặp nhiều khó khăn đó là do vai trò của Hội bị xem nhẹ, số biên chế không được quy định cụ thể. Kinh phí được cấp không được hạch toán mà chỉ là hỗ trợ, do vậy phụ thuộc nhiều vào cơ chế xin cho các báo, đài. Từ những khó khăn này, theo tôi, Hội Nhà báo Việt Nam cần chủ động cụ thể hóa Chỉ thị 37/2004 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 9) và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, từ đó tạo thành một thể thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, góp phần khẳng định vai trò, vị trí tại địa phương.

Nhà báo Trần Văn Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang:

Điều kiện cho một tác phẩm báo chí hay

Làm thế nào để có một tác phẩm báo chí tốt? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, quen thuộc với những người làm báo; nhưng để mổ xẻ nó đến tận cùng có nhiều vấn đề khá thú vị.

Theo tôi, lòng đam mê, sự dấn thân, tính sáng tạo của nhà báo quyết định nhiều đến “chất lượng” của một bài báo. Một bài báo hay chỉ có thể là sản phẩm của sự đầu tư đúng mức của các nhà báo; mà trong đó nếu có nghiệp vụ giỏi không chưa đủ, mà cần phải có lòng yêu nghề, sự đam mê, một tình yêu và sự rung động trước cuộc sống con người.

Chính kinh nghiệm, sự sáng tạo và cái tâm của nhà báo trong quy trình sáng tác một tác phẩm báo chí sẽ quyết định đến chất lượng tác phẩm đó. Điều này phụ thuộc vào sự tự thân rèn luyện, tích lũy, không ngừng nâng cao nghiệp vụ của nhà báo. Trong đó, dấu ấn của người đứng đầu các cơ quan báo chí thể hiện rõ nét thông qua việc đào tạo đội ngũ phóng viên giỏi chuyên môn, yêu nghề, có máu lửa với nghề.

 

Bài: Ngọc Thành

Ảnh: Cường Phạm

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top