Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Chủ tịch nước: Tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng cử nhân luật

Sáng 13/5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo năm 2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phiên họp này, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án hình sự và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoàn thiện Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật theo kết luận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo trong các phiên họp trước.

Về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, một số thành viên dự họp đề nghị, cần mạnh dạn xây dựng quy hoạch lại mạng lưới đào tạo cử nhân luật, đưa ra các tiêu chí cao hơn.

Cần có cơ quan chủ trì xây dựng mạng lưới quy hoạch các cơ sở đào tạo về luật, có lộ trình rõ ràng, khoa học, khả thi. Cần bổ sung điều kiện chia tách, thành lập mới các cơ sở đào tạo cử nhân luật; có biện pháp xử lý đối với các đơn vị đào tạo luật không đạt chuẩn…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh nâng cao chất lượng đào tạo luật là một vấn đề cấp bách hiện nay, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Và đây là lần thứ ba trong một năm rưỡi qua Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, do Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo.

Cho rằng Đề án triển khai chậm tiến độ và thiếu tính khả thi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung hoàn thiện Đề án.

Theo Chủ tịch nước Đề án chưa tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, nhất là yêu cầu chặt chẽ về việc nâng cao chất lượng cử nhân luật chưa được thể hiện rõ.

Hiện có tới gần 100 cơ sở đào tạo về luật nhưng nhiều đơn vị không đủ giảng viên, cơ sở vật chất.

Chủ tịch nước nhắc lại Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị là phải tập trung vào hai trường trọng điểm gồm Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nêu các tồn tại đó, Trưởng  Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương yêu cầu có các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ, tăng cường kiểm soát. Mạnh dạn, kiên quyết trong quy hoạch mạng lưới, giáo trình, giáo án, tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, giáo viên cơ hữu...

Chủ tịch nước nhắc lại tinh thần từ phiên họp trước của Ban Chỉ đạo giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thay mặt Ban Chỉ đạo thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ vấn đề đào tạo cử nhân luật để trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam với tinh thần "quý hồ tinh bất quý hồ đa;" phục vụ tốt hơn sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

Đối với công tác thi hành án hình sự, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là vấn đề hệ trọng, cần tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại 14 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo năm 2022, yêu cầu các thành viên thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm là thành lập một số đoàn công tác do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi khảo sát về tình hình công tác tư pháp  và cải cách tư pháp tại một số cơ quan trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan tư pháp, qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ./.

Theo TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top