Chiến thắng Điện Biên Phủ: Kỳ tích của lịch sử

22:05 10/04/2024 - Văn hóa xã hội
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn là một kỳ tích trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ 20, tạo động lực cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Âm vang Điện Biên

Năm 1954, quân và dân Việt Nam anh hùng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tạc vào trang sử vàng của dân tộc một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại. Đó là đỉnh cao của chiến công giữ nước trong lịch sử Việt Nam.

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch _ Ảnh: hochiminh.vn

Trận Điện Biên Phủ được hình thành từng bước trong tính toán chiến lược của ta và thực dân Pháp, là một trận đánh cả hai bên đều chủ động chuẩn bị. Lúc bấy giờ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương - Tướng Nava đề ra một kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Nội dung cơ bản của kế hoạch là tập trung binh lực, xây dựng khối cơ động chiến lược thật mạnh, đủ sức tiến công tiêu diệt chủ lực ta, nhằm giành thế chủ động trên chiến trường.

Tuy nhiên, quân ta đã mở những đợt tiến công trên nhiều hướng khiến kế hoạch tập trung quân của Nava ở đồng bằng Bắc Bộ bị thất bại. Bộ chỉ huy quân Pháp buộc phải từng bước điều quân lên Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một điểm tập trung quân và là tâm điểm của kế hoạch Nava, với mong muốn thu hút chủ lực của ta, để thực hiện một trận đánh quyết định. Điện Biên Phủ vì thế đã trở thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp, gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành các cụm cứ điểm liên hoàn. Lực lượng địch tập trung ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 quân, chiếm một phần ba số quân cơ động của Pháp trên toàn chiến trường Bắc Bộ và phần lớn là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ. Với lực lượng đông và mạnh, Nava cùng các tướng cao cấp của Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ như "một pháo đài không thể công phá".

Về phía ta, từ việc đề ra phương châm, kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 khiến địch phải phân tán lực lượng, đầu tháng 12/1953, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sự lựa chọn này là kết quả của một quá trình xem xét, tính toán, cân nhắc với tầm nhìn chiến lược rộng lớn của Bộ Chính trị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ta, Điện Biên Phủ xét theo nhiều phương diện là chiến dịch lớn nhất, một "trận quyết chiến chiến lược" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dưới sự Chỉ huy chiến dịch của Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng quân số chủ lực của ta lên tới 55.000 người. Ngoài quân chủ lực còn có một bộ phận lực lượng bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích thuộc Liên khu 3, Liên khu 4, Việt Bắc, Tây Bắc và hơn 160.000 dân công khắp mọi miền phục vụ chiến đấu.

Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã mở những đợt tiến công cuối cùng vào sào huyệt của Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đập tan một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trên chiến trường Đông Dương, kết thúc thắng lợi Chiến cuộc Đông-Xuân 1953 -1 954. Niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ tràn ngập trên đất nước Việt Nam, âm vang Điện Biên lan tỏa tới bè bạn khắp năm châu. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã chấm dứt sự đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với dân tộc ta, đồng thời mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Tư tưởng nhân văn của vị Tổng tư lệnh

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu diễn ra cách đây đã 70 năm, nhưng “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” luôn là cụm từ được người dân cất lên với lòng tự hào, kính trọng mỗi khi nhắc tới sự kiện lịch sử trọng đại này. Trong lòng nhân dân, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một danh tướng, một “nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, mà còn là một “cây đại thụ rợp bóng nhân văn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953) _ Ảnh: TL

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được coi là quyết định khó khăn nhất - như chính Đại tướng cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn, nhân nghĩa của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.

Trước khi đưa ra quyết định quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp trao đổi, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn; bàn bạc, thảo luận dân chủ trong hội nghị Đảng ủy mở rộng và Bộ chỉ huy chiến dịch. Tại thời điểm đó, không phải không có những ý kiến trái chiều, thậm chí không đồng tình với việc thay đổi phương châm tác chiến khi mà “giờ G” đã cận kề, bộ đội đã ở tư thế sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, bằng sự phân tích khoa học, sát thực với tình hình thực tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bình tĩnh, kiên trì thuyết phục để tìm bằng được sự đồng thuận của các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch về quyết định thay đổi phương châm tác chiến một cách kịp thời.

Là một nhà cầm quân đương nhiên cần phải khát khao chiến thắng, nhất lại là trong một chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt như chiến dịch Điện Biên Phủ, song với Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với giảm hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng ra, còn nhằm giảm tổn thất, hy sinh cho bộ đội, bởi đối với ông, quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sĩ và nhân dân. Nói như cố Thượng tướng Trần Văn Trà thì "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh!".

“Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp” hãy còn đó câu chuyện vị Tổng chỉ huy với hơn mười ngày không ăn, không ngủ để lo tính kế đánh giặc; là câu chuyện xây dựng một hậu phương chiến lược vững mạnh và một hậu phương tại chỗ được bằng sức mạnh của “nhân sơn”,”nhân hải”; là câu chuyện đối đãi với đối phương “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”;...

Trải qua “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...” ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có việc xử lý khéo léo, kiên quyết, chính xác mối quan hệ của người đứng đầu chiến dịch với tập thể lãnh đạo mặt trận để lựa chọn cách đánh hiệu quả nhất cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tướng De Castries khi được hỏi, suy nghĩ thế nào về trận chiến ở nơi mà bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố là pháo đài bất khả xâm phạm, đã chua chát trả lời: "Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài". Sau này De Castries - người từng theo học Trường Quân sự Saint Cyr nổi tiếng thế giới vẫn không khỏi băn khoăn: "Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào".

Chất nhân văn trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chính là hiện thân của tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam được tích tụ qua hàng nghìn năm lịch sử và được tỏa sáng, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam vẫn mãi là chiến thắng có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ là hiện thân của sức mạnh đoàn kết dân tộc, hội tụ tinh thần khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Hà Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top