Cà Mau đề nghị xử lý thông tin không chính xác về '85% mật ong có pha chế'
15:59 17/08/2016
- Báo chí & Công chúng
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trường hợp đăng thông tin không chính xác trong bài viết “85% mật ong đặc sản tại Cà Mau bị pha chế thêm nước đường”.
Nội dung đăng phát lại trên Đài truyền hình Việt Nam (ảnh từ Videoclip)
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý trường hợp đăng thông tin không chính xác trong bài viết “85% mật ong đặc sản tại Cà Mau bị pha chế thêm nước đường”.
Cũng theo cổng thông tin điện tử, trước đó, ngày 10/8/2016, Thông tấn xã Việt Nam có đăng bài “85% mật ong đặc sản tại Cà Mau bị pha chế thêm nước đường”, của tác giả Trần Thành Nên. Bài báo cho rằng “Theo kết quả kiểm tra chất lượng mật ong của Chi cục Quản lý thị trường Cà Mau mới đây cho thấy, có tới 85% mật ong được bày bán ra thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất…” và nhiều nội dung khác.
Sau khi phát hiện bài báo trên, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Công thương cùng các ngành chức năng xác minh thông tin, làm việc trực tiếp với Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Cà Mau (tác giả bài viết). Kết quả xác minh cụ thể:
Việc viện dẫn nguồn tin “Theo kết quả kiểm tra chất lượng mật ong của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau” là sai sự thật. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chưa tổ chức kiểm tra nội dung này.
Nội dung bài báo kết luận “có 85% mật ong được bày bán ra thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất” là không có cơ sở. Kết quả này do tác giả bài báo thu thập qua kết quả tự khảo sát và đưa ra ý kiến chủ quan của mình, không phải “Theo kết quả kiểm tra chất lượng mật ong của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau” hay kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung bài báo nêu “Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã yêu cầu các cơ sở mua bán mật ong phải đăng ký cam kết mật ong nguyên chất” và “Khuyến cáo người tiêu dùng không phải ở địa phương khi có nhu cầu mua mật ong cần thận trọng” là sai sự thật. Qua làm việc trực tiếp với tác giả Trần Thành Nên, tác giả thừa nhận nội dung này là ý đề xuất của tác giả bài báo.
Từ kết quả trên cho thấy: Việc viện dẫn nguồn tin bài báo không đúng sự thật, đã vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản: “a) Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí”.
Về nội dung bài báo nêu “85% mật ong được bày bán trên thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất”, theo trình bày của tác giả Trần Thành Nên, việc xác định “85% mật ong được bày bán ra trên thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất” qua các lý do sau: Phóng viên khảo sát tại cơ sở bán mật ong; phóng viên khảo sát từ người tiêu dùng; phóng viên thâm nhập vào các cơ sở nuôi ong. Đây là ý kiến kết luận chủ quan của tác giả, không phải là kết quả qua kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường hay kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trong thực tế, nhiều cơ sở chế biến mật ong trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, trang thiết bị để tách dư lượng nước tồn trong mật ong, nhằm đảm bảo chất lượng của mật ong, đảm bảo thương hiệu mật ong U Minh Hạ. Tuy nhiên, việc một số mật ong tồn dư nước hay có đường có thể do một số hộ dân nhỏ lẻ, nuôi ong lén lút cho ong uống nước đường hoặc do mật ong thiên nhiên khai thác vào mùa mưa còn dư lượng nước, không qua cơ sở chế biến để tách nước.
Vì vậy, kết luận của bài báo “có tới 85% mật ong được bày bán ra thị trường của tỉnh đều không còn nguyên chất” là không có cơ sở, làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm mật ong của tỉnh Cà Mau - đặc sản vùng U Minh Hạ (Nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Hạ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận), gây thiệt hại lớn đến người sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và khách tham quan du lịch của tỉnh. Đồng thời, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến đời sống của đại bộ phận nhân dân lao động nghèo sống trên các lâm phần rừng tràm, sống chủ yếu bằng nghề gác kèo ong và lấy mật ong tự đóng tổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
Nội dung đăng trên Cổng thông tin điện tử cho rằng, việc đăng bài báo trên đã vi phạm điểm a, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản: “a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Theo nội dung trên, qua nội dung bài báo “85% mật ong đặc sản tại Cà Mau bị pha chế thêm nước đường” đăng trên Thông tấn xã Việt Nam ngày 10/8/2016 đã có nhiều cơ quan báo chí trích dẫn lại, như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Người Lao động, Cafe F,…
Từ những vấn đề trên, UBND tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam đăng đính chính thông tin nêu trên, nhằm tránh thiệt hại cho người dân tỉnh Cà Mau. Đồng thời, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan đến bài viết trên theo đúng quy định của pháp luật.
Văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu cơ quan Thông tấn xã Việt Nam phải có văn bản chính thức xin lỗi người dân, những người kinh doanh mật ong, những người sinh sống bằng nghề gác kèo ong tại lâm phần rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau vì thông tin sai sự thật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ.
Nguồn: Infonet
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)
- Vai trò của báo chí trong truyền thông bảo vệ môi trường (03:25 18/06/2024)