Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bức tranh đa sắc truyền thông thế giới năm 2021

05:59 01/02/2022 - Thế giới
Tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, 2021 vẫn là một năm chưa có nhiều khởi sắc với những gam màu trầm bao phủ các trang báo như các sự kiện chính biến, bất hòa ngoại giao, thiên tai, nhân tai… Tuy vậy, những ánh sáng của hy vọng trong năm 2022 vẫn hiện hữu, để tất cả người dân cùng nỗ lực vượt qua khó khăn vững tin một tương lai tươi sáng trong 365 ngày tới…

Chiến dịch tiêm vắc xin diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/6/2021_Ảnh: Huu Khoa

Những tầng màu buồn

Báo chí và truyền thông dành sự chú ý lớn cho Covid-19 trong khi dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021. Liên tục lan sang các châu lục, tạo nên những làn sóng dịch mới, Virus SARS CoV-2 đã khiến hơn 5 triệu người trên toàn cầu tử vong. Nội dung về đại dịch chiếm sóng ở các bản tin hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng cũng như trong các chuyên đề. Phạm vi đưa tin cũng không bị hạn chế khi báo chí các nước thông tin và học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm phòng, chống dịch, tạo nên nguồn tham khảo hữu ích cho chính quyền.

Màu buồn do dịch Covid-19 còn được trực quan khắc sâu, bởi những hình ảnh day dứt do dịch bệnh gây ra. Một bức ảnh từng gây rúng động trên các trang báo và đài truyền hình khắp thế giới là quang cảnh lửa rực đỏ bởi việc hỏa thiêu nạn nhân Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ. Reuters đã xếp bức ảnh đó vào một trong 97 hình ảnh của năm 2021. Bên cạnh những ảnh hưởng của Covid-19, những cuộc chính biến, xung đột và mâu thuẫn giữa các nước cũng “pha” thêm màu khói lửa trong bối cảnh ảm đạm của năm.

Việc Taliban chiếm quyền Afghanistan cũng là một sự kiện được truyền thông thế giới quan tâm. Ngay trong khi Mỹ đang hoàn tất việc rút quân tại đất nước nhiều khói lửa này, Taliban đã chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan và ồ ạt tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8/2021. Khung cảnh dòng người Afghanistan và công dân nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô khiến truyền thông toàn cầu thêm phần rúng động. Nối tiếp đó là chính biến ở Myanmar, niềm hy vọng trong những chuyến di cư vào Mỹ, châu Âu của người tị nạn,… chấm thêm sắc buồn.

Ngoài ra, vấn đề chính trị vẫn là tâm điểm trên các phương tiện báo chí truyền thông. Trong đó, mâu thuẫn ngoại giao giữa các cường quốc là Pháp và Úc, Mỹ, Anh liên quan đến hợp đồng mua bán tàu ngầm “hâm nóng” những lời bình trên báo chí. Báo chí hai bên trích lời các lãnh đạo đã tạo ra những màn “đấu đá” không nhân nhượng trong lịch sử ngoại giao và truyền thông. Báo chí quốc tế cũng bất ngờ trước mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm của các nước đồng minh. “Những cú đâm sau lưng” hay “sự phản bội” xuất hiện thường xuyên trong các chương trình hay bản tin “nóng”.

Cùng với căng thẳng trong chính trị, sự ảm đạm của kinh tế - xã hội do đại dịch, loài người còn đối mặt với tình trạng tin giả, tin sai lệch diễn ra tràn lan trên không gian mạng. Theo thống kê vào tháng 6/2021, 86% số người dùng Internet đều đã đối mặt với tin giả. Khi đó, các cơ quan truyền thông, tòa soạn, tờ báo đã liên tục gióng lên hồi chuông về vấn nạn tin giả, đồng thời, cũng là “kẻ phân minh” đứng ra để làm nguồn tin tức chính thống cho bạn đọc. Điều tra của Viện nghiên cứu Reuters tổng kết năm 2021 cũng cho biết, mức độ tin cậy về tin tức trên báo chí cao hơn hẳn so với trên các nền tảng mạng xã hội. Đây cũng là một tin vui cho nền báo chí toàn cầu nói chung và các nước nói riêng, khi khẳng định được vị thế cũng như vai trò của mình trong các hoạt động truyền thông và thực hiện nhiệm vụ chính trị-kinh tế.

Tuy vậy, 2021 vẫn là một năm đầy khó khăn của ngành báo chí nói chung khi lượng ngân sách quảng cáo sụt giảm trên toàn cầu. Trong đó, báo in chịu sự tác động trực tiếp. Tại Việt Nam, một số tòa soạn cũng cũng phải dừng xuất bản bản in trong thời gian nhất định. Trái lại, xu hướng người đọc lựa chọn các sản phẩm báo điện tử, truyền hình,… lại tăng cao.

Thống kê vào tháng 6/2021, 86% số người dùng Internet đều đã đối mặt với tin giả

Sắc màu lạc quan

Cùng với việc phản ánh những hiện thực khách quan tươi sáng của thế giới, truyền thông báo chí cũng thổi vào cảm quan người đọc những góc nhìn tràn đầy hy vọng.

Không chỉ đưa tin với màu sắc khách quan, người làm báo còn đi sâu tìm kiếm, sáng tạo và khai thác nội dung, mang đến các mẩu chuyện xúc động về tình người trong đại dịch. Cách con người giúp đỡ lẫn nhau, cách lan tỏa những thông điệp yêu thương vô cùng giản dị, và cách cả thế giới kiên nhẫn cùng nhau vượt qua đại dịch. Đó là một số ít trong nhiều bài viết từ góc nhìn hướng về “mặt trời” của người làm báo trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, những hình mẫu ấy đều được ca tụng trên mặt báo, trở thành ngưỡng lạc quan mới cho người dân trong đại dịch. Cùng với đó là hoạt động hỗ trợ lẫn nhau của các nước nhằm rút ngắn sự bất công bằng trong việc phân phối vắc-xin, giảm thiểu khoảng cách hồi phục hậu đại dịch.

Trong thực tế bình thường mới, xu hướng phát triển của ngành báo chí truyền thông cũng như ngành công nghệ có sự chuyển biến rõ rệt. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Reuters và Trường đại học Oxford tại thị trường châu Âu, dù cho không có lệnh cấm đi lại ban hành, tỷ lệ người dùng sử dụng truyền hình vẫn tăng lên. Cùng với đó, người dùng có xu hướng ưa chuộng dạng phương tiện podcast, để trống một thị trường “dù cũ mà mới” cho ngành báo chí và truyền thông tận dụng.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển mới mẻ của “vũ trụ ảo” với sự dẫn dắt đầu tàu của Meta (trước đó là Facebook) và Tencent Holdings cũng báo hiệu những dấu hiệu đáng mừng cho việc chuyển mình của công nghệ. Sự chiếm sóng rầm rộ của tiền điện tử, bất động sản kỹ thuật số hay tác phẩm nghệ thuật NFT đã và đang khiến thị trường đầu tư blockchain nóng hơn bao giờ hết. Những thông tin này không chỉ thắp sáng hơn “quang cảnh” thế giới, mà còn mang đến “mảnh đất” nội dung mới cho ngành truyền thông.

Trong năm 2021, báo chí, truyền thông đã tận dụng sự rộng rãi của mạng xã hội để tiếp cận đến nhiều đối tượng người đọc. Mối quan hệ giữa báo chí và các nền tảng mạng xã hội tại nhiều quốc gia đã trở thành mối quan hệ cộng sinh khi các ông lớn công nghệ như Facebook, Google,… trả tiền sử dụng nội dung cho báo chí. Trong năm qua, ngành truyền thông đã không ngừng vận động và có những dịch chuyển đáng kể cùng thời đại. Những sự kiện thể thao, lễ hội trong năm 2021 và các sự kiện thiên văn học nổi bật góp phần tạo nên một năm cũ đa sắc màu. Trong đó, chúng ta vẫn thấy được hiện diện sự nỗ lực của con người để sống và phát triển, khao khát vươn ra vũ trụ và tìm kiếm những nét diệu kỳ của tạo hóa. Chỉ bấy nhiêu thôi, người viết đã giúp lan tỏa một màu sắc tích cực trên “pho sử sống” về toàn cảnh thế giới.

Có thể nói, phản ánh đa dạng mọi mặt của đời sống từ khái quát đến tỉ mẩn khắc sâu những câu chuyện ở ngóc ngách nhỏ, báo chí, truyền thông đã tái hiện một thế giới vô cùng đa dạng và nhiều biến động trong năm 2021. Không thể phủ nhận việc tồn tại quá nhiều những gam màu trầm trong một năm đại dịch vẫn thống trị, vậy nhưng những góc sáng tự thân vẫn vươn mình tỏa sáng, những góc sáng từ lăng kính báo chí chiếu thêm rung động cho người đọc. Để từ đó, ánh sáng nối dài đến năm 2022, giúp khởi động một năm mới với nhiều nghị lực và hy vọng trong mỗi cá nhân cũng như tập thể và cả thế giới./.

Khánh Trinh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top