Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí và doanh nghiệp - Mối quan hệ tương hỗ

Mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều…

Nhà báo Nguyễn Bé phát biểu tại hội thảo  Ảnh: TL

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2016), trong buổi gặp gỡ đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tham dự “Chương trình Nhà báo đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò và sức mạnh của báo chí trong việc phục vụ sự phát triển đất nước, trong đó góp phần đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hội nhập với thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh và tầm vóc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với quốc tế.

Hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế, nhiều hiệp định thương mại mậu dịch tự do được ký kết, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cầu nối thông tin chính xác, nhanh nhạy giữa các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, để từ đó có được những chính sách thay đổi đúng hướng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Báo chí phải nhận thức được nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp trong “biển” thông tin đa chiều, đó là tính chính xác của thông tin. Cơ quan báo chí phải cố gắng tiếp cận, phản ánh doanh nghiệp cả về nội dung lẫn hình thức thông tin, không vì cạnh tranh thông tin mà lôi kéo độc giả để thương mại hoá tờ báo. Không vì lợi nhuận dẫn đến hậu quả thông tin thiếu trung thực hoặc chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau làm suy giảm lòng tin đối với người đọc nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Bất kể hình thức báo chí truyền thống hay báo chí hiện đại, mục tiêu của báo chí không chỉ là cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong một số trường hợp, báo chí giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Kể cả những chính sách quản lý kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập cũng được báo chí phân tích, mổ xẻ để góp tiếng nói cùng các cơ quan quản lý nhà nước ngày một hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách; tạo môi trường mở giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển.

Mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều: Doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp chứ không phải là sự xin - cho. Doanh nghiệp cần đến báo chí để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giới thiệu dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, tương tác thông tin.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể thiếu. Báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở với nhau, tin cậy, tôn trọng nhau cùng một mục tiêu chung là tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng. Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác và báo giới cần khách quan và linh hoạt trong việc đưa thông tin chính xác đến với công chúng.

Thời gian qua, bên cạnh mối quan hệ tích cực, thì đâu đó vẫn còn một số bất cập, thậm chí bức xúc, dẫn đến việc thông tin thiếu chính xác trên báo chí gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là: thứ nhất, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ chế phát ngôn của từng cơ quan đơn vị vẫn chưa làm tròn sứ mệnh của mình; thứ hai, một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để phê bình vô căn cứ, thổi phồng quá mức sự việc để làm tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Với trách nhiệm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi luôn chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho những người làm báo. Đặc biệt, Hội đã tạo điều kiện cho hội viên, nhất là những phóng viên nhà báo chuyên viết về mảng kinh tế được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Đã tạo được một số diễn đàn, hội thảo, trao đổi giữa báo chí và doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đối thoại để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của báo chí và doanh nghiệp.

Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng cơ chế, chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những hội viên tài năng, những hội viên có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tăng cường hơn các cuộc thi, giải thưởng báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Video hội thảo "Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập hiện nay"

Nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.