Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí đi đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

15:29 01/07/2016 - Góc nhìn
Xin đừng nhân danh hội nhập, giao lưu, mở cửa để sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách tùy tiện, cẩu thả. Nếu không ứng xử, coi trọng đúng mực tiếng Việt thì không chỉ có tội đối với tổ tiên và các bậc tiền nhân, mà còn có lỗi đối với các thế hệ mai sau.

Những giá trị thuần khiết, trong sáng, tinh tế của tiếng Việt cần phải được giữ gìn, bảo vệ. Ảnh minh họa

1. Nói về tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, có lẽ hiếm ai thâm thúy, uyên bác như Phạm Quỳnh khi đánh giá một câu rất ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Truyện Kiều, như các học giả xưa nay từng nhận xét, chỉ nói về phạm vi ngôn ngữ, đây là tác phẩm kết tinh những gì tinh túy nhất của ngôn ngữ tiếng Việt. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam ta, từ già đến trẻ, hầu như ai cũng thuộc lòng ít nhất vài ba câu Kiều. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian và in đậm trong tâm thức người Việt, trước hết là vì ngôn từ tác phẩm vừa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật bác học, vừa rất đỗi thân quen, bình dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Và theo như ý tứ của cố học giả Phạm Quỳnh, Truyện Kiều sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt Nam bởi bắt nguồn từ chính những phẩm chất, giá trị, ý nghĩa cao đẹp của ngôn từ tiếng Việt đã làm nên hồn cốt của tác phẩm này.

2. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Câu nói tưởng chừng như ai cũng biết, ai cũng hiểu, ai cũng “nằm lòng”. Ấy thế mà thời gian qua, khi vô tình, lúc cố ý, không ít người coi thường tiếng mẹ đẻ, lấy ngôn ngữ của tổ tiên, ông cha ra để “thay hình đổi dạng”, biến tấu, “đùa giỡn”, lắp ghép “đầu Ngô mình Sở”, thậm chí nhạo báng, làm “trò tiêu khiển” như một thứ mua vui nhất thời. Từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, nếu lưu tâm để ý trong môi trường giao tiếp ứng xử hàng ngày, nhiều người dân, đặc biệt là lớp trẻ, đã “làm xiếc” tiếng Việt một cách vô tội vạ. “Làm xiếc” ở đây tức là họ sử dụng ngôn từ không theo một quy chuẩn, nguyên tắc nào, tự ý “đẻ ra” những ngôn từ lạ lẫm, khó hiểu hay biến tấu những câu từ vốn tinh tế, đẹp đẽ thành những lời lẽ thô ráp, kệch cỡm. Đáng buồn hơn, thay vì tôn trọng cú pháp tiếng Việt, không ít người trẻ đã “phát minh” ra cách viết “dở tây dở ta” khiến các nhà ngôn ngữ học cũng hoàn toàn “bất lực” do không hiểu đó là thứ ngôn ngữ gì. Thậm chí, trong ngôn ngữ “chat” trên mạng, “nhắn tin” trên điện thoại di động của một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhiều câu từ trở nên ngô nghê, quái dị đã khiến tiếng Việt bị biến dạng, méo mó nghiêm trọng, làm vẩn đục môi trường văn hóa giao tiếp và làm “ô uế” vẻ đẹp trong sáng ngôn từ của ông cha. Nhiều câu nói, nhiều cách nói vốn rất nền nã, nhã nhặn, tinh tế, thể hiện nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử của người xưa, giờ cũng bị sử dụng, biến tấu một cách lệch lạc, từ nghĩa hay “bay” sang nghĩa dở, từ hàm ý tích cực sang ẩn ý tiêu cực.

3. Chưa bao giờ “môi trường sống” của tiếng Việt bị thách thức, đe dọa ghê gớm như hiện nay. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng báo động này? Do người dân chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ? Do người dân thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Do các cơ quan chức năng, những nhà giáo dục thiếu quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân tuân thủ, thực hiện tốt các quy tắc sử dụng tiếng ta một cách lành mạnh? Do một bộ phận người dân thiếu lòng tự trọng, tự hào đối với ngôn ngữ dân tộc? Do sự lấn át của các ngôn ngữ ngoại lai, nhất là sự “thống trị” của tiếng Anh? Chỉ ra các nguyên nhân đó có lẽ đúng, nhưng chưa đủ. Còn một “thủ phạm” nữa chính là không ít cơ quan... báo chí, xuất bản.

Đáng ra phải là nơi gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy chuẩn về giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp tiếng Việt, một số cơ quan báo chí, nhất là một số tờ báo dành cho giới trẻ và các báo điện tử, đã quá dễ dãi trong việc đăng tải các tin bài còn nhiều sơ suất, sai sót về văn phong, ngữ pháp tiếng Việt, sử dụng lẫn lộn tiếng ta với tiếng nước ngoài. Trong khi một số nhà báo thiếu hiểu biết về ngôn ngữ mẹ đẻ, ít, ngại và lười trau dồi tiếng Việt, có người lại tỏ thái độ sùng ngoại, lai căng, dùng từ ngữ thiếu chọn lọc trong khi viết bài và một vài cơ quan báo chí thiếu cẩn thận trong khâu biên tập, xuất bản nên vẫn để xảy ra nhiều “sạn” trên mặt báo. Việc làm này đã vô hình tiếp tay, cổ súy và tiêm nhiễm thói quen sử dụng tiếng Việt dễ dãi, cẩu thả cho độc giả. Một khi các cơ quan báo chí, xuất bản và những người làm báo, làm sách, làm thày không chú trọng giữ gìn sự trong sáng và góp công, góp sức làm đẹp thêm tiếng Việt, thì rất khó đòi hỏi công chúng, nhất là giới trẻ có ý thức bảo vệ ngôn ngữ của ông cha!

4. Tiếng Việt đang có nguy cơ bị phai nhòa bản sắc trước cơn lốc toàn cầu hóa và có khả năng bị chao đảo, nhấn chìm trong “dòng xoáy” của “thế giới phẳng”. Lời cảnh báo đó của các nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa xem ra không thừa và không phải là không có cơ sở! Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến lên tiếng báo động nghiêm khắc về sự biến dạng, méo mó của tiếng Việt, nhưng xem ra tình hình chưa có biến chuyển khả quan. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, giải pháp cũng đã được đề xuất, song tại sao tiếng Việt vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “ô nhiễm nặng nề” như dư luận đã nhiều lần cảnh tỉnh?

Dẫu biết rằng, ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, không phải là cái gì nhất thành bất biến, vì ngôn ngữ cũng như cuộc sống, nó cũng tuân theo quy luật phát triển của xã hội. Những từ ngữ cổ không còn phù hợp với xã hội hiện đại dần bị mất đi là điều dể hiểu. Cùng với đó là những từ mới ra đời để định danh, định vị thêm một công cụ mới, một tiến bộ khoa học mới, một nếp nghĩ mới... cũng dễ dàng được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, những giá trị thuần khiết, trong sáng, tinh tế của tiếng Việt đã được các thế hệ người Việt tạo dựng, bồi đắp, lưu trữ, trao truyền cần phải được giữ gìn, bảo vệ ở mọi lúc, mọi nơi.

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên bản sắc văn hóa và truyền thống văn hiến của một quốc gia, dân tộc. Lịch sử thế giới đã chứng minh: Nếu một dân tộc mà mất ngôn ngữ hay bị đồng hóa, đồng chủng, dân tộc đó khó có thể tìm lại gốc gác, cội rễ của mình. Không thấm nhuần sâu sắc điều này, tiếng Việt sẽ khó có thể giữ được vị thế, vai trò trong dòng chảy “ồ ạt, xô bồ” của quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Nguyễn Văn Hải

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top