Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bản lĩnh nhà báo cách mạng Phan Đăng Lưu

15:26 12/07/2016 - Chân dung nhà báo
Là một người yêu nước có chí khí, có bản lĩnh, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học và kết thúc cuộc đời trước họng súng quân thù khi tuổi đời chưa tròn bốn mươi trên cương vị một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản.

Nhà báo Phan ĐăngLưu. Ảnh:TL

Quan tâm bồi bổ,trau dồi kiến thức

Phan Đăng Lưu (1902-1941) là một người học vấn uyên thâm. Ông được gia đình cho học chữ Hán trong mười năm, từ năm lên sáu cho đến năm 16 tuổi, thuộc làu kinh sử, đến mức có tài liệu nói ông từng đi thi Hương, khoa thi cuối cùng ở Trung Kỳ. Chuyển sang học tiếng Pháp hơi muộn, ông học gần xong bậc Cao đẳng tiểu học thì buộc phải thi vào Trường Canh nông có lẽ vì đã lớn tuổi, không thể không kiếm việc làm giúp gia đình. Bất kỳ học ở trường nào, Phan Đăng Lưu cũng là học sinh xuất sắc.

Tuy nhiên, cái vốn kiến thức rộng sâu của ông không phải đơn thuần tiếp nhận trên ghế nhà trường, mà chủ yếu nhờ niềm khát khao hiểu biết và nếp học hỏi thường xuyên trong suốt cuộc đời ông. Lúc còn đi học, khi làm công chức, những ngày ở tù, thời hoạt động bí mật hoặc công khai, bất kỳ lúc nào và ở đâu ông cũng hết sức quan tâm bồi bổ, trau dồi kiến thức. Bạn bè, đồng chí và những ai quen biết đều khâm phục ông về tính cách này. Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm xuất bản năm 1988, học giả Đào Duy Anh nhớ lại: “Phan Đăng Lưu là người đọc sách nhiều, có Hán học, lại đọc được bạch thoại. Gặp Phan Đăng Lưu tôi rất mừng được một người cộng tác đắc lực trong việc biên tập bộ sách Quan hải tùng thư”. Những năm bị đày ở nhà tù Buôn Mê Thuột, Phan Đăng Lưu bắt đầu học và chẳng bao lâu sau nắm vững tiếng Ê Đê. Báo Tiếng dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ngày 2/1/1935 viết: “Ông Phan Đăng Lưu là một người ham nghiên cứu. Ở Buôn Mê Thuột có mấy năm, tiếng “mọi”, chữ “mọi” (từ chung chỉ các dân tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn và Tây Nguyên thời trước) cho đến phong tục mọi, ông đều thông thạo. Những bạn trí thức làng Đê cũng phải kính nể”. Về Pháp văn, Viện Bảo tàng Cách mạng hiện có lưu giữ bức thư ông viết tay từ Khám lớn Sài Gòn gửi cho con trai trong khi chờ đợi ngày bị đưa đi xử bắn. Bức thư ấy được nhiều nhà nghiên cứu thông thạo Pháp văn đánh giá là một trong những bức thư hay nhất của tử tù không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả về ngôn từ Pháp. Những bài báo tiếng Việt của Phan Đăng Lưu, đặc biệt là tiểu phẩm, đều súc tích và đầy trí tuệ.

Thời gian được làm báo công khai của Phan Đăng Lưu không dài, hơn ba năm, từ khi ông được thực dân Pháp trả lại tự do vào giữa năm 1936 cho đến cuối năm 1939. Lúc này, chủ nghĩa phát xít đã phát động Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà cầm quyền Pháp nhân cơ hội tăng cường đàn áp, bắt bớ, những người cách mạng buộc phải rút vào hoạt động bí mật. Nhưng khoảng thời gian ba năm ấy là một thời kỳ hoạt động rất sôi động của báo chí do Đảng ta lãnh đạo, để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý. Cùng với những người bạn cùng chí hướng trong đó có Hải Triều, Hải Thanh..., ông mua lại tờ Sông Hương vốn là một tờ báo mà mục đích tôn chỉ đơn thuần là “văn chương, khoa học và mỹ thuật” của nhà báo Phan Khôi chuẩn bị đóng cửa vì không có độc giả, và biến nó trở thành một tờ báo thông tin, ngôn luận chính trị được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Bọn thực dân biết vậy nên chúng luôn tìm cớ để bóp chết tờ báo. Báo Sông Hương (tục bản) bị đóng cửa, đã dự kiến chuyện ấy, Phan Đăng Lưu nhanh chóng cho ra luôn báo Dân, rồi Dân tiến, Dân muốn... Các nhà báo cách mạng hầu hết mới ra tù cùng tung hoành trên mặt trận ngôn luận công khai. Báo chí do Đảng lãnh đạo thời ấy đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của việc vận động cử tri bầu những người cách mạng hoặc nhân sĩ tương đối tiến bộ vào Viện Dân biểu Trung Kỳ.

    Công lao quan trọng của Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng nghiệp của ông thời bấy giờ là vận động thành lập mặt trận báo chí dân chủ, với nội dung chính là cùng nhau đấu tranh đòi hỏi tự do báo chí, thành lập nghiệp đoàn báo giới... Sau hai tháng chuẩn bị, Hội nghị báo giới Trung Kỳ chính thức họp ngày 27/3/1937 tại Huế. Hội nghị báo chí miền Trung đã tạo tiền lệ, góp phần đưa tới việc triệu tập Hội nghị báo giới Bắc Kỳ (họp ngày 24/4/1937 tại Hà Nội), và thúc đẩy việc tổ chức Hội nghị báo giới toàn quốc.

Sử dụng văn hóa như một phương tiện đấu tranh
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp vin vào tình trạng chiến tranh, đàn áp phong trào yêu nước, đóng cửa hàng loạt báo chí tiến bộ ở Đông Dương. Các nhà báo bị bắt vào tù hoặc, nếu không đủ căn cứ để buộc tội thì đưa đi giam lỏng (thời ấy gọi là đi “an trí”). Hội nghị Trung ương Đảng bầu Phan Đăng Lưu làm Tổng bí thư nhưng ông xin không nhận vì còn phải vào ngay Nam Bộ, cùng Xứ ủy Nam Kỳ bí mật lãnh đạo cách mạng.

Quãng đời hoạt động của Phan Đăng Lưu với tư cách là nhà báo với nội hàm trọn vẹn của hai từ ấy như đã nói, không dài. Nhưng đó là những năm tháng gặt hái được nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho các thế hệ sau, là thời gian khuếch trương thanh thế của báo chí cách mạng, gây ảnh hưởng to lớn trong nhân dân, trước hết là trong các tầng lớp trí thức, công chức, học sinh. Tư duy báo chí cũng như phong cách tác nghiệp của ông rất đáng cho các nhà báo chúng ta ngày nay học tập, suy ngẫm, vận dụng. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sự nghiệp báo chí của Phan Đăng Lưu rất cần được các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu sâu sắc và đầy đủ hơn nữa, làm bài học cho ngày nay và các thế hệ nhà báo mai sau.

Học tập Nguyễn Ái Quốc và quán triệt tư tưởng của Lênin về vai trò của sách báo và của văn hóa nói chung trong tiến trình cách mạng, Phan Đăng Lưu luôn tìm và tạo điều kiện để có thể sử dụng văn hóa như một phương tiện đấu tranh. Từ nửa cuối những năm 20 của thế kỷ trước, ông đã dịch và biên khảo tóm tắt các sách như Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế... cho bộ Quan Hải tùng thư do học giả Đào Duy Anh chủ trì. Thời gian bị đày ở Buôn Mê Thuột, ông cho ra tờ báo viết tay Doãn Đê tù báo (tờ báo của người Việt và người Ê Đê trong nhà tù - Doãn là từ người Thượng quen gọi người Kinh). Theo hồi ký của các nhà cách mạng từng bị đày ở Buôn Mê Thuột thời bấy giờ, tờ báo ấy - dĩ nhiên trong những điều kiện cực kỳ hạn chế, không chỉ là phương tiện thông tin, giải trí, góp phần giữ vững khí tiết của người cách mạng, mà còn nhằm mục đích sâu xa đoàn kết người Kinh với người Thượng, khuyến khích người Việt học tiếng Ê Đê, và qua đó tìm hiểu văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên...

Nhiều nhà cách mạng trên thế giới, bắt đầu từ Các Mác và F. Ăngghen, tiếp đó là Lênin đã có kinh nghiệm xuất bản sách báo từ nước ngoài gửi về trong nước vận động cách mạng. Đó là cách tốt nhất để trình bày đầy đủ tư tưởng, đường lối của mình mà không phải băn khoăn viết ra sao để có thể lách khỏi chiếc kéo kiểm duyệt của chế độ thống trị. Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng kinh nghiệm ấy khi Người cho ra đời tại nước ngoài báo Le Paria năm 1920 và tiếp đó báo Thanh niên năm 1925. Tuy nhiên, xuất bản báo chí trong nhà tù, coi đó là một lợi khí giáo dục và đấu tranh cách mạng, thì rất ít thấy. Phải chăng đó là một nét đặc sắc của báo chí Việt Nam ta? Bởi bất cứ tại nhà tù nào: Sơn La, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo thậm chí ngay tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội, các nhà cách mạng tiền bối cũng tìm cách ra báo dưới hình thức này hay hình thức khác, có khi “luận chiến” bằng... miệng.

Phan Đăng Lưu chủ trương và kiên trì thực hiện đường lối đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tập trung mũi nhọn vào việc đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và tay sai. Ông vận dụng nhuần nhị đường lối, sách lược này thời gian vẻn vẹn ba năm làm báo “hợp pháp” trong khuôn khổ luật lệ hà khắc của chế độ thực dân cho phép. Ông cùng các đồng chí đoàn kết, tập hợp các nhà báo không phân biệt quan điểm chính trị, văn hóa, miễn là họ có lòng yêu nước và tinh thần phản kháng chế độ thực dân, hoặc bất bình trước tình trạng nhiễu nhương trong xã hội. Tiêu biểu là sự phối hợp hành động của ông với báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước kiên cường vào thời gian này còn chưa hiểu rõ và do đó không ưa cộng sản. Ông lợi dụng diễn đàn báo Tiếng dân để cô lập và vạch mặt những tên bồi bút tệ hại nhất, nịnh bợ chế độ thực dân.

Kiên trì lập trường để đạt hiệu quả mong muốn

Điều mấu chốt đối với tất cả mọi người làm báo cách mạng là kiên trì lập trường và quan điểm báo chí đúng đắn. Điều đó tuyệt nhiên không đồng nghĩa với sự lên gân, lúc nào cũng đao to búa lớn, hay là với khuynh hướng biệt lập hẹp hòi. Cái quan trọng nhất trong việc thông tin, truyền bá quan điểm của mình - và điều này luôn luôn đúng - là làm sao cho người ta nghe lọt tai. Đấy là điều kiện, là tiền đề giúp báo chí làm trọn nhiệm vụ, đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả mong muốn.

Phan Đăng Lưu mỗi lần cầm bút là quan tâm trước hết đến bối cảnh ra báo và nhận rõ đối tượng (công chúng) của mình. Hãy xem lại những bài ông viết từ nhà tù Buôn Mê Thuột tố cáo chế độ lao tù, gửi đăng báo Tiếng dân. Phần lớn đã bị thực dân kiểm duyệt bỏ, không cho xuất hiện trên mặt báo, tuy nhiên nhà cầm quyền Pháp không thể không chú ý nội dung đúng đắn của các bài viết ấy. Theo tin của báo Đông Pháp, một tờ báo xuất bản công khai và “hợp pháp” tại Hà Nội thời bấy giờ, có lẽ vì có loạt bài ấy của Phan Đăng Lưu mà Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ phải đích thân lên Tây Nguyên thị sát thực trạng trong nhà tù Buôn Mê Thuột, tuyên bố “ghi nhận” một số yêu sách của tù chính trị và hứa hẹn sẽ có giải pháp cải thiện chế độ giam giữ.

Ngày nay, đọc lại một số bài báo của Phan Đăng Lưu trên báo chí xuất bản công khai thời 1936-1939, ta thú vị bởi tư liệu phong phú và lập luận đanh thép hàm chứa bên trong. Khi cần, ngòi bút của Phan Đăng Lưu sắc như gươm. Song phần lớn các trường hợp, lời văn của ông rất mềm dẻo, cách trình bày có lý có tình, đầy tính thuyết phục.

Thành thạo cả về Hán học và Tây học, song văn của ông chưa bao giờ mang tính bác học mà lúc nào cũng bình dị. Đọc lại 400 trang tuyển tác phẩm báo chí của ông do nhà nghiên cứu Nguyễn Thành biên soạn, hầu như ta không hề thấy ông sử dụng điển cố đông tây kim cổ. Ngược lại, hơi văn Phan Đăng Lưu luôn thoải mái, dung dị, mang giọng nói bình dân mà không kém phần trí tuệ. Tôi nghĩ, có lẽ một phần do hoàn cảnh phải đối phó với nhà cầm quyền thực dân và bươn chải để sống nhờ độc giả cho nên người viết phải tìm cách thích ứng, song cái cơ bản hơn, sâu xa hơn, chắc chắn là xuất phát từ căn cốt của một mà cách mạng luôn liên hệ máu thịt với nhân dân lao động. Tính chất “đời thường” ấy của báo chí, những người làm báo cách mạng từng có thời hầu như lãng quên, làm cho báo chí ta trở nên xơ cứng, khó đi vào lòng dân.

Tác giả bài này may mắn được ông Phan Đăng Tài, em ruột Phan Đăng Lưu, cho xem nguyên bản bức thư nói trên trước khi gia đình tặng Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Thư viết bằng bút sắt, mực xanh, nét chữ rất đẹp, trên tờ giấy khổ A4 gấp lại thành bốn trang. Do thư viết trong tù, ông chỉ dặn con những điều cơ bản nhất.

Phan Quang

Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top