Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

“Dưới khung trời ngát xanh” từ khát vọng Dế Mèn bước vào trang sách

08:31 08/08/2024 - Văn hóa xã hội
Tác phẩm tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của đám trẻ xóm Đồi, làng Ghe - nơi được núi sông bao bọc bốn phía. Ký ức tuổi thơ ấy tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương, nên thơ và vô cùng đẹp đẽ.

Đây là tập truyện dài từ khi còn ở dạng bản thảo đã đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5, năm 2024 do Báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Từ bản thảo, “Dưới khung trời ngát xanh” của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai đã nhanh chóng được Linh Lan Books phát hành, ra mắt trong tháng 8 này như một món quà dành tặng thế giới tuổi thơ đầy hồn nhiên, trong trẻo. 

Trong lời mở đầu, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Nhiều năm sau khi rời xa ngôi làng nhỏ bé của mình, ngôi làng được núi đồi và dòng sông Lèn bao bọc bốn phía  tôi mới có thể đặt bút viết về nơi ấy. Những hình ảnh đầu tiên hiện lên gọi về ký ức tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Từng gương mặt, nụ cười, từng cuộc phiêu lưu nhỏ của lũ trẻ chúng tôi, thế hệ cuối 8x mỗi lúc thêm rõ nét. Trong niềm xúc động và hạnh phúc đầy mê say, tôi viết một mạch. Viết như sợ những ký ức đơn sơ đó rời bỏ mình. Hoặc, chính mình sẽ bị cuốn đi, sẽ xa rời nó từ lúc nào mà mình không hay biết…”

“Dưới khung trời ngát xanh” của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai ra mắt như một món quà dành tặng thế giới tuổi thơ đầy hồn nhiên, trong trẻo. 

Về tập truyện dài “Dưới khung trời ngát xanh”

Tập truyện dài "Dưới khung trời ngát xanh" do Linh Lan Books phối hợp Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 8/2024 có dung lượng 140 trang, chia thành 14 chương, gồm: Mềm như tơ, Lều cỏ, Đắng ngọt chôm chôm, Hương đồi, Đuôi thằn lằn, Đám ma châu chấu, Vòm cống bí ẩn, Bí mật về chiếc bóng, Làng có khách, Ao Sao Ao Dành, Hang cua núi, Người lớn kể, Theo bà đi chợ, Hoa đón thu. 

Tác phẩm tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của đám trẻ xóm Đồi, làng Ghe nơi được núi sông bao bọc bốn phía. Ký ức tuổi thơ ấy tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương, nên thơ và vô cùng đẹp đẽ.

Ở đó, người đọc có thể hòa vào nhịp điệu hồn nhiên của tuổi thơ trong hành trình kỳ thú của trẻ làng trẻ xóm, từ nhỏ đã tự lập, đùm bọc, chia sẻ với nhau và với cộng đồng. Chúng vui thú với vườn tược, ruộng đồng, quê hương bản quán; cùng nhau đắm say trong những trò vui. như: đổ lỗ dế, dựng lều cỏ, bẫy chuồn chuồn… hay cả những trò nghịch dại là cành xoan trêu ngỗng, trêu tổ ong vàng…

Song song với mạch truyện, tác giả đã khắc họa được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống thôn dã với dòng sông uốn lượn, núi đồi bao phủ, ao chuôm, đồng bãi, mùa vụ… hòa quyện với nếp sống hiền hòa, mộc mạc, giàu bản sắc nông thôn.

Nơi đó, theo những nhịp chuyển mùa là sự rung rinh xao xác của con người và cảnh vật. Tác phẩm như một bức tranh ngập tràn màu xanh và nhiều chi tiết như: đường đê, bờ ao, làn khói, hương đồi, côn trùng... được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ, trau chuốt.

Kết nối mạch truyện đó chính là giá trị tinh thần thể hiện qua sự gắn bó, yêu thương với đủ các cung bậc cảm xúc của con người, cảm động có, ly kỳ có và sâu xa, sâu nặng chơn nữa chính là sự kết nối, tri ân của thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ hào hùng của dân tộc, những anh hùng đã làm nên tên đất, tên làng.

Nhiều chương trong tác phẩm có thể sẽ mang đến niềm xúc động với độc giả, đó là Ao Sao Ao Dành, là những bông hoa Đón Thu trắng muốt, thơm ngát gắn với câu chuyện đau thương, hào hùng của chiến tranh mà dư âm còn đọng lại tận mai sau.

“Dưới khung trời ngát xanh” không chỉ hướng đến đối tượng thiếu nhi mà đó còn như một phần những trang hồi ức của thế hệ cuối 8x, đầu 9x cùng thời với tác giả và cảnhững con người yêu văn chương, yêu thiên nhiên, xúc động trước giá trị nhân văn sâu thẳm, muốn tìm về với khung cảnh nơi làng quê yên bình để làm dịu đi tâm hồn mình giữa xã hội ồn ào, náo động. 

Như đánh giá từ Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, tác giả Lữ Mai kể về tuổi thơ riêng nhưng lại chạm được vào tuổi thơ chung của nhiều người, để rồi ai cũng có thể bắt gặp mình đâu đó nơi đây. 

Trước khi đến với độc giả, tác phẩm đã mang đến yếu tố bất ngờ tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn bởi tác giả Lữ Mai vốn được biết đến nhiều qua những tập thơ, trường ca, truyện ngắn… và đây là tác phẩm truyện dài đầu tiên chị viết về đề tài thiếu nhi.

Sự ra mắt của cuốn sách này không chỉ giúp cho nhiều độc giả biết đến một góc độ khác của Lữ Mai mà còn góp thêm vào tủ sách tuổi thơ tác phẩm sách văn học đầy tinh thần nhân văn và có tính thẩm mỹ cao.

Chia sẻ về tác phẩm này, tác giả Lữ Mai cho biết: “Tập bản thảo này đong đầy ký ức tuổi thơ của tôi. Hầu hết đó là những câu chuyện có thật, tôi đã trải nghiệm với mọi cung bậc cảm xúc. Đôi khi, tôi  nhắc lại cho bố mẹ hoặc bạn bè, mọi người đều ngạc nhiên bởi hầu như tất cả đã lãng quên phần nhiều. Ngày còn bé, tôi luôn ghi lại những câu chuyện xung quanh gia đình, xóm làng, trường lớp của mình một cách tự nhiên nhất. Và rồi, tôi lớn lên, dần dần đã mất đi thói quen ấy, cũng làm thất lạc nhiều trang viết tuổi thơ”. 

Là một tác phẩm văn học thiếu nhi, nhưng tác giả không quên sự kết nối ký ức, chị chia sẻ: “Chúng ta tiến đến tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ. Nhận thức và tri ân là điều cần thiết và phải hoàn toàn tự thân, tự nguyện. Khắp tổ quốc ta, có nơi đâu mà không có hy sinh, có người nằm lại để chúng ta được sống trong hòa bình độc lập? Khi ta nghĩ về quá khứ, dù quá khứ đó đã rất xa, ta không nếm trải, thì chính chúng ta sẽ nhận được những giá trị vô cùng sâu sắc mà không dễ đo đếm, cắt nghĩa. Nó giúp cho mỗi bước đi, mỗi nghĩ suy của ta trở nên ý nghĩa hơn”.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top