Xuất phát từ 1%

17:32 18/07/2016 - Góc nhìn
“Cô đừng quá ảo tưởng. Tấm bằng cử nhân Văn khoa, cho dù luận văn tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, rất tiếc cũng chỉ mang lại 1% tố chất để trở thành một nhà báo. 99% còn lại, cuộc đời sẽ dạy cô, thực tế công việc sẽ dạy cô. Và để học được kha khá phần trăm trong số đó, cô sẽ mất nhiều thời gian, nhiều mồ hôi và cả nước mắt lắm đấy”.

Các nhà báo tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XII của Đảng. Ảnh:PV

Lời răn đe - xem ra khá phũ phàng với một sinh viên vừa háo hức rời giảng đường đại học ấy, tôi được nhận từ nhà báo Lê Thị Túy - Tổng Biên tập tờ Phụ nữ Thủ đô, ngay trong ngày đầu lò dò đặt chân vào thực tập tại tòa soạn. Vào thời điểm cuối năm 1993, Phụ nữ Thủ đô đang nổi như cồn nhờ dũng cảm khai màn cho loạt bài điều tra “Vụ án cầu Chương Dương” đình đám.

Hơn hai chục năm lăn lộn với nghề, giờ tôi mới hiểu, lời bà khuyên tôi ngày ấy hoàn toàn chính xác, từ chính chỗ đứng và cái tâm của một nhà báo đi trước giàu kinh nghiệm muốn truyền lại cho lớp đàn em.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Nhờ cô bạn cùng lớp nhiệt tình giới thiệu, tôi đầu quân về tờ Thế giới điện ảnh (cơ quan ngôn luận của Hội Điện ảnh Việt Nam), như một “búp măng non” giữa cả rừng “cây đa cây đề” toàn nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh gạo cội trong thành phần ban biên tập ở xung quanh.

Ngày ấy, hiểu biết về nghệ thuật thứ bảy của tôi là con số không tròn trĩnh. Trưởng ban biên tập phân công tôi thực hiện loạt bài chân dung các diễn viên hài nổi tiếng phía Bắc. Tôi nhanh nhảu gật đầu, dù trong lòng lo lắng ghê lắm. Phim họ đóng, kịch họ diễn còn chẳng xem, biết viết gì bây giờ?

May mắn sao, những danh hài trong chùm bài ra mắt ấy đều nhiệt tình giúp tôi hoàn thành công việc. Họ chia sẻ nhiều mẩu chuyện nghề nghiệp hấp dẫn và nhiều trải nghiệm đường đời thú vị. Khéo “chế biến” chút xíu là có ngay bài viết chất lượng tốt, được ban biên tập đánh giá cao. Nhưng chỉ riêng tôi biết rõ, kết quả đó hoàn toàn nhờ “ăn may”. Trò chuyện với họ, tôi lộ ra hàng đống điểm yếu, khi hoàn toàn mù tịt về công việc của một đoàn làm phim.

Rồi các biên tập viên “cây đa cây đề” kiên nhẫn sửa chữa, phân tích, chỉ bảo từng lỗi nhỏ nhất trong sản phẩm của tôi. Rồi thư ký tòa soạn liên tục cử tôi thực hiện phóng sự trường quay, lang thang theo chân các đoàn làm phim tới đủ mọi loại “phim trường” phía Bắc. Anh bảo, không gì bổ sung kiến thức điện ảnh cho tôi nhanh bằng quan sát từ thực tế làm phim. Và tôi chưa bao giờ từ chối những chuyến đi vô giá ấy, cho dù say xe luôn là nỗi ám ảnh khiến tôi sợ hãi cho tới tận bây giờ. Phải cám ơn anh rất nhiều, bởi những gì tôi thu lượm ngày đó, chẳng sách vở nào dạy cho nổi.

“Học, học nữa, học mãi”

Khác với ngày mới vào nghề, tôi cố học cách nói “không” với thái độ tự ái, bực bội khi bị chê bai. Giấu nỗi xấu hổ vào sâu tận đáy lòng, tôi quyết định phải học, học liên tục, học để lấp đầy những lỗ hổng tri thức. Sách vở chuyên ngành điện ảnh, tôi ngốn ngấu tất cả những gì có trong tay. Những chương trình phim tác giả, những dòng phim thể nghiệm táo bạo, tác phẩm của những tên tuổi lừng danh trên thế giới được trình chiếu phục vụ hội viên Hội Điện ảnh, tôi không bỏ sót một buổi chiếu nào. Lớp học nghiệp vụ do chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy, tôi đều cố gắng làm một học viên dự thính cần mẫn và chăm chỉ nhất.

Thời gian rảnh, tôi lang thang khắp các hãng phim. Trò chuyện với các đạo diễn, trao đổi với các nhà biên kịch, ngồi trước monitor xem từng góc máy quay, xem nhân viên kỹ thuật dựng ráp nối phim nhựa 35 ly bằng phương cách thủ công hay hiện đại hơn - sử dụng bàn dựng KTS hoặc phần mềm máy tính chuyên dụng... Nỗ lực học hỏi ấy đã giúp tôi thực sự tìm thấy tự tin khi đứng trước các nhân vật của mình, có thể trao đổi với họ một cách ngang hàng về đủ thứ vấn đề liên quan tới phim ảnh.

Và tôi nhận ra một điều rất thú vị, khi những người nghệ sĩ ấy nhận ra phóng viên không phải là dân nghiệp dư, nội dung cuộc phỏng vấn trở nên thú vị, bổ ích và hấp dẫn hơn hẳn. Bởi “không gì chán hơn phải tiếp xúc với một phóng viên mà mọi câu hỏi đều ngô nghê, kém hiểu biết và hơn thế nữa, có thể đoán ra nội dung ngay từ khi chưa bắt đầu cuộc phỏng vấn. Gặp những nhà báo lười nhác kiểu ấy, tôi sẽ hoặc từ chối hoặc trả lời quấy quá cho xong nợ” - nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn từng tâm sự với tôi như thế. Nhớ ngày phim Gái nhảy đang gây sốt, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nữ diễn viên Minh Thư ghi âm sẵn một số nội dung rồi phân phát cho hàng chục phóng viên đặt lịch phỏng vấn. Tin tôi lắm, cô mới chịu giải thích: “phóng viên giờ sao lười nghĩ thế nhỉ, mười người thì hỏi đúng mười câu y hệt nhau. Chẳng nhẽ cứ tua đi tua lại mỏi mồm, em chọn cách này cho khỏe. Họ mang về mặc sức xào xáo thế nào thì tùy”. Những lời chia sẻ ấy, tôi luôn nhớ nằm lòng. Để cố gắng đừng bao giờ rơi vào trường hợp đáng buồn ấy.

Và thái độ cầu thị, chịu học hỏi và không ngừng bổ sung vốn hiểu biết đã giúp tôi, chỉ sau vài ba năm trở thành cây viết chủ lực của tòa soạn. Từ những bài khắc họa chân dung, phỏng vấn giản đơn, tôi đã có thể “tung tẩy” ở nhiều lĩnh vực hơn. Không dừng lại ở việc học, tôi liều mạng thử sức trong nhiều công việc khác. Viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu, làm trailer, chấp bút lời bình, thực hiện TVC quảng cáo... tất cả đều trông vào những kiến thức điện ảnh và tôi từng cần mẫn góp nhặt. Thù lao khiêm tốn, “ráo mồ hôi là hết tiền” nhưng những bài học kinh nghiệm mà tôi có được thì vô giá.

Sau mười năm “cày nát” cánh đồng phim ảnh chật hẹp, tôi quyết định chuyển công tác. Về tạp chí Truyền hình VTV, Tổng Biên tập Đậu Ngọc Đản hỏi tôi: “em có chăm xem TV không”. Nhận cái lắc đầu của tôi, ông tỏ vẻ thất vọng ra mặt. Tôi đành vớt vát một câu, “anh yên tâm, em sẽ bổ sung ngay tất cả những gì mình chưa biết”. Nói là làm, tôi lại nỗ lực đánh vật với đủ loại tài liệu, xem đủ loại chương trình. Rồi những đối tượng phản ánh của tôi lại vượt ra khỏi khuôn viên Đài truyền hình. Tôi được gặp những chuyên gia, những nhà nghiên cứu hàng đầu trong mọi lĩnh vực, những chính trị gia, nhà văn hóa... Trước mỗi buổi phỏng vấn, tôi phải nghiền không biết bao nhiêu trang tài liệu, với những kiến thức mới toanh. Trong suốt buổi chuyện trò, tôi lại được nhân vật truyền dạy cho biết bao hiểu biết quý giá mà họ đã dành cả đời tích lũy mới có được. Nghề báo đã trở thành môi trường tuyệt vời để tôi làm giàu vốn tri thức vốn hạn hẹp của mình. Tôi say mê nghề này chính vì lý do đó.

Chặng đường dài vẫn còn ở phía trước

Tôi thường loay hoay với câu hỏi: “làm báo văn hóa văn nghệ dễ hay khó”? Khá nhiều người đứng đầu các cơ quan báo chí mà tôi biết đã từng quan niệm: “rất dễ”. Bằng chứng? Những phóng viên non nớt mới ra trường, khi được nhận về bất cứ tòa soạn nào cũng có bước khởi đầu giống nhau: theo dõi mảng văn hóa văn nghệ. Đây là mảng làm mát, làm vui và giúp ấn phẩm đỡ phần nặng nề, khô khan. “Văn hóa văn nghệ ấy mà” là câu cửa miệng, khi đề cập tới những nội dung vô thưởng vô phạt, sai - đúng chẳng ảnh hưởng sâu sắc đến bất cứ ai. Và thêm một quan điểm lệch lạc nữa, ai làm báo văn hóa văn nghệ cũng được. Vì những lý do ấy, gần hai chục năm gắn bó với nghề báo của mình, tôi đã gặp biết bao thế hệ phóng viên trẻ măng nối tiếp nhau thay đổi luôn xoành xoạch khi đi dự các cuộc họp báo. Ít người trong số đó trụ lại như một cây bút trung thành với mảng này. Đồng nghiệp vốn là bạn bè của tôi bảo: “viết nội chính mới oai, viết kinh tế mới giàu, chuyên phóng sự - điều tra mới nổi tiếng. Còn đánh đu theo mấy nghệ sĩ, tiếng chẳng có mà miếng cũng không”. Nhưng khá cứng đầu, tôi vẫn bám trụ với sự lựa chọn của mình. Với cá nhân tôi, để trở thành một cây bút văn hóa văn nghệ có tên tuổi cực khó. Và để có được cái tên neo lại trong trí nhớ người đọc như họ, sự lười biếng không bao giờ có chỗ.

Số phận xoay vần, hơn bốn chục tuổi đầu, tôi lại chọn đầu quân về một tờ báo mới, đồng nghĩa với việc quay trở lại vạch xuất phát. Không ngại sự thay đổi và thích đối mặt với những thử thách mới, tôi vẫn đang cố gắng từng bước bổ sung 99% tố chất để trở thành một nhà báo còn lại. Đường còn dài, và may mắn thay, tôi chưa bao giờ sốt ruột!

Hồ Cúc Phương
© Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top