Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội

22/04/2020, 23:29

Thông tin sai lệch, xuyên tạc là thông tin mập mờ, phiến diện, lệch lạc; hay thông tin đã được thêm thắt, thổi phồng, bóp méo, bịa đặt khiến người tiếp nhận thông tin hiểu nhầm, hiểu sai bản chất sự vật, hiện tượng. Thông tin sai lệch, xuyên tạc dễ dàng

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội

Ngòi nổ vô hình

Trên khắp các mạng xã hội, diễn đàn nói chung và cộng đồng mạng ở Việt Nam nói riêng, có rất nhiều nhóm hoặc bộ phận những người có chung xu hướng sẵn sàng chờ đợi và chia sẻ những thông tin tiêu cực, dù là nhỏ nhất.

Bên cạnh đó, cũng có một nhóm người mong muốn thu thập và phát tán những thông tin sai lệch, xuyên tạc một cách có chủ đích, như những người bán hàng online muốn thu hút sự chú ý của nhiều người, những trang được tạo ra bởi các thế lực thù địch với mục đích đăng tải và là truyền thông tin giả, bịa đặt, sai sự thật.

Đặc biệt lại đặt trong một bối cảnh xã hội đang có nhiều hoang mang (ví dụ như tình hình dịch bệnh hiện nay) sự phản ứng của những nhóm cộng đồng đó được ví như những ngòi nổ. Bởi lúc này, tâm lý ngóng đợi sẵn có của đám đông có thể được đẩy lên cao nhất, và đó là cơ hội cho những thông tin sai lệch, xuyên tạc (đặc biệt là những thông tin được tạo ra một cách có chủ ý) có thể “châm ngòi” để làm bùng phát những cuộc khủng hoảng.

Mặt khác, những thông tin có tính chất tiết lộ những điều tiêu cực về một cá nhân, tổ chức, cộng đồng hay những bài viết “bóc phốt” thường có sức hút lớn đối với độc giả, đặc biệt là thông tin mang tính chất trải nghiệm của chính người đưa thông tin đó.

Thông tin sai lệch, xuyên tạc về bệnh nhân Covid 19 trên mạng xã hội

Ví dụ như những đoạn video quay được cảnh trực tiếp một hoặc một phần sự việc tiêu cực đang xảy ra, những phản ánh hay trải nghiệm không hài lòng về một dịch vụ nào đó,... Tất cả đều có khả năng “châm ngòi” cho một quả bom bùng nổ bởi sự nguy hiểm của những loại thông tin này, vì mang lại cảm giác thuần nhất và chân thật cho người tiếp nhận, có thể làm cho người ta quên đi nguyên lý “đôi khi một phần sự thật không còn là sự thật”.

Thêm vào đó, những thông tin dạng này thường có tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt nhờ một trong những yếu tố như: Nội dung đánh đúng vào tâm lý tò mò của số đông, khao khát có được thêm nhiều và nhiều hơn thông tin về một tổ chức hay cá nhân nổi tiếng; Xúc cảm đánh trúng tâm lý đố kỵ âm thầm của đám đông, hi vọng chứng minh những người nổi tiếng, hay những cá nhân, tổ chức uy tín cũng có những góc khuất; Thời gian được hai yếu tố trên đẩy lên cao. Những thông tin “bóc phốt” càng gây hiệu ứng cao khi tổ chức hay cá nhân đó giữ im lặng.

Chính vì thế, để tạo hiệu ứng, các bài viết đính chính, xử lý các thông tin này cũng phải đáp ứng được ba yếu tố trên, tức là đưa ra đúng lúc, kịp thời, đưa đầy đủ thông tin, hồi đáp được những khúc mắc và chuyên nghiệp, chân thành, thân thiện để lấy được tình cảm của đám đông.

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể coi là một nghệ thuật sử dụng các phương thức truyền thông phù hợp

Biến nguy cơ thành cơ hội

Để tháo những “ngòi nổ” không hề đơn giản, người làm truyền thông cần nhìn nhận, nắm bắt thời cơ và hành động chính xác. Một số phương thức biến những nguy cơ thành cơ hội có thể kể đến sau đây:

Thứ nhất, thông tin minh bạch và có sức nặng ngay từ đầu là yếu tố quyết định trong cuộc chiến với thông tin sai lệch, xuyên tạc. Thông tin sai lệch đôi khi rất khó để xác định mức độ, hình thức sai phạm bởi người ta ít khi có ngay một thông tin chính xác bên cạnh để đối chứng, hoặc nếu có cũng không nhiều người chủ động đi tìm kiếm nguồn thông tin chính xác.

Thêm vào đó, có một số thông tin sai lệch được cố tình tạo ra và cài cắm một cách rất tinh vi những thông tin có thật trong đó. Cái giả lồng trong cái thật làm cho người tiếp cận thông tin rất khó để phân biệt. Chính vì thế sự cảm nhận về tính sai lệch của thông đôi khi trở nên mờ hồ, không rõ ràng và nhiều người thường chọn cách ban đầu là tin ngay vào thông tin đó.

Tuy nhiên, điểm yếu của các nguồn thông tin sai lệch, xuyên tạc là đa phần những câu chuyện, tình tiết được bịa đặt, thêu dệt ban đầu sẽ sớm đi vào “ngõ cụt”. Sự xuyên tạc khi càng được thêm thắt mà không có cơ sở của sự thật sẽ dần trở nên rối rắm và không còn đáng tin. Lúc này, nếu các nguồn thông tin chính thức, trung thực đủ mạnh, đủ dày và đủ hấp dẫn sẽ kéo công chúng trở lại với sự thật. Vấn đề là phải làm sao để quá trình này diễn ra một cách nhanh nhất, mạnh mẽ nhất, tạo cho công chúng độ tin tưởng cao nhất trong khi thực tế cho thấy có một số thông tin cần mất thời gian để xác minh, làm rõ và thanh lọc trước khi đưa đến công chúng.

Biểu đồ thể hiện kết quả khảo sát của đề tài khoa học “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” thuộc chương trình cấp Bộ trọng điểm năm 2019 - 2020 do Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện.

Để thực hiện được điều đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí cần phát huy một cách tối đa sức mạnh thông tin của mình. Ngoài việc đưa tin nhanh chóng cần phải chú ý đến việc minh bạch hóa thông tin ngay từ đầu và phải đưa thông tin một cách có sức nặng, có chiều sâu, tác động lớn nhất vào tư tưởng và sự lựa chọn của người tiếp nhận thông tin.

Ví dụ, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đã có những thông tin được tung lên và được chia sẻ rất nhanh chóng, rộng rãi Việt Nam đang giấu dịch. Ngay lập tức các cơ quan báo chí đã đưa những thông tin chính thống, có sức nặng lớn: Thứ nhất, là phát biểu và lời khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên tắc hàng đầu mà Việt Nam tuân thủ đó là công khai, minh bạch, không giấu dịch. Thứ hai, chúng ta có những cơ chế kiểm soát riêng để bảo đảm không giấu dịch ví dụ như sự phối hợp chặt chẽ với USCDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) tại Việt Nam, tất cả những thông tin về dịch bệnh của Việt Nam đều được nắm bắt và công khai đưa lên dữ liệu quốc tế.

Bên cạnh đó, những thông tin và hình ảnh chính thống từ các cơ quan y tế Việt Nam, những phát ngôn chính thống từ những người đang ở tuyến đầu chống dịch,... Tất cả những thông tin minh bạch và có sức nặng đó đưa đến một thông điệp mạnh mẽ và đanh thép, đập tan luận điệu được cài cắm vào những thông tin sai lệch, xuyên tạc: “Việt Nam không có bất cứ một cách thức nào có thể giấu được dịch”.

Thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể “châm ngòi” để làm bùng phát những cuộc khủng hoảng

Điều đó cho thấy việc minh bạch hóa thông tin ngay từ bước đầu tiên với sự tham gia của những cơ quan có trách nhiệm là yếu tố tạo nên sức mạnh của thông tin chính thống. Minh bạch hóa thông tin chính là bước chân đi trước của truyền thông và hút cạn nguy cơ từ những “ngòi nổ”, kéo công chúng quay trở lại với nguồn tin chính xác trên cơ sở tạo cho họ độ tin tưởng cao nhất từ các nguồn chính thống. Thông tin sai lệch được tung ra cũng chính là cơ hội lớn để minh bạch hóa thông tin, khẳng định sự trung thực của thông tin chính thống đến với công chúng. Đó chính là yếu tố quyết định hàng đầu đến chiến thắng trong cuộc chiến thông tin.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng quản lý mạng lưới thông tin và triển khai cơ chế cung cấp thông tin ở nhiều cơ quan hiện nay chưa được chú trọng. Thực tế, đối với người làm công tác xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc ở một số cơ quan công an, quân đội, y tế, nhà xuất bản, báo chí, truyền thông,... trên cả nước cho thấy việc xây dựng, quản lý mạng lưới các nhà báo, KOLs và triển khai cơ chế cung cấp thông tin cho họ là thao tác được thực hiện với tỉ lệ thấp nhất trong số các thao tác của quá trình thực thi các giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật.

Để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, người làm truyền thông cũng cần phát huy công năng của các kênh truyền thông

Thứ hai, cần xử lý thông minh các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc thường đi theo sau đó là hàng loạt những bình luận tiêu cực. Và đôi khi chính những bình luận tiêu cực đó mới là chất xúc tác mạnh mẽ nhất khiến những thông tin này được “khuếch tán” với một tốc độ khó kiểm soát. Điều đó đòi hỏi người làm truyền thông cần có những cách thức xử lý linh hoạt và thông minh những bình luận tiêu cực này.

Trong truyền thông, những nguy cơ khủng hoảng xảy ra đôi khi lại là cơ hội để lật ngược thế cờ nếu như người làm truyền thông biết cách nắm bắt. Ví dụ như vụ việc hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi tại bệnh viện Xanh pôn gây xôn xao dư luận hồi tháng 12 năm 2019 là một cơ hội tuyệt vời để truyền đi những thông điệp truyền thông về HIV và xét nghiệm HIV.

Hay như gần đây, sự việc những bình luận phản cảm thiếu ý thức của nhiều học sinh trong bài giảng trực tuyến của các thầy cô giáo mà báo chí đưa tin là chính là cơ hội để truyền đi những thông điệp giáo dục về văn hóa, về sự lễ độ, tôn trọng những người thầy vẫn đang miệt mài “đưa đò” trong thời điểm nhiều “sóng gió” hiện nay.

Có thể thấy, những bình luận tiêu cực giống như những “con dao hai lưỡi”, nó có thể trở thành một công cụ vô cùng mạnh mẽ để biến nguy cơ trở thành cơ hội nếu nhà truyền thông biết nắm mắt và có đủ bản lĩnh để sử dụng nó. Những bình luận phía dưới những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể trở thành những ví dụ điển hình về sự thiếu ý thức, về sự vô ơn khi đặt cạnh hình ảnh những người “chiến sĩ áo trắng” đang ngày đêm hi sinh miệt mài cho sự an nguy của cộng đồng, xã hội. Qua đó, nhà truyền thông có thể truyền đi những thông điệp rất nhân văn và có sức lay động lớn. Báo chí đã và đang làm rất tốt điều này.

Thông tin sai lệch, xuyên tạc thường đi theo sau đó là hàng loạt những bình luận tiêu cực

Thứ ba, sử dụng các kênh hỗ trợ như một công cụ lan truyền những thông tin xác thực. Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc một cách hiệu quả đỏi hỏi nhà truyền thông phải biết sử dụng phối kết hợp một cách linh hoạt các kênh truyền thông khác nhau để truyền tải đi thông điệp truyền thông một cách nhanh chóng và tuyết phục nhất.

Để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, người làm truyền thông cũng cần phát huy công năng của các kênh truyền thông có chức năng hỗ trợ tương tự như đã nêu ở trên. Đó có thể là các trang web của các cơ quan phát đi thông tin chính thống như trang của các Sở Y tế, Sở Tài nguyên môi trường, Cổng Thông tin điện tử của các thành phố,...

Hoặc cũng có thể sử dụng các trang Fanpage của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, các trang cá nhân của các cán bộ, người có trách nhiệm hay các cá nhân tổ chức có uy tín trong cộng đồng như một công cụ “khuếch tán” những thông tin chính thống. Sự lan truyền của thông tin sai lệch, xuyên tạc cũng chính là cơ hội để các kênh truyền thông hỗ trợ lên tiếng, phát huy công năng mạnh mẽ, hình thành nên một hệ sinh thái thông tin chính thống, minh bạch để công chúng có cơ sở đối chứng.

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể coi là một nghệ thuật sử dụng các phương thức truyền thông phù hợp như một thứ vũ khí sắc bén để giành chiến thắng trong cuộc chiến thông tin. Bởi lẽ, “mạng xã hội đã tạo nên một thế hệ mới những người tiêu thụ thông tin, nghĩa là những người luôn khao khát muốn biết nhanh, biết đúng và biết toàn diện”; Làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu đó, vừa định hướng những giá trị tốt đẹp và bảo vệ công chúng trước nguy cơ của những thông tin sai lệch, xuyên tạc luôn là thách thức và là nhiệm vụ đặt ra đối với những người làm truyền thông trong kỷ nguyên số hóa./.

ThS. Trần Minh Tuấn

---
Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Đình Tấn (2017), Báo chí và mạng xã hội, NXB Trẻ
2. Gustave Le Bon (2014), Tâm lý học đám đông, NXB Tri thức Nhiều tác giả (2019), GAM7 Book 15 - Kiểm soát cơn phẫn nộ của cộng đồng mạng, NXB Lao động
3. https://tuoitre.vn/gay-hoang-mang-du-luan-so-tai-nguyen-moi-truong-tp-hcm-bi-phe-binh-nghiem-khac20200328201429681.htm
4. https://vtv.vn/trong-nuoc/dich-covid-19-bo-y-te-bac-tin-don-ve-ca-tu-vong-dau-tien-lan-truyen-tren-mang-xahoi-20200328172233515.htm