Xu hướng phát triển của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số

22/04/2020, 23:29

Xu hướng phát triển của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số - Những thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ phát thanh, truyền hình và đặc biệt là internet đã tạo ra sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu.

Các gói tin tức đa phương tiện sẽ gói gọn những thông tin thú vị, những góc nhìn phân tích quan trọng và súc tích nhất dưới nhiều hình thức đa dạng và cách trình bày ấn tượng

Gói tin tức đa phương tiện

Khó có thể tích hợp đa phương tiện ở mọi tác phẩm, nhưng đối với những đề tài thật sự hấp dẫn, nhiều tòa soạn đã xây dựng các dự án đa phương tiện quy mô để mang tới cho công chúng những sản phẩm báo chí thú vị. Có nhiều cách kết hợp những yếu tố đưa tin (văn bản, hình ảnh, video, đồ họa, chương trình tương tác...) để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung. Thông tin đồ họa (Infographic), tin theo dòng sự kiện (tin Timeline), những câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... là những cách thức đưa tin vừa thể hiện tính tương tác cao vừa cung cấp thông tin nhiều cửa một cách linh hoạt.

Khi đa phương tiện được chú trọng ở cấp độ cao, cụ thể là âm thanh, video, đồ họa... không chỉ mang tính minh họa và bổ sung thêm thông tin cho văn bản mà bản thân chúng có tính độc lập tương đối, có thể đứng riêng thành một tác phẩm báo chí hoàn thiện thì khi đó những gói tin tức đa phương tiện (multimedia newspackage) xuất hiện. Gói tin tức là một hình thức thông tin có khả năng tích hợp tất cả các yếu tố đa phương tiện, trong đó, mỗi yếu tố đều hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, nhưng khi kết hợp lại với nhau, chúng lại có khả năng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau làm nổi bật chủ đề chung. Đề tài của gói tin tức thường xoay quanh các sự kiện lớn, có diễn biến phức tạp. Gói tin tức có dung lượng lớn và được trình bày trong một trang web theo định dạng tuyến tính hoặc phi tuyến tính.

Có thể nói, các gói tin tức sẽ gói gọn những thông tin thú vị, những góc nhìn phân tích quan trọng và súc tích nhất dưới nhiều hình thức đa dạng và cách trình bày ấn tượng. Công chúng được cung cấp cái nhìn toàn cảnh và không cần phải mất thời gian đi tìm những bài viết khác để có được thông tin về vấn đề, hoặc các bài phân tích cơ bản nữa.

Khó khăn chủ yếu của việc đưa tin đa phương tiện là vấn đề tốc độ. Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên cần đầu tư nhiều công sức, thời gian để đem lại một tác phẩm báo chí có tính đa phương tiện cao, nếu như đẩy nhanh tiến độ thì yếu tố chất lượng lại khó bảo đảm. Do đó không chỉ sự phối hợp hoạt động giữa các bộ phận trong tòa soạn phải được thực hiện trơn tru, mà kỹ năng của từng cá nhân trong dây chuyền sản xuất tin bài cũng phải được hoàn thiện ở mức cao nhất.

Báo chí di động là xu hướng mà các cơ quan báo chí hiện nay muốn bắt nhịp

Báo chí di động

Một nghiên cứu của Francois Neland và Oscar Westlund năm 2011 cũng chỉ ra rằng, thông tin trên thiết bị di động bao gồm “4 yếu tố trong 1”, đó là: Kênh (channels), hội thoại (conversation), nội dung (content) và thương mại (commerce). Nó đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công chúng trẻ hiện nay - những người có niềm đam mê đối với công nghệ, thích khám phá cái mới, cuộc sống bận rộn và có xu hướng gắn bó với các thiết bị di động trong sinh hoạt hàng ngày(2) .

Một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew về sự phổ biến của các thiết bị di động ở Mỹ trong thời gian từ năm 2006 - 2012 đã cho thấy sự sụt giảm mạnh về mức độ sử dụng máy tính bàn, thay vào đó là sự tăng mạnh việc sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh(3). Một dự án điều tra khác cũng cho thấy có 47% người Mỹ sử dụng một trong hai phương tiện là điện thoại di động hoặc máy tính bảng để tiếp nhận các tin tức địa phương và thông tin chung(4) .

Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ tăng trưởng Internet di động hàng đầu thế giới và đứng thứ ba về tỷ lệ người lần đầu dùng điện thoại thông minh, sau Indonesia 86%, Ấn Độ 92% và tương đương với Brazil 82%. Năm 2013, Việt Nam có 134 triệu thuê bao điện thoại di động và 19 triệu người đang sử dụng Internet trên di động. Kết quả nghiên cứu Google về hành vi trực tuyến của người dùng Internet ở Việt Nam năm 2014 cho thấy có 48% người dùng điện thoại thông minh trong tổng số 1.000 người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng điện thoại khi ra ngoài, chỉ có 31% dùng máy tính bảng và 34% dùng laptop.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và nhu cầu sử dụng ngày một tăng của con người như hiện nay, không chỉ trên thế giới, mà cả ở Việt Nam việc sở hữu một hay nhiều thiết bị di động không còn là điều hiếm gặp trong cuộc sống. Điều này mở ra một xu hướng phát triển mới của báo chí mà những cơ quan báo chí nào muốn bắt nhịp với thời cuộc không thể bỏ qua: xu hướng báo chí di động.

Việc sử dụng các mạng xã hội đã giúp báo chí quảng bá hình ảnh, tên tuổi, chất lượng thông tin đến với hàng tỷ người trong cộng đồng mạng

“Báo chí xã hội”

Đối với báo chí nói chung, mạng xã hội đang giúp nối dài cánh tay, nếu biết tận dụng. Mạng xã hội có thể được sử dụng như là một cách thức để báo chí thiết lập những mối quan hệ và lắng nghe ý kiến của công chúng.

Các tờ báo mạng điện tử hiện nay dường như đều thấy cần thiết phải trang bị những ứng dụng để tự động cho phép cập nhật những bài báo của mình lên các mạng xã hội. Trên Facebook, Twitter, Zing me... số lượng các liên kết được chia sẻ liên tục thay đổi theo xu hướng lớn lên hàng ngày. Đồng nghĩa với đó là số lượt người truy cập vào các tài khoản của các tờ báo cũng tăng lên.

Các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như CNN, BBC, Washington Post, New York Times, Daily Telegraph... hay các tờ báo của Việt Nam như VietNamNet, VnExpress, Tuổi trẻ Online... đều có những bước đi quyết liệt, chủ động để quảng bá nội dung trên các mạng xã hội. Họ yêu cầu các phóng viên phải hội nhập và lắng nghe để có sự hiểu biết hơn về công chúng - những người đang có liên quan trực tiếp đến thương hiệu của họ.

Báo chí cũng sử dụng mạng xã hội như công cụ để thu thập những thông tin gắn bó, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, với địa phương của công chúng. Bởi nhà báo không thể có mặt ở mọi nơi khi sự kiện diễn ra, nhưng công chúng thì có. Ngay lập tức, khi có những thông tin xảy ra xung quanh mình, mọi người cùng kết nối và chia sẻ với người khác trên mạng xã hội.

Việc sử dụng các mạng xã hội đã giúp báo chí quảng bá hình ảnh, tên tuổi, chất lượng thông tin đến với hàng tỷ người trong cộng đồng mạng. Không chỉ vậy, nó còn tạo thêm sự phong phú, nhiều lựa chọn về thông tin cho các thành viên. Sự hội nhập sâu vào các phương tiện truyền thông xã hội là một bước đi quan trọng đánh dấu sự cải thiện tin, bài và gần gũi hơn với các nguồn tin.

Các tờ báo buộc phải tạo ra “giá trị mới” nếu muốn bức tường trả phí hoạt động có hiệu quả: tạo ra lợi nhuận, nhưng không làm mất đi lượng công chúng hiện tại

Bức tường phí (paywall)

Nguồn thu đang là đề tài nóng, được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong thời kỳ báo in đang phải vật lộn để tồn tại, còn báo mạng điện tử mặc dù phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn loay hoay, chưa tìm cho mình được nguồn thu ổn định. Vì vậy, thu phí độc giả không còn là điều thích, hay không thích, nó trở thành điều bắt buộc phải nghĩ đến và là xu hướng đang định hình để tồn tại. Ở một góc độ khác, xu hướng thu phí công chúng báo mạng điện tử sẽ được cộng hưởng khi doanh số và lợi nhuận của báo in đang ngày càng đi xuống, trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng điện tử và các thiết bị tương hỗ như smartphone, máy tính bảng.

Có 3 loại bức tường phí: Bức tường phí cứng, bức tường phí mềm và mô hình Freemium. Hệ thống cứng là khi người dùng chỉ có thể đọc được lượng nội dung tối thiểu trên trang web, thậm chí là không thể truy cập nếu không trả tiền; hệ thống mềm thì linh hoạt hơn, kể cả không trả tiền thì người dùng vẫn có thể đọc một số nội dung nhất định - ví dụ như các bài viết miễn phí, hoặc người dùng được đọc miễn phí một lượng tác phẩm nhất định trong một tháng; hệ thống Freemium là sự kết hợp giữa Free (miễn phí) và Premium (phí trả thêm), hoạt động dựa trên nguyên lý: miễn phí các sản phẩm cơ bản để có được nhiều khách hàng, sau đó thu phí các tính năng cao cấp, tức là, nếu khách hàng muốn sử dụng phiên bản đầy đủ của sản phẩm với tất cả các chức năng cũng như các ứng dụng cao cấp khác thì phải trả thêm một khoản phí để nâng cấp gói sản phẩm.

Chuyên gia Bill Mitchell cho rằng, các tờ báo buộc phải tạo ra “giá trị mới” nếu muốn bức tường trả phí hoạt động có hiệu quả: tạo ra lợi nhuận, nhưng không làm mất đi lượng công chúng hiện tại. Cụ thể là các tin bài cần phải có chất lượng tốt hơn, hoặc có những điều mới mẻ so với các nội dung miễn phí thông thường(5) . Có khá nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề thu phí đọc báo mạng điện tử nhưng số lượng các tờ báo áp dụng hình thức này đang tiếp tục tăng lên. Có thể kể tới Wall Street Journal, Globe and Mail, The Times, The Independent, New York Times, Washington Post, Chicago Tribune...

Với sự xuất hiện của thực tại ảo, hình thức làm báo sẽ không bị giới hạn

Công nghệ thực tại ảo

Năm 2015 là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện mạnh mẽ của xu hướng báo chí thực tại ảo với những tác phẩm tiêu biểu đến từ các hãng thông tấn, tờ báo lớn, như “Seeking home” (Tìm nhà) của AP, “Inside North Korea” (Bên trong Bắc Triều Tiên) của ABC News, hay “The Displaced” (Những kẻ lạc nhà) của New York Times...

Có khá nhiều cách để người đọc trải nghiệm tác phẩm báo chí thực tại ảo: Trong trường hợp xem tác phẩm trên điện thoại thông minh, công chúng có thể dùng Google Cardboard (cặp kính thực tế ảo giá phải chăng và tiện lợi để xem video 360o ) và đưa điện thoại của mình vào sau thấu kính để có trải nghiệm tốt nhất. Hoặc người dùng có thể cắm tai nghe vào điện thoại, tắt đèn trong phòng, rồi dùng tay “di chuyển” màn hình, xoay điện thoại... để tự do tìm kiếm những góc nhìn và khám phá sự khác biệt ở một tác phẩm báo chí thực tại ảo. Nếu như công chúng sử dụng máy tính, những chương trình xem video như Youtube cũng đã hỗ trợ người dùng xem video 360o bằng cách kéo chuột trên màn hình, hoặc điều chỉnh các phím mũi tên.

Công nghệ thực tại ảo cũng gây ra nhiều tranh cãi như tính đạo đức và khách quan của các tác phẩm báo chí, nếu được tái hiện hoàn toàn chân thực, với các khung cảnh thực được phơi bày, liệu điều đó có tác động gì tới cuộc sống thật của các nhân vật hay không? Những lo ngại thực chất sẽ luôn tồn tại mỗi khi người ta có một khởi đầu mới, và những người làm báo cho rằng điều này đáng để thử. Đây là một cách thức kể chuyện mới khiến không ít người lúc trước nghĩ rằng các hình thức làm báo đã đi tới giới hạn, nhưng với sự xuất hiện của thực tại ảo, người ta nhanh chóng nhận ra lằn ranh biên giới một lần nữa đã bị xóa mờ./.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang

--
Chú thích
(1) CameronD. (2007),Mobilemedia and the journalismcurriculum, Paper presented at theMobileMedia 2007 Conference, Sydney.
(2) Dẫn theo Nguyễn Thị Minh Nguyệt (2015), Sự biến thể của tin báo chí trên các thiết bị di động, Luận văn thạc sĩ báo chí học,Đại học KHXH&NV HàNội, tr.19.
(3) Amy Mitchell và Tom Rosenstiel (2012), The State of the News Media 2012 - An Annual Report on American Journalism, Pew Research Center’s Project for Excellence in Journalism, Washington D.C.
(4) Tom Rosenstiel, Amy Mitchell, Lee Rainie, and Kristen Purcell (2011),Howmobile divices are changing community information environments, Project for Excellence in Journalism’s 2011 State of the News Media Report.
(5) WAN-IFRA (2011), Bill Mitchell của Poynter nói về bức tường trả phí - làm thế nào để định hình trải nghiệm của (Poynter’s Bill Mitchell on paywalls- how to shape the paid experience).