Xin đừng “ảo tưởng” quyền lực!

22/04/2020, 23:29

Xin đừng “ảo tưởng” quyền lực! - Công chúng đặt nhiều niềm tin và cả sự kỳ vọng lớn lao ở báo chí. Và có lẽ, chính bởi những kỳ vọng đó, công chúng thêm thất vọng với những gì họ thấy về một vài vụ việc nhức nhối làng báo thời gian gần đây.

Nhiều người trở nên “ảo tưởng” vào quyền năng mà hệ thống thông tin truyền thông mang lại. Ảnh minh họa

Sự “tha hóa” và “ảo tưởng” quyền lực

Sau hàng loạt vụ xử lý của cơ quan công an đối với những phóng viên, nhà báo khi cố tình tống tiền doanh nghiệp của năm 2017; người ta tưởng rằng, đời sống báo chí đã trở nên trong sạch hơn. Nhưng, chỉ vài ngày bước sang năm 2018, cơ quan công an tỉnh Bắc Giang lại phải tạm giữ nhóm ba cộng tác viên của Thời báo Làng Nghề, vì đe dọa tống tiền công dân.

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 vừa chọn được ngôi Hoa hậu, thì cũng là lúc làng báo và truyền thông mạng xã hội được phen chao đảo. Người châm ngòi cho những thông tin tràn ngập mặt báo mạng xã hội chính là một nhà báo có thâm niên kha khá.

Trong bài viết ngắn trên facebook của mình, người viết tỏ ra không đồng tình với kết quả của cuộc thi, đã thể hiện cảm xúc của mình thông qua sự so sánh khi chê màu da của Hoa hậu H' Hen Niê. Trong bài viết ngắn này, người viết khẳng định, một khi các cô đã bước lên sân khấu, đội lên đầu chiếc vương miện, nghĩa là các cô phải chấp nhận sự “phán xét” của dư luận.

Kết quả, trước sự giận dữ của cả những người làm báo và truyền thông xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải gửi văn bản đến cơ quan báo chí, nơi nhà báo làm việc để yêu cầu giải trình về những phát ngôn của mình.

Hai sự việc làm đau lòng những nhà báo chân chính. Một là các cộng tác viên, một người nhiều năm làm báo. Mỗi người có những cách khác nhau để bộc lộ “quyền năng”. Người thì dùng nó để đi tống tiền doanh nghiệp. Người thì dùng nó để “phán xét” kẻ khác. Đó là sự “tha hóa kép”. Tha hóa đạo đức cá nhân và tha hóa “quyền lực” cá nhân do lợi thế của tổ chức mang lại.

Sự tha hóa đạo đức cá nhân của người làm báo, khi lợi dụng uy tín và nghề nghiệp của mình để tống tiền cá nhân và tổ chức, ở góc độ nào đấy, không nguy hại bằng sự tha hóa “quyền lực” cá nhân do lợi thế của tổ chức mang lại.

Niềm tin của công chúng là thước đo đạo đức nghề báo. Ảnh: Thành Huy Long

Quyết liệt hơn trong việc quản lý đội ngũ

Trong điều kiện truyền thông xã hội phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, người ta thấy rõ các xu hướng phát triển đáng mừng của thông tin, truyền thông. Không những thế, thông tin còn trở thành nguồn lực chính của nhiều ngành kinh tế, từ ngân hàng đến giáo dục, từ y tế đến nông nghiệp v.v..

Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, nó khiến nhiều người trở nên “ảo tưởng” vào quyền năng mà hệ thống thông tin truyền thông mang lại. Đã có rất nhiều vụ việc phóng viên, nhà báo bị bắt giữ do lạm dụng, lợi dụng uy tín nghề nghiệp để đe dọa tống tiền hoặc xúc phạm đến nhân phẩm và uy tín cá nhân của người khác.

Sự “ảo tưởng” này hết sức nguy hại, vì một sản phẩm truyền thông có mục đích xấu, được tạo ra bởi những người có kỹ năng giỏi và có sự ảnh hưởng trên các không gian mạng, thì nó sẽ có sức công phá rất lớn.

Công chúng, những cá nhân với niềm tin, tập quán, sự hiểu biết v.v.. khác nhau. Do đó, họ có khả năng nhận thức khác nhau. Nếu người làm báo không công bằng, khách quan, công chúng sẽ dễ bị dẫn dắt vào các mục đích không trong sáng.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí, các cấp Hội Nhà báo cần quyết liệt hơn trong việc quản lý đội ngũ, hội viên của mình./.

Nguyễn Cường