Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp trong kỷ nguyên 4.0

22/04/2020, 23:29

Sáng 26/7, tại thị xã Cửa Lò, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Lào tổ chức Hội thảo Báo chí quốc tế với chủ đề “Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số”.

Đại diện cơ quan báo chí hai nước Việt Nam và Lào tham dự Hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Tham dự về phía Hội Nhà báo Lào có ông Savankhone Razmountry – Thứ trưởng Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Hội Nhà báo Lào; Vilaythong Sixanon – Viện trưởng Viện Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Lào.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có các đồng chí: Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam;  Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo thị xã Cửa Lò.

Ngoài ra có hơn 100 đại biểu và khách mời đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, các Hội nhà báo, các nhà khoa học trong nước và hơn 40 nhà báo đến từ nước CHDCND Lào.

Nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng; hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện, gắn bó, thủy chung. Báo chí hai nước Việt Nam và Lào đều thực hiện sứ mệnh cao cả, là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.

Hội Nhà báo Việt Nam và Lào đã có truyền thống hợp tác, hữu nghị, góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Hội Nhà báo hai nước đã có nhiều hình thức phối hợp chặt chẽ trong cung cấp thông tin một cách toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của hai nước trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Bên cạnh trao đổi thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam và Lào còn hợp tác thực hiện đào tạo nghiệp vụ báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo mỗi nước, nắm bắt và tiếp cận đào tạo báo chí đa phương tiện, bắt kịp xu hướng phát triển báo chí hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Ông Savankhone Razmountry - Chủ tịch Hội Nhà báo Lào phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Chủ tịch Hội Nhà báo Lào Savankhone Razmountry nhấn mạnh, báo chí hai nước đều có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân mỗi nước. Báo chí cũng góp phần mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội Nhà báo Lào (trái) tặng quà cho Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Mỹ Nga

Đây cũng là dịp trao đổi kinh nghiệm của hai Hội và báo chí hai nước trong việc xây dựng nền báo chí trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên truyền thông số; là cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nhà báo hai nước, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Phát biểu chào mừng các nhà báo của hai nước về tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng khẳng định truyền thống gắn bó sâu sắc, vị trí chiến lược "kề vai sát cánh" của Nghệ An với các tỉnh nước bạn Lào. Đồng chí Đinh Viết Hồng nhận định, Hội thảo báo chí quốc tế Việt - Lào là hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa thiết thực đối với các nhà báo của mỗi nước; đồng thời đây là dịp để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An khẳng định những nỗ lực, cố gắng của mình trong việc góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc, hai nhà nước Việt Nam - Lào. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo báo chí quốc tế Việt - Lào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hồng Sơn

Tại hội thảo, nhiều tham luận của lãnh đạo cơ quan báo chí 2 nước đã nêu lên những kinh nghiệm trong việc xây dựng nền báo chí mỗi nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên truyền thông số hiện nay. Các tham luận cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hợp tác, chất lượng hoạt động nghiệp vụ của báo chí mỗi nước, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào.

Nhà báo Thanh Phong, Trưởng Ban Biên tập Báo Nhân dân hàng tháng, đại diện Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân dân, trình bày tham luận: “Thách thức và thời cơ của báo chí - Thực tiễn từ hợp tác Báo Nhân dân và Báo Paxaxon." Bản tham luận nêu rõ trong cuộc đua thông tin gắn với nhu cầu, thị hiếu, thói quen, đối tượng thông tin, tuổi đời của thiết bị và công nghệ thông tin đang thay đổi chóng mặt, từ chính trị tới thể thao, từ sự kiện văn hóa tới sự cố thiên tai...

Báo chí nói chung, báo chí Việt Nam và Lào nói riêng - cả báo truyền thống và phi truyền thống - với sự tác động, xâm lấn, lan tỏa của mạng xã hội theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực trong kỷ nguyên số hóa đang đối măt cả cơ hội và thách thức.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu trao quà lưu niệm cho Hội Nhà báo Lào. Ảnh: Hồng Sơn

Nhà báo Phosy Keomanivong, Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Lào, nêu quan điểm cần củng cố công tác phát thanh trong tương lai, đó là phải củng cố về nội dung, nhân lực, hệ thống phát sóng tin bài, nguồn vốn, quản lý. Đơn cử, về nội dung, phải củng cố chất lượng tin tức và các chương trình sao cho có nội dung phong phú, hữu ích, đáng tin cậy, thu hút sự quan tâm của thính giả, nhanh chóng kịp thời và có thể lồng ghép vào trong mọi hoạt động của xã hội. Các chương trình trên các phương tiện truyền thông phải đa dạng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Lấy dẫn chứng một sự kiện diễn ra trong giai đoạn đầu tháng 7/2019, hầu hết các khu vực trên toàn quốc Lào đều bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa nặng nề xảy ra tại huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu), nhà báo Phosy Keomanivong cho biết, Đài Phát thanh Quốc gia Lào phối hợp với các cơ quan báo chí khác thực hiện nhiệm vụ của mình để nhanh chóng kịp thời cung cấp những thông tin cho xã hội, đồng thời cũng kịp thời phản bác, đáp trả lại những thông tin mang tính chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thông tin xuyên tạc để tạo hiểu biết đúng đắn cho xã hội.

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: Hồng Sơn

Nhà báo, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, trình bày tham luận “Báo chí, phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số đa nền tảng,” trong đó nêu rõ những khó khăn, thách thức của báo chí truyền thống; tại sao truyền thông số là xu hướng tất yếu; xu hướng của phát thanh, truyền hình trong kỷ nguyên số...

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí và công chúng ngày càng lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội không nhỏ đối với báo chí và cả xã hội. Nhanh nhưng phải đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, có trách nhiệm cao với xã hội, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vẫn là yêu cầu cốt lõi đối với phóng viên, nhà báo trong bất kỳ thời đại nào, ở đâu.

Bên cạnh yếu tố thông tin phải luôn mới, “nóng,” nhanh nhạy, chính xác, đòi hỏi nhà báo phải biết tìm tòi những cái mới, cần thiết, bổ ích, nhân văn mà công chúng qua tâm. Biên tập viên, phóng viên cũng phải thường xuyên thay đổi tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, sáng tạo không ngừng để có nhiều các tác phẩm tốt, hấp dẫn, không bị nhàm chán, đơn điệu.

Trong kỷ nguyên số báo chí, phát thanh, truyền hình là những công cụ quan trọng được sử dụng để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, kết nối, sẻ chia thông tin, tư tưởng, tình cảm trên Internet và các loại hình truyền thông mới như Facebook và Twitter.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, trình bày tham luận: “Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Xu hướng thế giới và chiến lược của TTXVN." Tham luận nêu rõ đối với các nhà báo, vấn đề không phải là liệu có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hay không mà là khi nào AI sẽ trở thành một phần gắn liền với hoạt động của tòa soạn. Một số hãng tin trên thế giới đã áp dụng và phát hiện thấy rằng AI có thể mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng báo chí, chứ không phải thay thế lực lượng nhà báo hiện nay.

Nhà báo Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An phát biểu. Ảnh: Hồng Sơn

Dưới góc độ của Hội Nhà báo địa phương và cũng là địa phương có chung đường biên giới với Lào, nhà báo Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, cho biết trong nhiều năm qua, báo chí Nghệ An đã có nhiều hoạt động trong tuyên truyền đối ngoại, nhất là về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.

Nhằm tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hai nước hiểu rõ về lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, Hội Nhà báo Nghệ An và các cơ quan báo chí tại địa phương đã xây dựng nhiều chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, vận động nhân dân các địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Lào đoàn kết, hợp tác, giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội; ý nghĩa, tầm quan trọng của đường biên, cột mốc, chấp hành tốt pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự đường biên giới.

Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An Trần Duy Ngoãn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Lào cần thống nhất chủ trương, xây dựng chương trình, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện cho Hội Nhà báo các địa phương của hai nước có chung đường biên giới kết nghĩa trong hoạt động báo chí và mở rộng cho các địa phương trong cả nước không có chung đường biên giới nhằm chia sẻ chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp thông tin đối ngoại.

Các đại biểu nhà báo Lào tại hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn

Tại hội thảo, nhà báo Sinhpangna Rattanavong, Phó Giám đốc Thông tấn xã Lào, khẳng định sự hợp tác giữa truyền thông Lào và truyền thông Việt Nam nói chung, giữa Thông tấn xã Lào (KPL) và TTXVN nói riêng là sự hợp tác gắn bó chặt chẽ và đã chung sức góp phần xây dựng và tăng trưởng phát triển mối quan hệ bền vững với tiến trình cách mạng của hai nước. Các nhân viên, chuyên gia của TTXVN đã làm việc kề vai sát cánh với cán bộ của Lào, cùng đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ khó khăn thiếu thốn.

KPL và TTXVN đã hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau một các toàn diện để nâng cao chất lượng tin tức, hình ảnh, cung cấp sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo-bồi dưỡng cán bộ, xây dựng cơ sở kỹ thuật, hỗ trợ nhà báo của nhau trong hoạt động nghiệp vụ, trao đổi đoàn đại biểu cấp cao và nhà báo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan thông tấn.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi trình bày tham luận. Ảnh: Hồng Sơn

Một vấn đề được nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí Việt- Lào quan tâm, đó là mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của mạng xã hội hiện nay, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo nêu tham luận về "Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí trong kỷ nguyên 4.0". Ông trình bày về tình trạng tin giả, “dịch bệnh” đang lan truyền chóng mặt hiện nay. Từ đó ông nêu nên các giải pháp ứng xử của báo chí trước vấn nạn tin giả đó là: cần “cai nghiện” Facebook khi chưa muộn, chiếm lĩnh “không gian ảo”, không để mạng xã hội “dẫn dắt”, cần “bộ lọc” các comment và điều quan trọng là không được lệ thuộc vào Facebook. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, “người thư ký của thời đại” luôn phải tỉnh táo trước những thông tin lệch lạc, chủ động đấu tranh trước hiện tượng tin giả, không “nối giáo cho giặc”, xây dựng và tạo niềm tin cho xã hội.

Tổng kết hội thảo, các nhà báo hai nước bày tỏ quan điểm, đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm thu hút công chúng báo chí và phương thức đẩy mạnh hợp tác báo chí hai nước trong thời gian tới. 

TH