Xây dựng mô hình hội tụ truyền thông cho các Đài PT-TH địa phương

Hội tụ truyền thông đang là một thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực báo chí và trở thành xu hướng phát triển tất yếu của báo chí hiện đại. Các đài PT-TH địa phương đang đứng trước sự vận động và tự mình phải thích ứng trong kỷ nguyên số với sự cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt.

Xu hướng tất yếu

Đối với các Đài PT-TH địa phương khu vực miền núi phía Bắc, mặc dù không có những điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh nghiệm trong sản xuất các sản phẩm báo chí như các tập đoàn truyền thông hay những hãng thông tấn lớn, nhưng các cơ quan báo chí địa phương này,cụ thể là các Đài PT-TH đang tự “vừa làm, vừa học, vừa tự đầu tư” để dần đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, phong phú, mở rộng loại hình truyền tải đến khán thính giả. Một số Đài PT-TH như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang đã và đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn, để từng bước xác định hướng đi mới trong sản xuất và cung cấp thông tin. Các cơ quan này cơ bản đều có các loại hình: phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử và tạp chí PT-TH. Đối với nhà báo, thay vì chỉ quay phim, chụp ảnh hoặc chỉ biết viết như trước đây thì trong xu thế hội tụ truyền thông, họ có thể kết hợp sử dụng cả ba thao tác trên. Thậm chí các nhà báo còn sử dụng thành thạo các kỹ năng của kỹ thuật viên như: truyền tin Internet, dựng hình ảnh trên máy tính xách tay, dựng âm thanh công nghệ số... Tuy nhiên, các đài phát thanh truyền hình miền núi cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: chưa tìm ra được một hướng đi mang tính chiến lược để tạo bản sắc riêng; không kiểm soát được thông tin; các sản phẩm báo chí nhiều khi chỉ là một sự “xào xáo” thông tin, thậm chí có nhiều loại hình báo chí sau khi được tạo lập chỉ để “trang trí” cho một cơ quan báo chí hội tụ.

Xây dựng tiêu chí để tự đánh giá

Đối với Đài PT-TH địa phương hiện nay, việc làm quen với khái niệm hội tụ được cụ thể hóa bằng những chuyển động, thay đổi từ nhiều lĩnh vực như: Mô hình tổ chức; phương thức sản xuất nội dung; phương tiện kỹ thuật, về nguồn nhân lực, kỹ năng nhà báo và kinh phí... Qua thực tế cho thấy, xây dựng mô hình hội tụ truyền thông ở các đài PT- TH địa phương chủ yếu dựa trên một số tiêu chí cơ bản sau:

Thứ nhất, về nhân lực. Đây là một trong những nhân tố có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng mô hình hội tụ truyền thông. Do đó, các cơ quan báo chí, nhất là các đài PT-TH địa phương cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên; xây dựng cơ cấu tổ chức các phòng, các bộ phận theo hướng chuyên sâu; ưu tiên cho nhân sự của hai khối nội dung và kỹ thuật. Qua nghiên cứu tại các đài PT- TH như Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn có thể thấy, số lượng nhân lực của các đơn vị này đều có từ 100 - 230 lao động; tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học đạt từ 68 - 80%. Cơ cấu các phòng cũng tổ chức lại theo hướng chuyên môn sâu hơn, trong đó ưu tiên cho khối nội dung, kỹ thuật, trang thông tin điện tử. Ví dụ như ở Đài PT- TH Thái Nguyên hiện có 14 phòng, trong đó nhân lực của các phòng Thời sự, Biên tập, Kỹ thuật đều tăng từ 30% - 50% so với các phòng khác.

Thứ hai, về nội dung. Trước kia tất cả “nguồn tài nguyên” thông tin chỉ dành cho một loại hình phát thanh, hoặc truyền hình, nhưng giờ đây nó đã được chia sẻ vừa sử dụng cho cả báo in (tạp chí) và báo điện tử. Các dữ liệu được quản lý qua server chia sẻ và xử lý các thông tin qua mạng LAN hệ thống. Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường đưa ngay vào server để các biên tập viên ở các loại hình khác nhau cùng khai thác.

Thứ ba, về kỹ thuật. Các đài PT-TH cần hình thành và xây dựng hệ thống sản xuất tiền kỳ, hậu kỳ công nghệ số, truyền dẫn phát sóng tiêu chuẩn HD; hệ thống quản trị mạng lấy Internét làm trung tâm và thiết lập các quy trình từ duyệt, quản lý tư liệu, chia sẻ dữ liệu qua mạng cùng lúc cho các loại hình báo chí. Công nghệ truyền dẫn phát sóng cũng cần đa dạng hơn khi khai thác trên nhiều phương tiện: vệ tinh, cáp, Internet, MyTv, số mặt đất, YouTube... Đơn cử như đài PT-TH Bắc Kạn, Tuyên Quang đã chính thức quy chuẩn dữ liệu đầu vào HD và bắt đầu phát sóng chuẩn khung hình 16:9.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - Trưởng phòng Quản lý tư liệu và phương tiện tác nghiệp đài PTTH Thái Nguyên nhận xét về lĩnh vực kỹ thuật: “Trong giai đoạn 2008 đến nay, chúng ta vẫn chỉ manh nha phát triển thành cơ quan Truyền thông đa phương tiện, nhưng chưa được coi là truyền thông hội tụ. Thực trạng ở Đài Truyền hình Thái Nguyên mới chỉ dừng ở mức dùng chung nguồn tài nguyên là tin bài được đưa lên mạng nội bộ theo kiểu thủ công sau đó Trang thông tin điện tử, Phát thanh lấy về biên tập nội dung lại theo đặc trưng của mình. Về kỹ thuật, trang thông tin điện tử sử dụng công nghệ quá cũ. Chúng ta cần thay đổi”.

Thứ tư, về nghiệp vụ. Xây dựng đội ngũ làm báo chất lượng dựa trên nền tảng “một người có thể làm được nhiều việc”; nhà báo “đa kỹ năng” vừa là chủ thể chính đối với một loại hình báo chí tác nghiệp trực tiếp, nhưng cũng là chủ thể kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu (cả sản phẩm hoàn chỉnh) với các loại hình khác. Tỷ lệ phóng viên hội tụ 3 trong 1 hoặc 4 trong 1 của các đài như: Thái Nguyên chiếm 25%, Tuyên Quang: 20% và Bắc Kạn: 30%. Hiện nay, hầu hết các phóng viên trẻ cơ bản tự bồi dưỡng thêm các kỹ năng, nghiệp vụ như: dẫn hiện trường, biết quay phim, vừa viết, chụp ảnh, biết dựng hình (đối với phóng viên nam). Cơ bản các phóng viên đều có máy tính xách tay có cài đặt phần mềm dựng hình, có thêm máy ghi âm hoặc ghi âm thông qua điện thoại Smatphone. Đây là những nỗ lực của các đài địa phương trong việc xây dựng mô hình ban đầu của hội tụ truyền thông. Theo Nhà báo Hoàng Văn Thiên - Phó giám đốc Đài PT- TH Bắc Kạn: “Trong tổng số trên 100 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của đài thì cán bộ khối nội dung đang chuyển động hơn cả. Trên 60 cán bộ này đang là bộ phận nòng cốt trong sản xuất chương trình của đài. Số lượng phóng viên có thể được coi là hội tụ 3 trong 1 theo đánh giá của chúng tôi chỉ khoảng 30%”.

Thứ năm, về tài chính. Hiện nay các đài PT- TH địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí ngân sách, nguồn kinh phí này chưa giúp các đài có những thay đổi lớn trong môi trường hội tụ. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát đối với các đài phát thanh truyền hình địa phương đó là: “kinh phí ít, đầu tư hạn chế, chất lượng chương trình kém hấp dẫn, không thu hút được nguồn thu, không có kinh tế đầu tư...”.

Thực chất, dù đã có 3 hay 4 loại hình báo chí trong cơ quan, nhưng việc chuyển đổi tư duy làm báo theo xu thế hội tụ của các đài PT- TH địa phương miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng quy trình sản xuất hội tụ còn thiếu định hướng, kinh phí đầu tư thiết bị không nhiều nên vẫn còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Trang thông tin điện tử mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự phát huy tối đa vai trò của thông tin mạng; tờ Tạp chí phát thanh truyền hình thì gần như mất tăm.

Hai giải pháp trọng tâm

Dự báo trong tương lai hệ thống các Đài PT- TH địa phương sẽ phát triển dựa vào sự phát triển của công nghệ hạ tầng truyền thông và công nghệ sản xuất thiết bị đầu cuối PT-TH. Bốn yếu tố mà các đài PT-TH địa phương cần quan tâm đó là: Khai thác thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ; Lấy Internet làm trung tâm; đào tạo nghiệp vụ nhà báo đa kỹ năng là then chốt; Xu hướng trao đổi thông tin, từ cạnh tranh đến hợp tác. Để tạo nền tảng cho xu hướng này thì trước mắt các đài PTTH địa phương cần tập trung cải thiện 2 vấn đề căn cốt nhất chính là: Nội dung và kỹ thuật.

Về nội dung, các đài cần nâng thời lượng các chương trình tự sản xuất (hiện mới chỉ đạt từ 25% - 35% thời lượng phát sóng); phân khúc khán giả để xây dựng các chương trình, chuyên mục cho phù hợp; coi trọng và có đầu tư thích đáng cho chương trình thời sự, khoa giáo và giải trí. Công tác thư ký biên tập cũng cần tính toán một cách hợp lý các khung giờ phát sóng, chất liệu nội dung cho từng ngày, từng tuần, từng tháng; bảo đảm các sản phẩm báo chí trên cả phát thanh, truyền hình, báo điện tử đều có thể đến với khán giả một cách nhanh nhất. Ngoài ra trong phương thức sản xuất cũng cần bỏ tư duy kiểu “có gì cung cấp đấy” mà phải hướng tới mục tiêu xem “công chúng đang cần gì, đang quan tâm gì”, các sản phẩm báo chí mới thực sự hiệu quả và được đón nhận một cách tự giác.

Về kỹ thuật, giải pháp đặt ra là các đài cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản sản xuất các chương trình theo tiêu chuẩn HD. Sự đồng bộ này sẽ được cụ thể với các nội dung như: xây dựng hệ thống quản trị hệ thống lấy Internet làm nền tảng. Xây dựng hệ thống quản lý tin, bài, media từ tiền kỳ tới hậu kỳ cho phép kiểm duyệt chương trình từ bất kỳ đâu trên mạng và bằng bất kỳ thiết bị nào. Thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng theo tiêu chuẩn DVB - T2 mà Chính phủ đặt ra. Ngoài ra các đài PTTH địa phương cần đẩy mạnh cách thức đưa các chương trình tiếp cận khán giả trên môi trường Internet theo hướng đa nền tảng như: Webcast (Truyền hình trực tuyến trên In- ternet, thông qua các website bao gồm: Trực tiếp (Live), Phát lại (VOD - video on demand), OTT, Youtube, Facebook...


Lê Huy Hòa
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top