Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
22:40 12/03/2023
- Báo chí địa phương
Sáng 12/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo_Ảnh: PV
Tham dự có ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; đại diện các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, các cục, vụ, Viện, đơn vị thuộc (Bộ NN&PTNT); đại diện lãnh đạo các tỉnh trồng cà phê trong nước; đoàn đại biểu là Đại sứ, tham tán thương mại Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam; một số hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; tổ chức, doanh nghiệp liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND nhấn mạnh, hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” là dịp gặp gỡ, kết nối giữa các cơ quan Trung ương, cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX sản xuất-chế biến-tiêu thụ, các nhà đầu tư, chuỗi phân phối, cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại trên thế giới để cùng nhau đưa ra giải pháp, nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khai mạc hội thảo_Ảnh: PV
Tại hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, những thách thức trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp để phát triển cà phê ổn định và bền vững.
Ngoài ra, các đại biểu quốc tế cũng đã chia sẻ thêm thông tin về nhu cầu và thị trường cà phê của các thị trường trên thế giới, từ đó chỉ ra vị thế, cơ hội cho sản phẩm cà phê của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, để cà phê Việt Nam tăng giá trị không chỉ ở chế biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê để đi vào đúng cảm xúc. Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê…
Các đại biểu tham dự hội thảo_Ảnh: PV
Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam và được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% sản lượng cà phê của cả nước. Ngành hàng cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước.
Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Huyện Thọ Xuân phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (09:36 31/12/2024)
- Thanh Hóa: Phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 (09:44 30/12/2024)
- Thanh Hóa đề ra mục tiêu tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025 (10:06 25/12/2024)
- Hải Phòng: Sâu lắng triển lãm tranh nghệ thuật “Nắng & Lắng” (02:04 24/12/2024)
- 19 tác phẩm xuất sắc được trao giải báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024 (02:34 21/12/2024)