WB dự báo Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng châu Á năm 2022
12:12 28/09/2022
- Kinh tế
WB vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng 4, trong khi đó dự kiến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 3,2%.
Sản xuất dệt may tại doanh nghiệp Tiên Sơn. (Ảnh: Vietnam+)
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng Tư, được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực châu Á.
Cụ thể, WB đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% hồi tháng Tư xuống còn 2,8%. Điều này khiến cho dự báo tăng trưởng của châu Á bị hạ xuống còn 3,2%, thấp hơn rõ rệt ước tính 5% hồi tháng Tư.
Không kể Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo cho Indonesia được giữ nguyên ở mức 5,1%, còn Malaysia, Philippines và Thái Lan thì được nâng lên.
Các điều kiện và thách thức chính
Theo báo cáo của WB, nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào quý 3/2021, tăng 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài.
Khu vực dịch vụ tăng 6,6% trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 8,6% trong quý 2/2022. Khu vực sản xuất công nghiệp (không bao gồm ngành xây dựng) tăng 8,4% trong nửa đầu năm 2022, được thúc đẩy bởi nhu cầu ổn định từ nước ngoài. Lạm phát nhích lên 3,1% (so với cùng kỳ năm ngoái) vào tháng Bẩy năm 2022, chủ yếu do chi phí vận tải cao hơn, tăng 15,2%, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.
Tuy vậy theo các chuyên gia WB, dù nền kinh tế đang được phục hồi, khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu tác động dai dẳng. Một cuộc khảo sát về nhịp độ kinh doanh được WB giới thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3/2022 cho thấy 92,6% các công ty chính thức đã hoạt động trở lại, nhưng có đến 56% báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong thời gian này thấp hơn so với trước đại dịch.
Các chuyên gia WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với tổng sản lượng hiện tại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu với nhu cầu kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên.
Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu thập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sản xuất, vốn tự nhiên và con người.
Triển vọng sáng sủa
Theo chuyên gia WB, giống như các quốc gia Đông Á khác (ngoài Trung Quốc), nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2022, tăng trưởng 7,2%, phần lớn là do xuất phát từ thấp điểm sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến cho kinh tế bị suy giảm vào năm ngoái, trước khi quay trở lại đà tăng trưởng trong trung hạn.
Các động lực tăng trưởng dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa lần 2, trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.
Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thâm hụt được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,2% GDP nếu việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ của năm 2022-2023 được đẩy mạnh.
Cũng theo các chuyên gia WB, sau một thời gian bị đình trệ do cuộc khủng hoảng COVID-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến sẽ tăng lên, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022, dựa trên chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới.
Dù vậy, triển vọng kinh tế cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước. Các rủi ro từ bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc) và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về rủi ro trong nước, WB cho rằng lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Trong ngắn hạn, với bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phục hồi và lạm phát trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ thích ứng đang được triển khai vẫn phù hợp trong khi một lập trường tài khóa có tính hỗ trợ hơn sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng. Điều này có nghĩa là cần sử dụng ngân sách và thực hiện chương trình hỗ trợ 2022-2023 hiệu quả hơn. Tài chính hộ gia đình vẫn còn bấp bênh, đặc biệt là các hộ nghèo cần tiếp tục được xã hội hỗ trợ.
“Nếu lạm phát tăng nhanh trên 4% và lạm phát cơ bản gia tăng, các cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh lại chính sách tài khóa và tiền tệ. Rủi ro trong khu vực tài chính gia tăng đòi hỏi phải tăng cường giám sát, báo cáo và trích lập dự phòng nợ xấu đồng thời cải thiện các cơ chế giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng,” chuyên gia WB khuyến cáo.
Theo Vietnam+
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB lần thứ 4 lọt tốp 10 doanh nghiệp báo cáo thường niên tốt nhất ngành Tài chính (03:34 21/11/2024)
- BIDV - doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (01:04 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank khai trương phòng chờ sân bay siêu VIP dành cho nhóm khách hàng thượng lưu (07:17 20/11/2024)
- Tập đoàn Đại Dũng và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (05:11 19/11/2024)