COP26: Việt Nam tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Kỳ I: Những cam kết có trách nhiệm

10/06/2022, 08:35

Kỳ I: Những cam kết có trách nhiệm - Biến đổi khí hậu từ lâu nay luôn được xem là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu, là thách thức lớn nhất hiện nay trên toàn thế giới, tác động của nó không ngoại trừ một quốc gia, cá nhân nào. Sự thay đổi của khí hậu gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe của con người.

Một người lái xe tuk tuk tại thủ đô New Delhi quấn khăn để tránh hơi nóng lên tới 44 độ C. Ảnh: ANI

 

Tai hoạ được báo trước

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra trầm trọng hơn. Bằng chứng chính là những trận thiên tai kinh hoàng đi vào lịch sử như: mưa bão, lũ lụt, hạn hán, đặc biệt là hiện tượng băng tan ở Nam Cực và Bắc Cực đang diễn ra ngày càng nhanh với mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề cấp thiết, mang tính toàn cầu mà không một quốc gia, một cá nhân nào đứng ngoài cuộc được, bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố vào ngày 28/2/2022, hiện Trái đất đã nóng hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những dự báo đều cho thấy nếu lượng phát thải vẫn duy trì và tăng như hiện nay thì rất khó kiểm soát mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C theo như những cam kết, mà khi đó Trái đất của chúng ta sẽ suy thoái theo hàng trăm cách và có những cách không thể khắc phục.

Ngay gần đây, chỉ trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, thế giới đã chứng kiến một loạt các trận lũ lụt hay nắng nóng bất thường cũng như cháy rừng nghiêm trọng chưa từng  thấy ở cả bốn châu lục.

Trong tháng 7/2021, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xảy ra lũ lụt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 300 người, cùng với đó nhiều tổn thất về mặt tài sản. Hay như đợt đại hạn hán mùa hè năm 2021 tại bang California, Mỹ mà theo những con số thống kê đó là đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong 126 năm của bang này, cùng với đó là nhiều trận lốc xoáy đã càn quét miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ trong tháng 12/2021, gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa với khoảng 100 người thiệt mạng, các số liệu thống kê cũng  cho thấy tháng 12 là tháng rất ít xảy ra lốc xoáy.

Tháng 4/2022, Khu vực Tây Bắc và miền Trung Ấn Độ cũng trải qua tháng 4 nóng nhất trong suốt 122 năm qua mà theo thống kê của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), trong khi một thành phố ở tỉnh Sindh của Pakistan đã ghi nhận mức nhiệt 49 độ C vào ngày 30/4/2022, một trong những "kỷ lục thế giới" đáng sợ nhất, điều này làm cho nhiều vùng của Ấn Độ cũng bị cắt điện 9 giờ/ngày, có nơi đến 18 giờ/ngày.

Đợt nắng nóng kỷ lục này cũng khiến một số bang Tây Bengal và Odisha đã đóng cửa trường học do nhiều em bị chảy máu cam không thể đến trường. Cùng với đó, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, cũng như giảm năng suất cây trồng, bao gồm lúa, lúa mỳ, nhiều loại trái cây và rau khác nhau.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do bờ biển dài cùng với đó nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với những đặc điểm khí hậu và thời tiết rất phức tạp.

Những năm gần đây, với sự ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu tình hình thiên tai của nước ta càng ngày càng bất thường, gây thiệt hại lớn. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong 20 năm gần đây ở Việt Nam, hàng năm thường xuyên gặp trung bình 15/22 loại hình thiên tại như: bão, lũ quét, lở đất, ngập mặn v.v.. khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, tài sản thiệt hại trên 6,4 tỷ USD. Theo ước tính, khoảng 60% diện tích đất cũng như hơn 70% dân số đứng trước rủi do chịu sự tác động từ thiên tai.

Đặc biệt, Việt Nam là nước có bờ biển dài 3.260km, cùng với đó là khoảng 50% dân số ở vùng đất thấp. Theo ước tính, nếu mực nước biển dâng 1m thì 10% diện tích đồng bằng Sông Hồng và khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều vùng đất hiện tại sẽ chìm trong nước.

Trước bối cảnh đó, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) được ra đời, diễn ra lần đầu vào năm 1995 tại Berlin (Đức), gọi là COP1, để xem xét việc thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Nhưng sau nhiều năm, kể cả những cam kết về khí hậu tham vọng nhất cũng không đủ để giữ mức độ nóng lên của toàn cầu chỉ ở 2 độ C tính đến cuối thập kỷ này, như các nước đã đồng thuận.

Tháng 11/2021, Hội nghị COP26 là một trong những hội nghị thượng đỉnh lớn nhất từ trước đến nay do Anh đăng cai tổ chức. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đây là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

COP26 đã thu hút tổng số khoảng 30.000 đại biểu tham dự, trong đó có sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước. Có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Ngoài ra, còn có Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn.

Và sau rất nhiều nỗ lực của nước chủ nhà Anh cùng với các bên tham gia, cuối cùng COP26 đã bế mạc với việc tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện mục tiêu này tại COP26, tất cả các quốc gia đã đồng ý vào năm 2022 sẽ xem xét lại và củng cố các mục tiêu phát thải đến năm 2030. Gần 100 quốc gia trong đó có Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu. Hơn 100 quốc gia cam kết đến năm 2030 chấm dứt nạn phá rừng, 40 quốc gia cam kết loại bỏ điện than tương đương với 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019.

Hai cường quốc phát thải lớn là Mỹ và Trung quốc cũng cam kết hợp tác xây dựng chiến lược dài hạn giải quyết vấn đề phát thải khí metan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải cacbon. Cùng với đó, 450 tổ chức tài chính cam kết sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 lần này cũng đã ra mắt một liên minh mới các quốc gia cam kết đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới. 

Đây là một bước tiến lớn so với các kỳ họp COP khác bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của Liên hợp quốc, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC), 5 năm một lần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. Ảnh: TL

Việt Nam với COP26

“Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, là cam kết chính thức của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố tại Hội nghị.

Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Phát biểu về cam kết tại COP26 của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà cho biết “Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Cụ thể, Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Điều đó thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước ta trong giai đoạn tới đây, định hướng các hoạt động đầu tư phát triển trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh”, phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu”.

Có thể nói, qua các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh chính tại Hội nghị COP26, cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ tinh thần chủ động, tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết liên quan việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, và Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay, Việt Nam không đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến này./.

Đỗ Hồng Anh

---

Xem thêm: Loạt 4 kỳ: COP26: Việt Nam tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Kỳ I: Những cam kết có trách nhiệm

Kỳ II: Thành viên tích cực của COP26

Kỳ III: Từ cam kết mạnh mẽ đến hành động thiết thực

Kỳ IV: Báo chí truyền thông với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu