Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Việt Nam: “Điển hình mẫu mực” về bảo tồn và phát huy giá trị di sản

15:09 15/02/2024 - Văn hóa xã hội
Với 8 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu và 3 thành phố sáng tạo toàn cầu được UNESCO ghi danh, Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc…, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Với những nỗ lực không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu, Việt Nam được đánh giá là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Di sản chính là tài sản quốc gia đặc biệt có giá trị trong việc phát triển du lịch.

Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương, trên cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước; 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia…

Đặc biệt, hiện Việt Nam có 8 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu và 3 thành phố sáng tạo toàn cầu được UNESCO ghi danh. Chúng ta tự hào là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, với những đặc trưng riêng có của từng vùng miền, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại. Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu, di sản UNESCO của chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Tổng Giám đốc UNESCO và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã từng khẳng định: Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. 

Đặc biệt, năm 2023 Việt Nam ghi nhận những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương tại tổ chức UNESCO. Nước ta được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khóa 42, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, trong đó có 3 vị trí Phó Chủ tịch.

Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội  nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 25- CT/TW của Ban Bí thư và Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Những thành quả này còn minh chứng cho vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu. 

Có thể thấy, những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương của Việt Nam tại UNESCO vừa qua không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại Việt Nam mà còn tiếp tục thể hiện sức mạnh mềm, vị thế quốc gia.

Cố đô Huế - một trong những di sản được UNESCO vinh danh _Ảnh: TL.

Các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng  đồng quốc tế đánh giá là “danh giá”, vì không chỉ là các tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc của từng quốc gia, dân tộc, mà còn có giá trị ở tầm toàn cầu, thậm chí là di sản của nhân loại. Do vậy, các di sản, danh hiệu UNESCO có tiềm lực lớn trong thu hút du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững, tạo dựng thương hiệu địa phương, nâng cao hình  ảnh và sức mạnh mềm quốc gia. 

Tuy nhiên, trước những thách thức gay gắt của thế kỷ XXI như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, du lịch ồ ạt, sức ép của tăng trưởng và đô thị hóa, công nghệ mới… đe  dọa làm mai một bản sắc văn hóa, ảnh hưởng tới việc bảo tồn, phát huy các di sản… Chính vì vậy đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, biến tiềm lực thành nguồn lực, di sản thành tài sản thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của người dân, địa phương và quốc gia. 

Trên thực tế hiện nay cả nước vẫn còn nhiều di tích, di sản… vẫn chưa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo đúng mức, chưa phát huy được hết giá trị… Để các di sản văn hóa trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và điểm đến hấp dẫn của khách du lịch chúng ta cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa, nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới…, cần nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của những khu vực này để tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội của cộng đồng nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí… Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích…

Theo dangcongsan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.