VIB gặt hái những kết quả tích cực từ việc tự động hóa và số hóa trong các mảng hoạt động
16:00 05/08/2021
- Báo chí & Doanh nghiệp
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) vừa tổ chức buổi gặp mặt trực tuyến giữa giới phân tích và nhà đầu tư, chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 và chiến lược duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững đã thiết lập nhiều năm qua, kết hợp đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng, cộng đồng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tại buổi gặp mặt, đại diện ngân hàng chia sẻ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, chiến lược duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững đã thiết lập nhiều năm qua, kết hợp đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng và cộng đồng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.954 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 10,3%, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 73,1%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 32,9%, giúp nhà băng này liên tiếp 10 quý thuộc top ngân hàng hiệu quả đầu ngành.
Điều đáng nói, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, VIB đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng chịu ảnh hưởng. Song song đó, VIB đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng chỉ số biên lãi ròng (NIM) thông qua việc đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ và tối ưu hóa chi phí huy động vốn.
Báo cáo của VIB cũng chỉ ra xu hướng NIM trong 6 quý gần đây ngày càng được cải thiện mạnh nhờ việc giảm chi phí huy động vốn (COF). Tỷ lệ COF đã giảm từ 5,4% vào quý I/2020 xuống còn 3,8% vào quý II/2021. NIM tăng từ 3,9% vào quý I/2020 lên 4,6% vào quý II/2021.
Được biết, mới đây, ngân hàng này cũng hoàn tất ký kết khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD trong 3 năm với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một số định chế tài chính quốc tế. Ngân hàng cũng đang triển khai kế hoạch số hóa toàn bộ sản phẩm CASA và tiền gửi để tăng trưởng vững mạnh hơn nữa nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, với định hướng tập trung chiến lược bán lẻ, dư nợ bán lẻ 6 tháng đầu năm 2021 của VIB tăng trưởng hai chữ số, đạt 14,2%, kể cả trong giai đoạn dịch, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ của ngân hàng.
Danh mục bán lẻ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung, thích ứng tốt trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại. VIB cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ tốt hàng đầu thị trường hiện nay.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản VIB đạt trên 277.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 185.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm. Huy động tiền gửi khách hàng tăng trưởng trên 12%. Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm về mức 1,3%. Với việc quản trị rủi ro chặt chẽ, ngân hàng duy trì tốt các chỉ số rủi ro và hệ số an toàn ở mức thận trọng.
Một điểm nhấn nữa rất đáng chú ý là sau 5 năm chuyển đổi, dư nợ bán lẻ của VIB nằm trong top 4 các ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm 2020 và vị trí này có thể có thay đổi tích cực trong năm 2021. Mảng bán lẻ từ chiếm tỷ trọng 21% lợi nhuận trước thuế (PBT) của VIB năm 2016 đã tăng gấp 6 lần về dư nợ, và chiếm tỷ trọng 70% PBT của toàn ngân hàng tính đến hết năm 2020.
Thêm nữa, các chiến lược kinh doanh của VIB đang dần gặt hái các kết quả tích cực từ việc tự động hóa và số hóa các hoạt động bán hàng và sau bán hàng ở mảng bán lẻ. Chính vì vậy, VIB không chỉ là ngân hàng hàng đầu về doanh số bán mà còn là top đầu ngành về quản trị rủi ro của mảng ô tô.
Điều này có được do VIB áp dụng khẩu vị rủi ro chặt chẽ ngay từ khâu phát triển sản phẩm và yêu cầu về khả năng trả nợ của khách hàng, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo luôn dưới 80%, đánh giá tài sản bảo đảm chặt chẽ, đồng thời với việc cho vay có chọn lọc: 90% dư nợ vay ô tô là cho vay ô tô mới tiêu dùng và tập trung ở top hãng xe hàng đầu thị trường.
Đặc biệt, mặc dù giãn cách xã hội, VIB vẫn duy trì doanh số bán bảo hiểm nhân thọ thuộc top đầu trong thời gian qua, nhờ có các nền tảng bán hàng số và các giải pháp số đã được VIB triển khai hai năm gần đây.
Ở mảng thẻ tín dụng, tỷ lệ mở thẻ tín dụng và chi tiêu thẻ của VIB cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử, do VIB là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu để mở thẻ và sử dụng thẻ hoàn toàn online, bên cạnh các tính năng nổi trội mà VIB áp dụng ở Việt Nam.
Sau hơn 2 năm triển khai mạnh mẽ mảng thẻ tín dụng, ngân hàng đã áp dụng thành công trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý dữ liệu lớn (Big Data), cùng các công nghệ hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng, xác lập kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường.
Nhờ đó, VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ, đứng thứ 2 toàn thị trường, theo báo cáo của Hiệp hội thẻ Việt Nam.
Đại diện của VIB cũng chia sẻ, Ngân hàng đang tập trung vào việc phát triển ngân hàng số, cùng với các giải pháp số hóa để có thể tiếp cận đến đa dạng các tập khách hàng thay vì chỉ nhắm tới một số nhóm khách hàng cụ thể.
Đại diện của VIB cũng bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong việc vừa bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế thiết yếu được vận hành không đứt quãng.
Thu Hà
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Tập đoàn Stavian nhận giải thưởng nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024 (03:33 22/11/2024)
- BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực trong giai đoạn phát triển mới (03:02 21/11/2024)
- Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững (03:19 20/11/2024)
- Khám phá Vietjet Green Friday, ưu đãi lớn nhất năm, bay xanh khắp thế giới! (02:34 19/11/2024)
- Phú Quốc sẽ có dự án Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng (10:45 18/11/2024)