Văn hóa và báo chí 4.0

22/04/2020, 23:29

Soi chiếu từ bình diện văn hóa, “sự sáng tạo” được xem là một thuộc tính quan trọng nổi bật trong văn hóa báo chí của nhà báo, đặc biệt trong bối cảnh các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Sự sáng tạo được tạo nên bởi trí tuệ,

Văn hóa và báo chí 4.0

Văn hóa báo chí của nhà báo

Năm 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quan niệm văn hóa theo nghĩa rộng: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.

Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn(1) .

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn bộ sáng tạo và phát minh của con người trong các lĩnh vực để phục vụ nhu cầu đời sống và đòi hỏi sinh tồn, ấy là văn hóa.

Báo chí là sản phẩm sáng tạo của con người, nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin, giao tiếp, hình thành và phát triển cùng tiến trình lịch sử thời đại, nên theo nghĩa rộng, báo chí là văn hóa. Nói một cách đơn giản, báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa. Trên cơ sở đó, thay vì nói: báo chí là văn hóa, hay tính văn hóa của báo chí, chúng ta có thuật ngữ: văn hóa báo chí.

Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí, không phải hoạt động nào cũng mang tính văn hóa và cũng tạo ra sản phẩm báo chí có giá trị. Theo nghĩa hẹp, văn hóa báo chí là hệ thống những giá trị tinh hoa do con người sáng tạo ra trong lĩnh vực báo chí, phù hợp với các chuẩn mực văn minh, đạo đức, pháp luật, phục vụ con người và góp phần thúc đẩy phát triển xã hội.

Theo nghiên cứu của tác giả, yếu tố cấu thành văn hóa báo chí gồm: Văn hóa của chủ thể truyền thông; Trình độ phát triển của phương tiện truyền thông; Giá trị sản phẩm báo chí. Trong đó, văn hóa của chủ thể truyền thông lại bao gồm: Văn hóa của cơ quan báo chí, và Văn hóa của nhà báo.

Để tạo nên những sản phẩm báo chí chất lượng, có giá trị, văn hóa báo chí của nhà báo rất quan trọng. Từ quan niệm về văn hóa báo chí, tác giả đề xuất cách hiểu về văn hóa báo chí của nhà báo như sau:

Văn hóa báo chí của nhà báo là tổng hòa bản lĩnh chính trị, phông văn hóa, phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật và trình độ, năng lực chuyên môn của nhà báo, giúp nhà báo tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị, nhằm góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của cơ quan báo chí, thoả mãn nhu cầu thông tin của công chúng và phù hợp với tiến trình phát triển xã hội.

Văn hóa báo chí nhà báo được tạo thành bởi các thành tố: Bản lĩnh chính trị, Phông văn hóa, Đạo đức nghề nghiệp, Tinh thần thượng tôn pháp luật, Năng lực, trình độ chuyên môn.

Xét từ góc độ năng lực, trình độ chuyên môn, văn hóa báo chí của nhà báo phải hội tụ được các tố chất: Trình độ học vấn (báo chí) cao; Thành thạo sử dụng kỹ thuật công nghệ; Kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp; Óc sáng tạo... Trong đó, óc sáng tạo là một tố chất nổi bật. Bởi nếu nhà báo không sáng tạo, sẽ không đem lại được các giá trị mới cho báo chí, khó thúc đẩy đổi mới và phát triển.

Báo chí trong thời đại công nghệ 4.0

Báo chí trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự ra đời của công nghệ in 3D, robot - trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật... đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí đã nỗ lực tận dụng công nghệ kỹ thuật, tạo nên những đột phá trong hoạt động sản xuất, truyền dẫn, phát hành, tiếp nhận sản phẩm.

Kết quả của sự sáng tạo đó là sự ra đời một loạt phương tiện/kênh/hình thức truyền thông mới với những tính năng ưu việt, như: Phát thanh Internet, truyền hình Internet; Báo chí kết nối mạng xã hội; Báo chí di động; Các hình thức báo chí sáng tạo, bao gồm: Báo chí dữ liệu (Data journalism); báo nhúng (Immersive journalism); megastory, long-form; news games; rap news...; Báo chí rô bốt; Báo chí hội tụ, tòa soạn hội tụ (convergence newsroom).

Trước đây, phát thanh chỉ nói bằng âm thanh, thì nay, là phát thanh đa phương tiện, phát thanh có hình. Nghe, xem phát thanh, truyền hình, thậm chí đọc báo in trên máy tính, di động đã trở nên phổ biến. Người máy có thể viết báo với công suất nhanh gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với phóng viên.

Trước đây, báo in chỉ thuần túy chuyển tải thông tin bằng chữ viết bị xem là tờ báo đơn điệu. Ngày nay, báo in đã có mùi, có vị, có ánh sáng phát ra trong bóng đêm, có câu chuyện kể bằng giọng hát trong khi câu chuyện khác được kể lại bằng việc sử dụng trò chơi. Báo in có thể giúp độc giả thử mỹ phẩm trang điểm.

Trước đây, công chúng chỉ tiếp nhận sản phẩm khi tin tức đã được “đóng gói”, giờ đây, người ta có thể tiếp nhận thông tin theo phương thức “cùng tham gia”, “cùng trải nghiệm”. Báo nhúng là loại tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ thực tại ảo, sử dụng camera 360 độ, cho người xem những trải nghiệm như đang được trực tiếp chứng kiến sự kiện, đang là một “nhân vật” trong câu chuyện xảy ra tại hiện trường. Để gia tăng tính trải nghiệm, công chúng được sử dụng các thiết bị ngoại vi như: Kính cảm ứng, màn hình cảm ứng, quần áo cảm ứng, găng tay cảm ứng..., làm thay đổi trạng thái của môi trường ảo thông qua lời nói, cử chỉ, hành động, thậm chí là cả ánh mắt.

Với sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại di động và mạng Internet, một tác phẩm báo chí sử dụng công nghệ thực tại ảo tạo ra sự tương tác và mang đến nhiều cảm xúc thú vị với công chúng./.

PGS.TS. Trương Thị Kiên

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t.3, tr. 431