Vấn đề xây dựng quy định đạo đức báo chí

12/07/2016, 14:53

Vấn đề xây dựng quy định đạo đức báo chí - Thời gian qua, hiện tượng thông tin sai sự thật trên báo chí liên tiếp xảy ra, gây bức xúc xã hội, khiến công chúng mất niềm tin vào báo chí. Chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại trở nên nóng bỏng như thời điểm này. Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã kêu gọi các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí và mỗi người làm báo ý thức rõ hơn, hành động mạnh hơn để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đồng thời góp ý kiến sửa đổi Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật báo chí sửa đổi năm 2016.

Mối quan hệ giữa báo chí và đạo đức

Trong xã hội hiện đại, báo chí ngày càng có nhiều nguồn thông tin hơn, nhanh nhạy hơn trong xử lý thông tin, nhân văn và tỉnh táo hơn khi cung cấp thông tin cho công chúng. Để làm được điều đó, báo chí luôn phải vận động để tự đổi mới, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của công chúng trong sự vận động, biến thiên của xã hội. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, báo chí luôn phải tìm cách tốt nhất để cung cấp những sản phẩm truyền thông theo nhu cầu và sở thích của công chúng. Thực tế cho thấy, hiện nay các tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử... đang cạnh tranh nhau bằng: tia-ra, hit, rating, view. Sự cạnh tranh đó kết hợp với những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã khiến một số người làm báo chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà coi nhẹ hiệu quả xã hội. Tuy nhiên, thế nào là hiệu quả xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích công chúng? Mặc dù đã có khá nhiều định nghĩa, song chưa có một định nghĩa chuẩn xác. Có người nói cần phân biệt giữa cái mà công chúng muốn và cái mà công chúng cần, không phải cái gì hấp dẫn công chúng cũng có lợi cho công chúng. Thực tế đã chứng minh, lợi ích của số đông không phải bằng trung bình cộng của các lợi ích cá nhân. Vậy lợi ích của số đông được định lượng như thế nào? Làm thế nào xác định được đâu là bài báo có lợi cho công chúng, mang lại những gì tốt đẹp cho xã hội cần và thực sự phục vụ vì nhân dân? Để tìm được câu trả lời đó, trước hết chúng ta cần phải giải mã khái niệm: “Đạo đức nghề nghiệp” của người làm báo.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia báo chí nước ngoài, từ “đạo đức báo chí” tiếng Anh là “ethics”, có nguồn gốc từ chữ ethikos trong tiếng Hy Lạp, mang hàm nghĩa phân biệt giữa đúng và sai. Theo Chirist Frost, thuật ngữ “nhà báo có đạo đức” được hiểu là: “Thu thập thông tin trung thực, chính xác dựa trên sự thật, giành được sự quan tâm và xuất bản tin tức đó kịp thời cho công chúng”. Joseph Pulitzer - chủ bút của tờ báo New York World (Mỹ) - người được lấy tên cho giải thưởng báo chí danh giá nhất nước Mỹ vào đầu thế kỷ XX, đã đưa ra quy tắc rất nổi tiếng cho giới báo chí: “chính xác, chính xác và chính xác”.

Kovach và Rosenstiel - tác giả của cuốn sách “Các yếu tố của báo chí”2 cho rằng: “Điều bắt buộc đầu tiên của báo chí là sự thật”. Đồng thuận với quan điểm này, nhà báo Peter Arnett, người từng đạt giải Pulitzer danh giá năm 1966 cho những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam cho rằng, “phải viết như sự thật vốn có”, mặc dù “một nhà báo cần có phong cách riêng và độc lập”. Ông cũng nhấn mạnh, phóng viên nên làm việc tích cực, thu thập thông tin, phỏng vấn, tuân theo các quy định, đưa ra những đánh giá chung về một sự việc một cách khách quan. Phóng viên phải là người có trách nhiệm, vì quần chúng và mang lại lợi ích cho xã hội. Giống như báo chí giúp Chính phủ chống và điều tra những vụ tham nhũng và điều đó làm báo chí có sức mạnh hơn.

Bài học từ thực tiễn

Trong kỷ nguyên số, việc nắm bắt được thông tin nhanh, nóng hổi luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí truyền thông. Tuy nhiên, trong cuộc tranh đua quyết liệt đó, một số nhà báo đã bỏ qua vấn đề “trách nhiệm và lương tâm” nghề nghiệp, khiến vấn đề đạo đức báo chí trở thành tâm điểm bức xúc của dư luận xã hội.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, từ khi các báo và trang tin điện tử nở rộ như nấm sau mưa, “cuộc chiến gạo tiền” tập trung vào số lượng người đọc báo điện tử, xuất hiện một loại báo chí mới với tên gọi: “báo chí câu view”, khiến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trở nên nổi cộm hơn bao giờ hết. Tất cả hoạt động của tòa soạn, biên tập, phóng viên đều phục vụ cho mục đích gia tăng lượng độc giả. Từ việc rút tít giật gân, đến moi móc chuyện đời tư của người nổi tiếng, hay việc chọn chủ đề nóng thậm chí là “đánh hội đồng” doanh nghiệp... Không ít tờ báo hùa theo mạng xã hội, đăng tải thông tin không kiểm chứng, một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trước khi họ được minh oan. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể khái quát như sau: Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và sự sụt giảm lượng phát hành của báo in, cũng như suy thoái về kinh tế của báo chí truyền thống đang gây sức ép nặng nề về nguồn thu. Nhiều tờ báo hiện nay rất khó khăn trong việc cân đối thu chi, trong khi đó, báo chí điện tử, dù phát triển mạnh nhưng cũng chưa mang lại nguồn doanh thu quảng cáo đáng kể. Hầu hết các cơ quan báo chí đều phải tìm các giải pháp phát triển kinh doanh, chấp nhận rủi ro, thậm chí phải kiếm tiền bằng bất cứ hình thức nào. Một số cơ quan báo chí có chính sách khuyến khích phóng viên tham gia vào hoạt động kinh doanh, bán quảng cáo, thậm chí còn đặt mức khoán cho phóng viên bán quảng cáo hoặc phát hành. Thực tế cho thấy, nếu phải đóng vai 2 trong 1, các phóng viên, nhà báo rất khó giữ được sự trong sáng, khách quan trong hoạt động tác nghiệp.

Mặt khác, thu nhập của người làm báo hiện nay không phải là cao, ngoại trừ một vài cơ quan báo chí lớn. Theo thống kê, phần lớn các cơ quan báo chí chưa thể trả lương hàng tháng cho nhà báo đủ cao để họ “toàn tâm toàn ý” cho công việc mà không phải quan tâm đến các nguồn thu nhập khác. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại sẵn sàng tìm cách quan hệ với các nhà báo để có các bài viết có lợi mà không phải trả tiền quảng cáo, từ đó dẫn đến làm tha hóa một bộ phận nhà báo, xuất hiện nhiều bài “PR đen”, trên báo chí, làm “ô nhiễm” môi trường truyền thông.

Nhìn từ thực tiễn đời sống báo chí hiện nay có thể thấy, không ít phóng viên, nhà báo được đào tạo bài bản, căn cơ về nghề, nhưng không được bồi dưỡng hoặc tham gia các lớp nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Nhiều người trong số họ có thể viết tốt, nhanh nhạy trong công việc, nhưng lại thiếu trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Ngoài ra, hiện nay một số cơ quan báo chí do phải lo “cơm áo gạo tiền” nên phải tuyển người giỏi làm quảng cáo, chạy dự án, nhưng lại yếu về nghiệp vụ báo chí. Vì thế, họ thiếu khả năng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, điều tra rõ ngọn nguồn của vấn đề, do đó rất dễ sa vào phiến diện, một chiều. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, pháp luật... là những lĩnh vực đòi hỏi khả năng chuyên môn khá cao.

Trong môi trường truyền thông hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự lớn mạnh của lực lượng báo chí truyền thông, nhưng cũng nhìn thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các xu hướng làm báo và các nhóm lợi ích khác nhau trong báo chí. Do đó, trong thời gian tới, rất cần một bộ tiêu chuẩn đạo đức báo chí phù hợp với Luật Báo chí sửa đổi năm 2016. Bộ Quy tắc đạo đức báo chí này có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn hoặc khuyến khích nhà báo tìm tòi để đi đến một hành động đúng đắn, công bằng, trung thực và nhân đạo.

Cần cụ thể trong quy định

Ngày 5/4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), với nhiều nội dung mới, trong đó đã “luật hóa” Hội Nhà báo Việt Nam bằng những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam. Luật Báo chí (sửa đổi) bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trên thế giới, hầu hết các cơ quan báo chí, tòa soạn ở các nước phát triển đều có Bộ Quy tắc hướng dẫn cho các phóng viên, biên tập viên của mình trong hoạt động nghề nghiệp. Họ coi đây là một trong những quy ước để đánh giá năng lực cũng như phẩm chất của nhà báo.

Nhà nghiên cứu Stephen Whittle thuộc Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, Đại học Oxford (Anh) nhấn mạnh: “Thông tin chính xác quan trọng hơn là thông tin đi trước... Mọi phóng viên đều muốn được đưa tin đầu tiên, nhưng điều quan trọng hơn là phải đưa được thông tin chính xác, đúng bản chất sự việc, dù có thể chậm hơn. Ngay cả ở Anh người ta cũng không chấp nhận lý do phải cạnh tranh với đối thủ để lý giải cho việc thiếu kiểm chứng thông tin của nhà báo và tờ báo”.

Trong Điều 2 của Bộ Quy tắc hành xử của phóng viên Anh do Hiệp hội các nhà báo Anh quốc đưa ra từ năm 1939, có ghi: “Nhà báo cố gắng đảm bảo rằng, thông tin cung cấp được truyền tải một cách trung thực, chính xác và công bằng”.

Nói về việc đưa tin chính xác, quy tắc đạo đức nhà báo của Nga chỉ ra rằng: “Nhà báo phải coi các hành động sau đây là tội phạm báo chí nghiêm trọng, bao gồm bóp méo sự thật có ác ý, vu cáo, lấy tiền để đưa tin sai sự thật, hoặc giấu giếm thông tin sự thật trong bất kỳ tình huống nào”.

Nguyên tắc đạo đức báo chí Ấn Độ quy định: “Nên thận trọng trong tất cả các bình luận, xã luận và thể hiện ý kiến... Không nên bác bỏ sự thật, hay cố tình làm méo mó tin tức... Tin về những tai nạn liên quan đến sự mất mát cuộc sống, vô luật pháp, đốt phá v.v.. nên được miêu tả, tường thuật và đặt tít trong điều kiện nghiêm khắc, khách quan và không nên thể hiện một cách nặng nề”.

Qua đó có thể thấy, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không trừu tượng, mà rất cụ thể, nó có thể tác động trực tiếp đến hạnh phúc hay đổ vỡ của một gia đình hoặc hủy hoại cả một doanh nghiệp, đơn vị. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta rất cần có chỉ số rõ ràng để đánh giá, phân biệt được các bài báo, các tờ báo có trách nhiệm xã hội hay là vì lợi ích cá nhân... Các biện pháp chế tài hiện nay của các cơ quan quản lý thường là đi sau, khi xảy ra vụ việc rồi mới xử phạt. Do đó, rất cần một Bộ Quy tắc đạo đức nghề báo phù hợp với Luật Báo chí sửa đổi. Điều mà ai cũng biết, chỉ số về hiệu quả xã hội sẽ là lời nhắc nhở đối với tất cả chúng ta - những “người thư ký của thời đại”.

Hãy cẩn thận với những câu từ, hình ảnh, tít bài... gây hậu quả không tốt cho xã hội, nhà báo cũng cần có những “cái thước dây”, những vạch cân và cái tâm với nghề. Tuy nhiên, để có Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp có hiệu quả, những người lãnh đạo cơ quan báo chí phải gương mẫu đi đầu mới tránh được tình trạng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, như thế chúng ta mới có môi trường truyền thông trong sạch.

----

(1) Christ Frost, 2015. Journalism ethics and regulation (Fourth Edition)
(2) Kovach, B, and Rosenstiel, T., 2003. The elements of journalism. NewYork: Three Rivers Press
(3) Peter Arnett: Phải viết như sự thật vốn có, Tuổi trẻ cuối tuần, 8/11/2007

Nguyễn Thành Lợi

Tạp chí Người Làm Báo số 388 - Tháng 6/2016