
Từ năm 2018: Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tiền lương thực tế
-
Từ ngày 1/1/2018, đối với lao động trong doanh nghiệp, cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi. Người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn nhưng sẽ hưởng lương hưu ở mức cao hơn.
Từ 1/1/2018, người lao động sẽ phải đóng BHXH nhiều hơn nhưng được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) trên mứclương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.
Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng có gồm cả phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Đối với công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), việc đóng bảo hiểm xã hội trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng sẽ áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa 75% sẽ kéo dài thêm 5 năm.
Lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75%. So với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.
Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 muốn được hưởng tối đa 75% phải đủ 31 năm đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%. So với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội là lao động nam được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.
Theo một số chuyên gia, việc kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội cùng với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ giúp tăng mức lương bình quân để tính lương hưu. Mặc dù tỷ lệ hưởng giảm nhưng người lao động vẫn có thể sẽ hưởng lương hưu ở mức cao hơn./.
TH

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
